Bảo vệ các hệ sinh thái ven biển Đồng bằng sông Cửu Long
Chương trình Biến đổi Khí hậu và Hệ sinh thái vùng Ven biển Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam (CCCEP) sẽ được thực hiện theo Thỏa thuận Hợp tác giữa hai chính phủ Australia và CHLB Đức. Chương trình kéo dài 5 năm này sẽ được triển khai tại các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Sóc Trăng. Chương trình bao gồm một hợp phần cấp quốc gia nhằm hỗ trợ phát triển chính sách và ra quyết định dựa trên kết quả hoạt động của các tỉnh nằm trong vùng dự án.
Chính phủ Australia, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID), sẽ đóng góp cho chương trình 23 triệu AUD Australia (tương đương 24,3 triệu USD) và Chính phủ Đức cam kết đóng góp khoảng 14,1 triệu USD dưới hình thức hợp tác kỹ thuật. CCCEP sẽ được thực hiện thông qua Tổ chức GIZ (Deutsche Gesellschaft fuer Internationale Zusammenarbeit). Ngoài ra, thông qua Ngân hàng KfW, CHLB Đức cũng cam kết cung cấp 25,3 triệu USD dưới hình thức hợp tác tài chính.
Ký kết thỏa thuận hỗ trợ quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. |
"Do Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, Chính phủ Australia đang tăng cường hỗ trợ nhằm giúp Việt Nam thích ứng với khí hậu đang thay đổi và phát triển theo chiều hướng giảm phát thải các-bon, phù hợp những nỗ lực chung của toàn cầu. Australia sẽ tiếp tục hợp tác với Đức và các cấp chính quyền sở tại cùng nỗ lực đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng Sông Cửu Long và nâng cao sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương" - Ông Michael Wilson, Tham tán Công sứ của AusAID cho biết.
"Mối quan hệ hợp tác Australia - CHLB Đức - Việt Nam là một minh chứng tuyệt vời về cách mà các nước tài trợ cùng nhau giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu", Bà Fisel-Roesle, Tùy viên Tham tán Tổng lãnh sự quán Đức tại TP HCM cho biết.
Chương trình Biến đổi Khí hậu và Hệ sinh thái vùng Ven biển, xây dựng trên cơ sở các kết quả sẵn có tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang, sẽ cung cấp nhiều giải pháp thiết thực nhằm giải quyết hàng loạt các đe dọa về môi trường mà các hệ sinh thái ven biển đang phải đối mặt. Các tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu của mình, trong đó bao gồm các hoạt động phục hồi rừng ngập mặn và biện pháp bảo vệ rừng ven biển, tạo sinh kế mới cho người dân sống phụ thuộc vào rừng ven biển, giới thiệu mô hình canh tác nông nghiệp thay thế, cũng như cải thiện tình hình xây dựng và quản lý đê biển.
Ông Jochem Lange, Giám đốc Quốc gia GIZ ở Việt Nam bổ sung: "Những điều đó cho thấy sự phức tạp của các thách thức do biến đổi khí hậu gây nên. Chúng không thể được giải quyết chỉ bởi riêng một cơ quan nào mà cần phải được tiếp cận một cách toàn diện, với sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên".
Chương trình này dự kiến sẽ được triển khai từ tháng 7/2011 đến tháng 6/2016