President-S, lá chắn vô hình của máy bay Nga

Thứ Hai, 14/03/2016, 08:15
Máy bay Nga sẽ miễn nhiễm với tên lửa vác vai của phiến quân ở Syria khi được gắn hệ thống President-S, đó là khẳng định của một chuyên gia quân sự.

Vào ngày 12-3 vừa qua, một máy bay Mig-21 của Không quân Syria đã bị rơi tại Hama khiến 1 phi công thiệt mạng, người còn lại may mắn sống sót. Nguồn tin thân cận với chính quyền Syria cho rằng, máy bay đã gặp trục trặc kỹ thuật. Tuy nhiên một ngày sau đó, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết, chiếc máy bay bị bắn hạ bởi tên lửa. Nguồn tin từ tổ chức này còn mô tả, phiến quân đã bắn 2 quả tên lửa, 1 đi trật mục tiêu, 1 đã bắn trúng máy bay và khiến nó rơi ngay sau đó.

Giữa các luồng thông tin trái ngược, nhà báo Nga kiêm phân tích gia về quân sự lập tức nhớ lại cuộc phỏng vấn của tạp chí Spiegel của Đức với Ngoại trưởng Saudi Arabia Al-Jubeir, trong đó, Riyadh tỏ ý sẵn sàng cung cấp các hệ thống tên lửa đất đối không cho lực lượng đối lập tại Syria. Câu hỏi đặt ra là, liệu những máy bay Nga hoạt động ở Syria có bị nguy hiểm bởi những tên lửa như thế. 

Nhà báo Tuchkov trong một bài phân tích trên báo  Svobodnaya Pressa cho rằng, Riyadh nếu làm như vậy thì họ đang làm một điều tương tự những gi họ đã làm ở Afghanistan. Quân đội Soviet từng hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng từ các hệ thống MANPADS (tên lửa phòng không vác vai) Stingers  do Mỹ sản xuất tại chiến trường Afghanistan.

International Business Times của Anh dẫn lời  Nic R. Jenzen-Jones, giám đốc Công ty tư vấn kỹ thuật tình báo Armament Research Services các hệ thống Riyadh có thể cung cấp (cho phe đối lập Syria) có thể là các hệ thống họ sẵn có (bao gồm hệ thống Stingers). 

Theo ông Jenzen-Jones thì những hệ thống như vậy là mối đe dọa đáng kể với các máy bay của Syria, đặc biệt là máy bay trực thăng. "Tuy vậy, về góc độ kỹ thuật MANPADS hoặc SAM (surface-to-air-missiles - tên lửa đất đối không) của Saudi Arabia sẽ chỉ là mối đe dọa hạn chế với máy bay chiến đấu của Nga", Jenzen-Jones nói thêm.

Ông Tuchkov thì bổ sung thêm là kể cả nếu các chiến binh (đối lập Syria) có được trang bị loại SAM mới nhất của Mỹ thì máy bay và trực thăng Nga cũng có hệ thống thiết bị để vô hiệu hóa chúng. Vậy Nga có gì để chống lại mối đe dọa từ MANPADS hoặc SAM ở Syria?

Tuchkov tiết lộ câu trả lời đó là hệ thống phòng vệ đường không President-S sản phẩm mới nhất của viện thiết kế Ekran tai Samara. "Stinger được cung cấp cho  Mujahideen bởi người Mỹ thực sự là một vũ khí hiệu quả chống lại Không quân Soviet trong thời gian chiến tranh Afghanistan (thập kỷ 80 của thế kỷ 20). Hệ thống mồi bẫy bằng pháo sáng hóa ra không phải là thứ hiệu quả để bảo vệ máy bay. Những quả pháo sáng có thể đánh lừa các loại tên lửa trước đó khi đầu tự dẫn của chúng hoạt động trong vùng quang phổ hồng ngoại (IR). Singter lại khác, nó sử dụng đầu tự dẫn tử ngoại (UV) làm cho tên lửa có khả năng phân biệt được đâu là mồi nhiễu và đâu là mục tiêu thực sự", Tuchkov phân tích.

Nga sau đó đã có câu trả lời là hệ thống L116V1A 'Lipa gây nhiễu hồng ngoại, với các đèn Xenon tạo ra một vùng xoáy khí nóng  khiến tên lửa khó khăn khi xác định mục tiêu. Theo ông Tuchkov thì nhờ Lipa, số lượng máy bay Mi-8 và Mi-24 mất ở Afghanistan giảm tới 90 %.

Tuy nhiên người Mỹ cũng không đứng yên, họ tìm cách cải tiến độ nhạy của đầu thu hồng ngoại từ 1-3 đến 3-5 microns cho phép tên lửa khóa mục tiêu dù có cả mồi nhiều. Hơn nữa, đầu tự dẫn của tên lửa còn được làm mát bằng nitơ lỏng khiến nó càng nhạy hơn khi được sử dụng

Tiến bộ của MANPADS Mỹ khiến viện Ekran cho ra đời hệ thống President-S. Một hệ thống này bao gồm radar cảnh báo, cảm biến cảnh báo laser (tia laser dẫn đường), bộ phận cảnh báo tên lửa, hệ thống mồi bẫy.

"Điều gì làm nên một hệ thống bất khả xâm phạm", Tuchkov giải thích rằng, khi hệ thống cảnh báo phát hiện ra một tên lửa đang phóng tới, máy tính trên máy bay sẽ tính toán để phóng ra một tia laser làm mù đầu tự dẫn của tên lửa.

Hệ thống sẽ hoạt động hiệu quả ở độ cao từ 500 đến 5.000 m với phương vị 360 độ, góc cao khoảng 90 độ và có khả năng vô hiệu hóa 2 tên lửa một lúc. Một hệ thống như thế ở chế độ chờ sẽ chỉ tiêu thụ 3kW điện và khi hoạt động là 6kW.

President-S là một hệ thống mới, các nhà phân tích quân sự Tuchkov  ghi nhận. Trong tương lai, hệ thống này cũng sẽ có mặt trên chuyên cơ của Tổng thống Nga, máy bay chiến đấu, và cả các phương tiện hàng không dân dụng.

Bình Nguyễn
.
.
.