Người đàn ông ba lần vào tù, ba lần vợ bỏ

Thứ Ba, 06/08/2019, 14:27
Yêu một người đàn bà nhưng không thể lấy nên Hà Quang Dũng, sinh năm 1968, trú tại phường Cẩm Trung, thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh sống bất cần, buông thả. Ba lần sống chung với 3 người đàn bà, thậm chí có người còn sinh con cho Dũng nhưng chưa người nào được Dũng cho cùng đứng tên trong giấy kết hôn. Phũ phàng là vậy nhưng Dũng đã phải rớm lệ trước sự quan tâm của đứa con rơi vãi.


Hai năm "sống trong sợ hãi"

"Chỉ tới khi đối mặt với bản án tử hình, tôi mới nghĩ tới con và cầu mong nó tới thăm mình. Khi ấy nó mới chịu tới gặp tôi. Cũng phải thôi vì từ lúc sinh ra, nó chưa hề được tôi quan tâm. 13 tuổi nó đã phải bỏ học, tự bươn chải kiếm sống nên nó hận tôi là phải", Hà Quang Dũng nói về lần đầu tiên được gặp đứa con trai duy nhất vào thời điểm anh ta đang ở phòng biệt giam. 

Năm 2011, sau khi được Chủ tịch nước ân xá, tha tội chết, Hà Quang Dũng về Trại giam Hoàng Tiến thi hành bản án chung thân. Giờ thì Dũng đã ở trại cải tạo được gần chục năm, nhưng ký ức về những ngày sống trong buồng biệt giam vẫn in đậm trong tâm trí, đôi khi khiến Dũng "chột dạ và ngồi ngẩn ra một lúc để nghĩ xem mình đang mơ hay đã chết", như lời anh ta nói. Dường như Dũng chưa thực sự tin vào cơ hội được sống lần thứ hai của mình.

Hà Quang Dũng trải lòng trong trại giam.

Dũng sinh ra trong gia đình có điều kiện để phát triển sự nghiệp học hành nhưng lại không theo con đường sáng ấy mà bỏ học từ sớm. Theo bạn bè lang thang khắp chốn, 19 tuổi, Dũng bị TAND thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh xử phạt 12 tháng về tội "Trộm cắp tài sản". Ra tù, Dũng theo nhóm bạn vượt biên sang Hồng Kông buôn pháo và phải trả giá bằng một năm sống trong trại tị nạn sau đó bị đẩy đuổi về nước.

Đẹp trai, ăn nói nhẹ nhàng, Dũng khiến không ít cô gái thương thầm nhớ trộm thế nhưng anh ta chỉ nặng tình với người phụ nữ mà theo lời Dũng là cùng tuổi, cùng quê nhưng không thể đến được với nhau. Thất tình, Dũng sống bất cần và người phụ nữ đầu tiên anh ta chấp nhận sống chung nhà chính là chị Đào Thị Thanh.

Không đăng ký kết hôn, không cưới hỏi, chị Thanh chịu nhiều thiệt thòi khi Dũng như "con ngựa bất kham" lang thang khắp nơi, mặc chị Thanh tự mình xoay xở với đứa con chung của hai người. Bỏ rơi vợ con, Dũng chỉ biết sống hưởng thụ cho bản thân và nghiện ma túy.

Năm 2001, Dũng bị TAND thị xã Cẩm Phả xử phạt 48 tháng tù giam về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy". Ra tù, Dũng tiếp tục nhấn chìm cuộc đời mình khi chấp nhận là kẻ vận chuyển ma túy thuê cho Lê Hữu Vinh, một người bạn xưa kia cùng trại tị nạn ở Hồng Kông.

Dưới sự chỉ đạo của Vinh, Dũng đã có những chuyến mang ma túy từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh và sang Trung Quốc, mang theo gói hàng mà theo lời Dũng thì chỉ có Vinh mới biết trong đó là bao nhiêu bánh ma túy. Việc của Dũng là "hàng" cùng 2 chiếc điện thoại sau đó làm theo sự hướng dẫn của Vinh qua điện thoại anh ta đưa.

