Công nghiệp vũ trụ gặp khó về nhân lực

Thứ Năm, 22/12/2016, 08:05
Phát triển ngành công nghiệp vũ trụ đang trở thành lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm từng bước chiếm lĩnh không gian. Tuy nhiên, nước ta đang đối mặt với bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực do lĩnh vực này còn mới mẻ và chi phí đào tạo rất tốn kém. 


Trung tâm Vũ trụ Việt Nam là dự án khoa học công nghệ được đầu tư lớn nhất trong vòng 35 năm qua với tổng kinh phí 600 triệu USD bằng vốn vay ODA của Nhật Bản. Dự án đã được khởi công xây dựng từ ngày 19-9-2012, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là nơi sản xuất ra các vệ tinh dùng công nghệ radar hiện đại, cho phép chụp ảnh toàn bộ trái đất với độ phân giải rất cao và có thể chụp được trong mọi điều kiện thời tiết.

Dù được đẩy mạnh đầu tư nhưng Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực cho việc phát triển công nghệ vũ trụ. Theo kế hoạch, khi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đi vào hoạt động, dự kiến cần khoảng 250 chuyên gia.

Tuy nhiên, hiện tại, mỗi năm Việt Nam chỉ có thể đào tạo được khoảng 25 kĩ sư. Để đáp ứng bài toán nhân lực trình độ cao, Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã cử 36 cán bộ đi đào tạo tại các trường đại học danh tiếng của Nhật Bản như Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Tohoku, Đại học Hokkaido và Học việc Công nghệ Kyushu. Nhóm chuyên gia này đang thực hiện dự án vệ tinh MicroDragon, dự kiến phóng lên quỹ đạo vào năm 2018.

Đội ngũ kĩ sư Việt Nam tham gia chế tạo vệ tinh MicroDragon tại Nhật Bản.

Thời gian tới, sẽ có thêm khoảng 100 lượt cán bộ của Trung tâm Vệ tinh quốc gia được đào tạo nâng cao tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng chủ động phối hợp với các trường đại học trong nước như Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học và Công nghệ (Đại học Việt – Pháp) và Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh để đào tạo chương trình đại học và sau đại học về công nghệ vũ trụ.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia, công nghiệp vũ trụ là một ngành công nghệ cao, được tích hợp từ nhiều ngành khoa học công nghệ khác nhau nhằm chế tạo và ứng dụng các phân hệ như vệ tinh, tên lửa đẩy, trạm mặt đất...

Do vậy, điểm cốt yếu nhất cho ngành này là yếu tố con người. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao xuất phát ở chỗ chi phí đào tạo quá tốn kém. Tính trung bình, chi phí để đào tạo một chuyên gia trong lĩnh vực này tại Nhật Bản vào khoảng 6 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này nằm trong hạng mục chuyển giao công nghệ của phía Nhật Bản dành cho Việt Nam.

Tuy nhiên, Nhật Bản chỉ hỗ trợ kinh phí đào tạo cho 36 cán bộ, trong khi Trung tâm Vệ tinh quốc gia cần phải có tới 250 chuyên gia để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi đi vào hoạt động.

Thêm một rào cản cho bài toán nhân lực là cơ chế đãi ngộ hiện nay vẫn chưa hấp dẫn. PGS.TS Phạm Anh Tuấn bày tỏ lo ngại: "Đào tạo một thạc sĩ công nghệ vũ trụ ở Nhật Bản vào khoảng 6 tỉ đồng, thế nhưng về Việt Nam làm việc chỉ được trả lương 3-4 triệu.

Với mức thu nhập thấp như thế, rất khó để giữ chân những người giỏi. Chúng tôi đang đệ trình Chính phủ xin cơ chế ưu đãi đặc thù cho các chuyên gia làm việc tại Trung tâm Vũ trụ quốc gia. Hiện nay, trong số 36 cán bộ được cử đi học chương trình thạc sĩ, chỉ có 6 người có biên chế Nhà nước trả lương. Số lượng còn lại phải nhận lương từ nguồn hỗ trợ của Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam".

Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang triển khai xây dựng đồng thời tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Nha Trang. Vào đầu năm 2017, Trung tâm Phát triển nhân lực và Chuyển giao công nghệ vũ trụ tại Hà Nội; Trung tâm phổ biến kiến thức vũ trụ tại Hòa Lạc và Đài Thiên văn Nha Trang tại Khánh Hòa sẽ đi vào hoạt động.

Dự kiến đến năm 2018 - 2019, các cơ sở của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc và Trung tâm Ứng dụng công nghệ vũ trụ tại thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ hoàn thành. Như vậy, đến năm 2019, dự án sẽ có đầy đủ cơ sở hạ tầng cần thiết. Với hạ tầng được đầu tư hiện đại và đồng bộ, sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm khoa học công nghệ hiện đại của đất nước và là trung tâm vũ trụ hàng đầu ASEAN.

Từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ có thêm 3 vệ tinh khác được phóng lên quỹ đạo là MicroDragon (2018) và NanoDragon, LOTUSat-1 (2019). Với việc đầu tư bài bản và tầm nhìn chiến lược, Việt Nam đang từng bước đi vào cuộc đua chiếm lĩnh không gian.

Khánh Vy
.
.
.