Khi đàn ông… mang thai?

Thứ Năm, 02/06/2016, 08:50
Một tỉ phú "nhà nòi" người Mỹ muốn có cậu ấm đúng "nguyên bản" của mình; một trọc phú Italia vốn ghét đàn bà không muốn phụ nữ xen vào đời tư, luôn mơ ước sinh ra được một đứa con trai chính từ máu thịt của ông ta - người sẽ được di chúc lại toàn bộ gia sản kếch xù…

Những mong ước trên có viển vông không? Không! Sinh vật học hiện đại có thể biến những điều không tưởng thành hiện thực. Khoa học như thể cố muốn vượt qua mọi giới hạn cuối cùng.

Ở Hoa Kỳ, Cecil Jacobson, vị Giám đốc nổi tiếng của Trung tâm Di truyền học Liên bang, đã đặt vào khoang bụng một con khỉ đực một phôi thai đã được thụ tinh trong ống nghiệm và 4 tháng nay, bào thai phát triển hoàn toàn bình thường, không gây trở ngại gì lắm cho "khỉ cha" cả. Còn nhà di truyền học người Australia Bill Walters thì lạc quan hơn, theo ông trong tương lai gần đây sẽ có những người đàn ông mang thai, khi sinh hiển nhiên là nhờ phẫu thuật giúp sức.

Anh Thomas Beatie, người Mỹ, là phụ nữ chuyển đổi giới tính thành đàn ông năm 28 tuổi, mang thai vào năm 2008 khi 34 tuổi.

Quan niệm nam giới có thể mang thai đã được chấp nhận, không còn gây ra tranh luận ì xèo như trước đây nữa. Cuộc thăm dò mới nhất do tuần báo Pháp L'Obs tổ chức, cho thấy những kết quả kinh ngạc: 1/5 số đàn ông Pháp được hỏi "sẵn sàng mang thai, trong trường hợp vợ mình không thể sinh nở được". Chẳng nhẽ viễn cảnh đàn ông mang bầu sẽ gặp nhan nhản ngoài phố giống câu chuyện trên phim với nam tài tử Marcello Mastroianni chăng? Hay như câu nói nổi danh của nữ diễn viên Catherine Deneuve xinh đẹp trong một tác phẩm điện ảnh "ăn khách" do bà thủ vai chính: "Chồng tôi "dính" bầu ư? Có gì lạ đâu!"…

Nhà di truyền học gạo cội Leonardo Formizi, Giám đốc Trung tâm chữa trị vô sinh ở Milano (Italia) thì thận trọng hơn. "Về phương diện kỹ thuật là có thể - L. Formizi giải thích - Sinh vật học và di truyền học đã đi những bước rất xa. Những thí nghiệm tương tự với động vật thật ra đã có từ lâu rồi.

Chỉ cần một phẫu thuật đơn giản: đặt trứng đã thụ tinh vào khoang bụng của người đàn ông, giống như trường hợp chửa ngoài dạ con - đôi khi ta gặp trong giới nữ vậy. Mọi chuyện là sau đó. Tại vì phải nói là liều lĩnh, nếu nam giới có bầu bởi 2 lý do: một là khi người đàn ông tiếp nhận những nội tiết tố (hormone) giống cái cần thiết cho việc mang thai, có thể làm ảnh hưởng đến thể chất nam tính của anh ta (vấn đề này chỉ có thể được giải quyết, nếu như "cha đẻ" chỉ nhận trứng - con trai; còn trứng - con gái do nam giới sinh ra, nhất định sẽ mang tính cách đàn ông quá mức).

Thứ đến là vấn đề nhau dưỡng thai, thật khó mà "quy định" chỗ cho chúng trong bụng người đàn ông. Tử cung hay dạ con của người phụ nữ, ngoài khả năng bảo toàn thai nhi, còn có chức năng ngăn ngừa sự phát triển bừa bãi của nhau thai nữa. Đàn ông đâu có dạ con, do vậy tồn tại hiểm họa nhau thai sẽ phát triển… tứ tung tới các cơ quan nội tạng khác như gan, ruột, bàng quang…

Mặt khác, việc cắt nhau thai khi sinh khiến người phụ nữ mất một lượng máu lớn, huống hồ lại cắt chúng khi đã lỡ "cắm rễ" ở nơi khác - khi đàn ông có bầu. Phẫu thuật bắt buộc phải cắt đi một phần đầu nhau đã bám - một mẩu gan chẳng hạn. Hậu quả sẽ ra sao với sinh mạng người cha?

