Bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng trong chuyển đổi số
- Bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, tập trung nhóm đối tượng yếu thế
- Giải pháp cấp bách lấp “lỗ hổng” bảo vệ dữ liệu cá nhân
Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet một cách thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày. Theo Hiệp hội Internet Việt Nam, Internet đã trở thành một dịch vụ thiết yếu đối với tất cả mọi người. Người Việt Nam có rất nhiều triển vọng trên môi trường Internet. Tuy vậy, Việt Nam cũng đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề và một trong những thách thức hiện nay là bảo mật dữ liệu cá nhân người dùng trong bối cảnh chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG cho rằng, ở Việt Nam hiện tại dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu cá nhân chưa được tôn trọng và bảo mật . Theo ông Minh, dữ liệu hiện nay có vai trò vô cùng quan trọng. Khối lượng dữ liệu khổng lồ được con người tạo ra mỗi ngày, nhưng việc thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu mới có thể tạo ra giá trị. Tuy nhiên, theo thống kê, chỉ 1% dữ liệu được xử lý để mang lại giá trị. Phần lớn, các dữ liệu này được xử lý bởi các công ty công nghệ đa quốc gia.
Điều đáng nói tại Việt Nam hiện nay, có rất nhiều người không thực sự hiểu rằng, tất cả các dữ liệu quan trọng của mình đang được các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng với mục đích gì. Cũng theo ông Minh, để nền kinh tế số phát triển, việc đầu tiên là người dùng phải tin tưởng dữ liệu của mình được tôn trọng. Do vậy, cần thiết phải đưa ra quy định riêng về bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu cho người dùng, bởi dù đã có một số quy định liên quan nhưng chưa thực sự được đề cao để có thể thúc đẩy nền kinh tế số.
“Người dùng có quyền biết dữ liệu của mình đang được các đơn vị tổ chức nước ngoài và trong nước sử dụng như thế nào. Quyền dữ liệu cần được tôn trọng. Người dùng cần được biết, ai đang thu thập dữ liệu của mình và mục đích thu thập để làm gì. Có quyền đồng ý và không đồng ý sử dụng dữ liệu đó”, ông Minh nêu ý kiến.
Khẳng định dữ liệu được xem là tài nguyên quý giá và là nền tảng cho chuyển đổi số, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với nhiệm vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ chia sẻ, kết nối liên thông các hệ thống thông tin cần được xem là vấn đề quan trọng trong quá trình thực hiện khát vọng chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định: Cách đây hơn 20 năm, khi Việt Nam lần đầu tiên kết nối Internet, chúng ta đã đặt những dấu chân số đầu tiên trên không gian mạng. Kể từ đó đến nay, Internet đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước. Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Thay vì chỉ đơn giản là số hóa tài liệu, số hóa quy trình như trước đây, công nghệ số phát triển cho phép chúng ta đưa toàn bộ hoạt động của mình lên không gian mạng.
Cuộc dịch chuyển này sẽ diễn ra với tốc độ nhanh, tạo ra tác động lớn lên cả 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
“Khi chúng ta đặt ra nhiệm vụ phải làm chủ hạ tầng số quốc gia, làm chủ không gian mạng quốc gia, bảo vệ chủ quyền số quốc gia là một nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu thì doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ và ứng dụng công nghệ của thế giới, từ đó làm chủ hạ tầng Internet và không gian mạng Việt Nam”- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.