Bệnh nhân bị cắt 2 quả thận: Đường dao vô tình hay BS "quên bài"?

Thứ Sáu, 16/12/2011, 13:52
Với một bác sỹ "tay ngang" thì có thể chấp nhận trên hình ảnh siêu âm không phát hiện BN có thận dị tật bẩm sinh, nhưng với một bác sỹ đã được đào tạo chuyên ngành nội trú thận niệu tại Bình Dân như bác sỹ Nguyên là điều khó xảy ra. Trừ khi vì quá lâu không gặp phải dạng "thận dính" mà bác sỹ "quên mất"?
>> Đang xem xét vụ bệnh nhân bị cắt 2 quả thận

Ngày 15/12, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ đã tiến hành họp hội đồng chuyên môn xung quanh vụ tai biến bệnh nhân (BN) Hứa Cẩm Tú (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) bị cắt cả 2 trái thận.

Tham dự cuộc họp còn có đại diện Ban Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ; PGS.TS Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch Hội Tiết niệu Việt Nam - Phó Giám đốc BV Bình Dân TP Hồ Chí Minh và các bác sỹ đại diện Khoa Tiết niệu, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Tuy nhiên, mong chờ của báo giới về kết luận chính thức nguyên nhân dẫn tới tai biến cho BN vẫn chưa được đáp ứng với lý do chỉ bàn về giải pháp chữa trị tốt nhất cho BN. BV cũng thừa nhận BN Hứa Cẩm Tú phải chạy thận nhân tạo định kỳ hoặc ghép thận nếu có nguồn thận hiến. Ngày 15/12, BN Hứa Cẩm Tú đã được 4 lần chạy thận, đã có thể nói chuyện, nhưng vẫn phải chăm sóc đặc biệt.

Xung quanh lý giải về việc BN Tú mắc tật bẩm sinh thận móng ngựa, PGS-TS Vũ Lê Chuyên cho rằng, thận móng ngựa cũng như nhiều bệnh lý khác có nhiều phương pháp để chẩn đoán nhờ các kỹ thuật siêu âm, citi… nhưng không có phương pháp nào toàn diện. Các phương pháp chẩn đoán luôn có tỉ lệ sai số trước và sau mổ từ 15-20%. Trong trường hợp chị Tú, là do lỗi chẩn đoán ban đầu về BN có bẩm sinh thận móng ngựa.

Bác sỹ Trần Văn Nguyên (Trưởng kíp mổ) cũng đã thừa nhận do chẩn đoán ban đầu không phát hiện nên khi mổ bác sỹ chỉ nghĩ là cắt quả thận trái và phần dị tật, thận phải vẫn còn nguyên. Còn việc chuyển từ mổ nội soi sang mổ hở vì thấy BN bị mất máu và đã có gọi điện báo Ban Giám đốc.

Để rộng đường dư luận trước khi Hội đồng khoa học chuyên môn đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân tai biến, PV Báo CAND cũng kịp tham khảo một ý kiến khác từ phía Phó GS-TS Phạm Văn Bùi - Tổng Thư ký Hội Thận - Niệu học TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương.

Hoàn toàn đứng trên góc độ chuyên môn, PGS Phạm Văn Bùi thừa nhận ngoại khoa là một lĩnh vực khó do đó người bác sĩ phải nắm được kỹ thuật thực hành và cả kiến thức vững vàng thậm chí rộng hơn những gì mình học được mới giảm bớt sai sót. Trong đó chẩn đoán trước mổ là cực kỳ quan trọng nhằm lường trước những tình huống tai biến mà xử trí…

Hội đồng chuyên môn trả lời báo chí sáng 15/12.

Theo PGS-TS Phạm Văn Bùi, tại BV Bình Dân trước đây cũng đã từng ghi nhận 7 trường hợp bị tật thận dính như trên. Nhưng đây cũng là một trong những tai biến mổ nội soi thận niệu được phổ biến rất kỹ cho bác sỹ đã được huấn luyện và được đánh giá là bài học khó quên.

Như vậy, với một bác sỹ "tay ngang" thì có thể chấp nhận trên hình ảnh siêu âm không phát hiện BN có thận dị tật bẩm sinh, nhưng với một bác sỹ đã được đào tạo chuyên ngành nội trú thận niệu tại Bình Dân như bác sỹ Nguyên là điều khó xảy ra. Trừ khi vì quá lâu không gặp phải dạng "thận dính" mà bác sỹ "quên mất"?

Trao đổi thêm về quy trình mổ nếu là thận móng ngựa, PGS Phạm Văn Bùi cũng đưa ra một số chi tiết đáng chú ý: thận móng ngựa cấu tạo có 2 trái thận đàng hoàng, dính nhau bởi một cái eo nối và bó mạch máu. Khi mổ nội soi, đường dao sẽ đi từ dưới bụng lên theo "bài học vỡ lòng" của mổ thận niệu (thận trái sẽ nằm vị trí 4 giờ, thận phải nằm vị trí 8 giờ theo chiều kim đồng hồ), vậy khi tới búi mạch máu nối giữa 2 thận móng ngựa thì mũi dao cũng sẽ ngưng lại tối đa ở đây. Cùng lắm đi tiếp đụng thận trái chứ không thể "lấn" sang đụng thận phải mà cắt luôn. Còn nếu mổ hở sẽ thấy ngay rõ ràng cả 2 trái thận thì không lý gì bác sỹ cắt cả 2?

Chúng tôi cũng trao đổi với một TS chuyên thận niệu khác tại TP Hồ Chí Minh, vị này phân tích: Y khoa là sự chia sẻ. Sự bảo thủ trong nghề là một trong những yếu tố làm cản bước tiến của bác sỹ. Nhưng chưa hoặc rất ít trường hợp bác sỹ khi mổ ra thấy vượt khả năng mà đủ bản lĩnh "đóng ổ bụng" BN lại, chuyển lên nơi có khả năng giữ mạng sống cho BN. Đa số vì "mắc cỡ" với bệnh nhân, với đồng nghiệp mà tiếp tục thể hiện tay nghề và hậu quả là… "quậy tưng" trong bụng BN. Gây nỗi đau mất mát không có cơ hội để sửa lỗi. Đây là một bài học đắt giá cho việc thiếu thận trọng khi chẩn đoán trước mổ

H.Nga - V.Vĩnh
.
.
.