Câu hỏi đặt ra là sau khi việc chửa đẻ hoàn tất, đứa bé sinh ra có bình thường không? Đây là một câu hỏi khó. Dạ con đóng vai trò chính là bảo vệ thai nhi. Với việc đàn ông có chửa, đứa trẻ trong bụng không có được sự ưu đãi đó. Lượng thức ăn có thể không đủ do bộ nhau kém hoàn chỉnh. Điều chắc chắn là đứa trẻ sinh ra sẽ nhỏ hơn và ốm yếu hơn. Chỉ cần khi ngủ, người cha đang mang bầu vô ý nằm sấp hoặc nằm nghiêng về một phía, sẽ khiến đứa trẻ bị hỏng xương bẩm sinh. Chuyện tương tự đã xảy ra với những phụ nữ chửa ngoài dạ con.

Trong trường hợp ngược lại thì đứa bé khó mà sống được sau khi sinh. Khoa học có thể tạo ra "dạ con nhân tạo": trứng sẽ được bọc trong một "container siêu mini". Sau được đặt vào bụng và phát triển mà không lo khoản "chấn thương chỉnh hình" kia. Nhưng lại tồn tại việc nan giải liên quan giữa nhau và bào thai: nhau thai có chịu phát triển theo "lỗ" đã định sẵn, hoặc hài nhi có chấp nhận "nhau lạ" không? Không phải bất cứ người đàn ông nào muốn có bầu là được. Tỷ lệ "sinh đẻ được" là 1/10.000 trong các "đấng mày râu".

Về mặt xã hội học, phải chăng sự kiện "đàn ông chửa" sẽ có chỗ trong việc duy trì nòi giống loài người trong tương lai? Tác động tâm lý đối với họ như thế nào? Các hormone của nữ giới sẽ ảnh hưởng ở mức độ nào khi đàn ông chửa? Tuy rằng khoa học là vô hạn, nhưng tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy có sự tranh cãi trong câu chuyện này. Như trước đây việc thụ tinh trong ống nghiệm từng được coi là "điều quỷ quái", và ngay cả việc nhận con nuôi hay mang thai hộ cũng vậy. Nhưng thời thế đã thay đổi rồi. Vấn đề đàn ông mang bầu không còn là chuyện viễn tưởng nữa".

Lúc sinh thời Giáo sư Silvio Checato (1914-1997), người được tôn vinh là "cha đẻ" của ngành điều khiển học Italia, cũng không mấy ngạc nhiên: "Tại sao tôi phải tự  tranh luận? Sự thay đổi trong sinh vật học là điều luôn có thể. Thụ thai nhân tạo đã trở thành điều thực tiễn. Đàn ông và phụ nữ ngày một tiến tới "không khác biệt" mấy nữa, tuy sự giống nhau tuyệt đối như vậy sẽ hủy diệt nhân loại.

Vấn đề thực sự là ở chỗ: cấu thành tương lai, trong đó kỹ thuật chỉ là một phần của tương lai mà thôi; còn lại là văn hóa, môi trường, tương quan cộng đồng… Điều quan trọng là người đàn ông muốn gì? Muốn sinh đẻ? Được thôi! Lẽ dĩ nhiên là mối quan hệ phụ tử xưa nay sẽ thay đổi khác đi, bởi đứa trẻ được chính cha chúng sinh ra. Đàn ông sẽ chẳng còn cớ để mà phàn nàn về nguồn gốc của con mình nữa…".

Còn đây là ý kiến của Giáo sư René Frydman, "người cha khoa học" của đứa bé sinh ra do thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở Pháp: "Huyền thoại về nam giới chửa đẻ có thể thành hiện thực. Nhưng đó có phải là điều mà chúng ta mong muốn không? Kỹ thuật đã cho phép, nhưng làm vậy khác gì chúng ta đảo lộn thế giới này lên, biến chúng ta thành các thần linh? Y học thực tiễn là để phục vụ con người, nhưng không phải nhằm thỏa mãn mọi điều chỉ vì căn nguyên kỹ thuật, như sinh sản vô tính đã bị nhiều quốc gia kỹ thuật phát triển cấm tiệt. "Sự thai nghén của đàn ông" đúng hơn chỉ là một cách quảng bá thuần túy về những điều mà "nhân loại đã làm được", mà trước đấy chúng ta chưa đặt câu hỏi rằng "tại sao ta lại làm vậy?".

Q.Phú (theo Panorama)
.
.
.