BV Việt - Đức vận động nhiều gia đình người chết não hiến tạng

Thứ Năm, 27/05/2010, 12:43
Kể từ 2 ca ghép thận đầu tiên từ người cho chết não, trong vòng chỉ hơn một tuần qua, Bệnh viện Việt - Đức đã liên tục có thêm 4 bệnh nhân may mắn được ghép thận và 1 bệnh nhân được ghép gan thành công từ nguồn cho tạng này.

Chúng tôi - những phóng viên đã nhiều lần tham gia đưa tin, bài về các ca phẫu thuật khó, các kĩ thuật mới lần đầu ứng dụng thành công… nhưng vẫn thấy thật xúc động và vui lây với niềm hạnh phúc của các bác sỹ và bệnh nhân ở đây.

Thạc sỹ Nguyễn Quang Nghĩa, Khoa Phẫu thuật gan, mật, thành viên nhóm Ban vận động hiến tạng Bệnh viện Việt - Đức cho chúng tôi biết, khi có bệnh nhân vào viện, tuổi từ 18-48, có tổn thương não, chỉ số G từ 3-4 điểm, HIV âm tính, không có tổn thương các tạng như gan, thận…, sau khi hồi sức cấp cứu nếu có diễn biến xấu, bất kể ngày hay đêm, các thành viên Ban vận động sẽ được gọi đến bệnh viện để tiếp xúc với gia đình bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có kết quả test chẩn đoán chết não lần 1 là dương tính, nhóm vận động sẽ đề cập việc hiến tạng với gia đình. 6 tiếng sau, kết quả test lần 2 dương tính thì mới khẳng định bệnh nhân đó bị chết não và tiến hành lấy tạng nếu gia đình đồng ý.

Một số thành viên trong ca ghép gan đầu tiên từ người cho chết não tại Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: Thanh Loan).

Nhóm vận động đã tiếp xúc với hàng trăm gia đình có người thân bị chết não, nhưng mãi tới cách đây hơn một tuần, mới có 3 gia đình đồng ý cho tạng. Họ - những gia đình người cho tạng cũng xứng đáng được tôn vinh là người đi tiên phong và có công đóng góp cho sự phát triển y học nước nhà.

Chẳng ai muốn đề cập tới việc hiến tạng ngay vào thời điểm rất nhạy cảm - gia đình còn đang bàng hoàng đau đớn vì người thân gặp nạn, nhưng nếu để lâu hơn, khi họ đã nguôi ngoai, thì sẽ là quá muộn. Bởi thế, cách đặt vấn đề của nhóm luôn dựa trên nguyên tắc bất di bất dịch, trước hết phải tập trung cao nhất cứu chữa người bị nạn, tuân thủ nghiêm ngặt việc chẩn đoán chết não, chia sẻ, cảm thông với nỗi đau của gia đình họ và việc vận động hiến tạng chỉ vì mục đích cứu sống những người bệnh khác.

Thực tế công việc của nhóm vận động cho thấy, những gia đình có người bị suy gan, thận…, có người thân làm ngành Y... sẽ dễ đồng cảm và hiểu được giá trị của việc hiến tạng hơn.

Để những ca ghép gan, thận đầu tiên từ người cho chết não thành công, phải có đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Đó là Luật Hiến, ghép mô, tạng có hiệu lực; ê kíp lấy, ghép tạng, trang thiết bị y tế đã được Bệnh viện Việt - Đức đầu tư, đào tạo trong nhiều năm qua. Nhưng để cho cả guồng máy tiên phong đó hoạt động nhịp nhàng và thành công, không thể không kể đến công lao của người đứng đầu Bệnh viện Việt - Đức, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - vị Giám đốc có tâm và rất quyết liệt trong việc phát triển kĩ thuật ghép tạng nước nhà.

Mỗi năm, riêng Bệnh viện Việt - Đức có khoảng 1.300 bệnh nhân bị chết não do tai nạn giao thông, lao động, sinh hoạt, trong khi có hàng trăm bệnh nhân suy thận, suy gan cần được ghép tạng để cứu mạng sống. Nhiều người phải ra nước ngoài ghép tạng và tiêu tốn số tiền cao gấp nhiều lần so với chi phí một ca ghép thận khoảng 200-250 triệu, ghép gan khoảng 1 tỷ đồng, có thể thực hiện ngay trong nước.

Hiện Bệnh viện Việt - Đức đã cấp sổ khám chữa bệnh ưu tiên đặc biệt và linh động hỗ trợ kinh phí cho cha mẹ đẻ, con, vợ (chồng) của người chết não hiến tạng hoặc anh chị em ruột (nếu người cho chưa kết hôn). Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Bộ Y tế cần sớm ban hành các chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với thân nhân những người chết não hiến tạng

Thanh Loan
.
.
.