Sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển Khoa học công nghệ 2011-2020:

Nhiều chỉ tiêu về KHCN chỉ đặt ra cho vui!

Chủ Nhật, 27/12/2015, 09:12
Bộ Khoa học – Công nghệ (KHCN) vừa tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển KHCN 2011-2020. Dù đã đạt được một số kết quả khả quan, tuy nhiên hàng loạt chỉ tiêu lớn của Chiến lược đều chưa đáp ứng được yêu cầu.


Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 45% GDP. Tuy nhiên, theo tính toán, trong các năm 2011-2013, tỉ lệ này lần lượt chỉ đạt 11,7%, 19,1% và 28,7%. Nếu không tăng tốc trong thời gian tới, Việt Nam khó có thể đạt tỉ lệ 45% vào năm 2020. Về tổng mức đầu tư xã hội cho KHCN, Chiến lược đặt mục tiêu đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP vào năm 2020.

Tuy nhiên, theo thống kê, tổng đầu tư xã hội cho KHCN năm 2013 đạt 25.468 tỉ đồng, chỉ tương đương 0,71% GDP. Trong đó, ngân sách Nhà nước chiếm 67%, phần còn lại từ doanh nghiệp và vốn nước ngoài. Tỉ lệ này còn rất thấp so với mục tiêu của Chiến lược và thấp hơn nhiều so với các quốc gia có nền KHCN phát triển (trên 3% GDP). Về đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho KHCN, mặc dù Nghị quyết Trung ương 6 và Luật KHCN 2013 đã quy định chi 2% tổng chi ngân sách, tuy nhiên trên thực tế chỉ đạt từ 1,5-1,6%.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2015 hình thành 30 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao; đến năm 2020 phấn đấu có 60 cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam mới có 9 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao đã xây dựng xong và đi vào hoạt động. Việc không đạt mục tiêu vào năm 2015 được xác định là do không thể bố trí được nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước cho những đơn vị có nhu cầu. Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, Bộ KHCN sẽ kiến nghị điều chỉnh lại mục tiêu này.

Về số doanh nghiệp KHCN, mục tiêu của Chiến lược là đến năm 2015 có 3000 doanh nghiệp KHCN, đến năm 2020 có 5000 doanh nghiệp KHCN. Trên thực tế, tính đến tháng 11-2015, cả nước có 2800 doanh nghiệp KHCN, gồm 204 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN, 23 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, 400 doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghệ cao, 818 doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KHCN và 1400 doanh nghiệp phần mềm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Nhiều doanh nghiệp không muốn chuyển đổi sang doanh nghiệp KHCN do chính sách ưu đãi chưa thu hút.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ hình thành 30 tổ chức nghiên cứu cơ bản, ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới; đến năm 2020 nâng lên 60 tổ chức. Tuy nhiên, Việt Nam mới có 2 trung tâm được Đại hội đồng UNESCO công nhận là Trung tâm UNESCO dạng 2, được hình thành trên cơ sở Viện Toán học và Viện Vật lí (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam). 

Ngoài ra, trên cơ sở bộ tiêu chí đánh giá, Bộ KHCN xác định có 6 tổ chức đạt trình độ khu vực, quốc tế và 8 tổ chức khác có thể đầu tư để đạt trình độ khu vực và quốc tế. Bộ KHCN sẽ kiến nghị điều chỉnh mục tiêu này của Chiến lược trong giai đoạn 2016-2020.

Hàng loạt mục tiêu lớn của Chiến lược không đạt là do đâu? Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KHCN) cho biết, chỉ tiêu hình thành 3000 doanh nghiệp KHCN vào năm 2015 không thành công, là do nhiều doanh nghiệp không mặn mà trong việc chuyển đổi sang doanh nghiệp KHCN.

Một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, vật liệu mới, môi trường...đáp ứng được đầy đủ tiêu chí trở thành doanh nghiệp KHCN, tuy nhiên các doanh nghiệp này lại không muốn đăng kí chuyển đổi. Nguyên do là các doanh nghiệp này đã được hưởng ưu đãi trong lĩnh vực của mình, trong khi quy định của pháp luật không cho hưởng ưu đãi "trùng nhau"... 

Khánh Vy
.
.
.