“Cơn lốc” mã độc WannaCrypt: Mỹ lo cuống hacker tấn công hệ thống quân sự

Thứ Ba, 16/05/2017, 08:17
Mở cuộc điều tra quy mô lớn nhằm vào phần mềm mã độc tống tiền WannaCrypt, Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo rằng, các cuộc tấn công của WannaCrypt có thể sẽ gia tăng mạnh mẽ vào trung tuần tháng 5 và rằng WannaCrypt có thể khiến các máy ATM đồng loạt… nhả tiền.


Thống kê của Europol công bố tối 14-5 cho biết, hiện có ít nhất 200.000 nạn nhân tại 150 quốc gia bị nhiễm mã độc WannaCrpyt. Viện Nghiên cứu hậu quả mạng (Cyber Consequences Unit) – một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ ước tính, tổn thất của vụ tấn công mạng quy mô toàn cầu hiện nay có thể lên tới hàng trăm triệu USD. Đáng chú ý là số nạn nhân có thể gia tăng trong tuần này khi các công sở bắt đầu trở lại làm việc vào thứ 2, ngày 15-5.

Giám đốc Europol Robert Wainwright cảnh báo: “Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ leo thang, con số tiếp tục tăng lên. Tôi lo ngại về con số sẽ tăng như thế nào khi mọi người đi làm và bật máy tính lên vào ngày 15-5”. Đồng thời, ông Robert Wainwright cũng nhắc lại những thông tin mới mà các chuyên gia công nghệ tiết lộ. Đó là sự xuất hiện một phiên bản thứ 2 của mã độc tống tiền WannaCrypt.

Europol cùng FBI và các công ty an ninh mạng đang ráo riết truy lùng thủ phạm phát tán mã độc WannaCrypt. Ảnh: AP

Theo đó, phiên bản thứ 2 của WannaCrypt được các hacker tung ra sau khi một nhà phân tích an ninh 22 tuổi dùng tài khoản Twitter tên là MalwareTech ở Anh đã vô tình kích hoạt “một công cụ tự diệt” (kill switch) trong phần mềm độc hại này, qua đó dừng chương trình lây lan mã độc.

Công cụ này được ẩn trong mã độc và là địa chỉ website chưa đăng ký, cho phép virus cố gắng liên lạc khi lần đầu tiên lây nhiễm vào máy tính. Nếu nhận được thư trả lời, nó sẽ phong tỏa máy tính. 

Khi đó, MalwareTech cũng  cảnh báo rằng, anh chỉ dừng hoạt động một phiên bản của WannaCrypt trong khi mã độc này sản sinh ra rất nhiều phiên bản khác nhau. Chuyên gia bảo mật Costin Raiu thuộc Công ty an ninh mạng Kaspersky Lab thì nhận định, phiên bản mới nguy hiểm hơn rất nhiều vì nó không có tên miền dùng để tắt hoạt động như ở trong phiên bản đầu tiên.

Đến thời điểm này, các công ty an ninh mạng đã xác định được virus gây ra vụ tấn công từ hôm thứ 6 tuần trước là loại virus có khả năng tự phát tán trên quy mô lớn bằng cách lợi dụng một lỗi phần mềm trong hệ điều hành Windows XP của Microsoft Corp.

Hầu hết các nạn nhân đã backup dữ liệu để có thể nhanh chóng khôi phục các hệ thống bị ảnh hưởng. Microsoft cũng khuyến cáo khách hàng sử dụng phần mềm chống virus của hãng và bật Windows Update chính hãng an toàn. Bên cạnh đó, hãng này cũng đang ráo riết truy tìm và chống lại mã độc tống tiền bằng cách vá các lỗi hoặc lỗ hổng trên Window.

Thậm chí, Microsoft còn thực hiện một động thái mà hãng tự gọi là “cực kỳ bất thường” khi phát hành bản vá lỗi dành cho các phiên bản Windows cũ để vá lại lỗ hổng bảo mật mà mã độc WannaCrypt có thể khai thác. Điều này sẽ giúp người dùng các phiên bản Windows cũ được an toàn hơn.

Tuy nhiên, bản vá lỗi này chỉ được dành cho Windows XP, Windows Server 2003 và Windows 8, nghĩa là người dùng Windows Vista và Windows 7 sẽ không được nhận bản vá lỗi quan trọng này.

Một công ty an ninh mạng khác của Nga tên là Group IB thì cảnh báo rằng, mã độc mới có thể sẽ được sử dụng để tấn công cùng lúc nhiều máy rút tiền tự động (ATM) khiến các máy này đồng loạt nhả tiền.

Hai nhà sản xuất máy ATM là Diebold Nixdorf và NVR Corp cũng đã thừa nhận về nguy cơ này. Báo cáo của Europol cũng nhắc đến vấn đề này cho rằng, hoạt động sử dụng phần cứng để đánh cắp thông tin thẻ tại ATM đang phổ biến và sự gia tăng của mã độc nhằm vào ATM đang hiện hữu.

GS Alan Woodward thuộc Đại học Surrey nói: “Phương pháp mới được thực hiện bằng cách truy cập vào hệ thống trung tâm của các ngân hàng và phát tán mã độc cùng lúc tới toàn bộ các máy ATM.

Cách truyền thống để truy tìm thủ phạm tài chính trên mạng là “theo dấu vết của tiền” nhưng với cách tấn công này, chúng ta không thể làm như vậy. Rất khó để xác định những kẻ đứng đằng sau vụ tấn công, cho dù bằng chứng cho thấy có một lượng rất hạn chế những nhóm đã tham gia hình thức tấn công này”. Còn Giám đốc Europol Robert Robert Wainwright thì tiết lộ, Europol đang hợp tác với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để tiến hành điều tra, tìm ra thủ phạm.

Robert Wainwright thừa nhận: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều gì như vậy. Europol lường trước ransomware đang trỗi dậy thành mối đe dọa chính đối với Internet, nhưng với quy mô tấn công toàn cầu như hiện nay là điều chúng tôi chưa từng chứng kiến”.

Hãng tin CNN thì cho hay, FBI cũng đang cùng Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) cố gắng xác định thủ phạm của cuộc tấn công quy mô lớn này. Hôm 14-5, các quan chức an ninh Mỹ đã tiến hành một cuộc họp khẩn tại Nhà Trắng.

Ngày 15-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tiếp tục ra lệnh cho cố vấn an ninh nội địa của Nhà Trắng Tom Bossert tổ chức một cuộc họp khẩn để đánh giá mối đe dọa từ cuộc tấn công nói trên.

Điều mà phía Mỹ lo ngại nhất hiện nay là các tin tặc có thể lợi dụng lỗ hổng an ninh được tiết lộ trong các tài liệu bị rò rỉ trên mạng của NSA, rồi thậm chí xâm nhập vào các vũ khí trong không gian mạng được sử dụng bởi NSA cũng như các cơ quan tình báo khác.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.