Xong việc, Dũng quay về gặp Vinh nhận 100 triệu đồng tiền công mỗi chuyến và trả lại 2 chiếc điện thoại. Ngày 1-4-2009, khi Dũng ôm 12 bánh ma túy, đang tìm đường vượt biên sang Trung Quốc thì bị đội tuần tra kiểm soát, Đồn Biên phòng 11- Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh bắt quả tang. Với 36 bánh heroin của 3 lần vận chuyển, Hà Quang Dũng bị  kết án tử hình về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy".

 Nhận án tử hình, Dũng như phát điên phát dại. Anh ta khóc ròng, thấp thỏm, tự chuẩn bị cho "hậu sự" cho mình. Được cán bộ quản giáo động viên, thuyết phục viết thư gửi Chủ tịch nước, Dũng lại hy vọng và mong ngóng ánh sáng sẽ mở ra cho Dũng ở cuối đường hầm.

Thời gian trôi đi, những khắc khoải, những chờ đợi tưởng như vô vọng ấy vào một ngày cuối năm 2011, Dũng đã òa khóc sung sướng. Do cha có công với cách mạng và bản thân Dũng cũng đã có những lời khai để mở rộng, làm rõ nhiều tình tiết trong đường dây mua bán, vận chuyển cái chết trắng nên được chủ tịch nước ân giảm, tha tội chết.

"Lúc được cán bộ đưa lên phòng, đọc quyết định của Chủ tịch nước, mắt tôi như nhòa đi, tôi không còn tin nổi vào tai mình. Vậy là cuộc đời tôi được sinh ra lần thứ 2…", Dũng tâm sự.

Ba lần thất tình

Kể về những tháng ngày đưa đẩy mình vào con đường phạm tội, Dũng bảo anh ta có một người cha nuôi chuyên hành nghề cúng bái và bói toán. Người cha ấy đã bói cho Dũng một quẻ xấu và khuyên anh ta chớ làm điều gì dại dột liên quan tới pháp luật nhưng Dũng đã không nghe.

"Trước ngày chuẩn bị cho chuyến đi đầu tiên, tôi có tham gia khóa lễ của bố nuôi ở Thanh Hóa và Nghệ An. Trên đường quay về Nam Định lễ đầu năm, ông có bảo tôi chọn một nghề lương thiện mà làm nhưng tôi không tin.

Bạn bè tôi, nhiều người là chủ vựa than, muốn dang tay giúp tôi nhưng tôi không muốn mình phải mang ơn ai. Tôi vẫn quyết đi làm cho Vinh, định bụng làm vài chuyến lấy vốn làm ăn rồi nghỉ. Chuyến đó trót lọt, chuyến thứ hai cũng thành công. Đến chuyến hàng thứ ba thì….", Dũng bỏ dở câu nói.

Nhắc đến gia đình, Dũng bảo vì lòng tham, sự ích kỷ và cái tôi quá lớn nên Dũng đã phũ phàng với tất cả người thân. Đứa con trai không được Dũng nhìn nhận, lớn lên trong nỗi hận cha. Dũng không quan tâm tới nó cho tới khi đối mặt với án tử hình mới van nài được gặp con lần cuối.

"Ngày còn tự do, tôi tự cho mình quyền được hư hỏng vì nghĩ không có mình, bố mẹ vẫn còn hai thằng con trai nữa là các em tôi. Tới khi cả hai chết vì tai nạn giao thông và bệnh tật, tôi thì trong khám tử hình, lúc đó tôi mới nghĩ đến cảm giác của những người đã sinh ra mình", Dũng kể.

Dũng bảo những ngày trong phòng biệt giam trôi qua thật nặng nề bởi ân hận vì đã không làm gì lo cho vợ con. Nỗi cay đắng ngày càng lớn dần, đè nặng tâm trí Dũng khi mà đứa con mà anh ta bỏ rơi từ lúc còn đỏ hỏn đã không hề đến gặp cho dù Dũng nhiều lần cầu xin.

Những ngày đối mặt với bốn bức tường biệt giam, Dũng mới cảm thấy cô đơn và thèm khát được gặp con, được gặp vợ và những người thân. Phải gần một năm sau, được mọi người thuyết phục, động viên và cũng có thể trước câu nói xin được gặp con lần cuối của Dũng, đứa trẻ mới động lòng trắc ẩn và đồng ý vào thăm Dũng.

"Nó vào thăm tôi đúng một lần ấy rồi thôi, từ bấy đến nay không một lần nào vào thăm tôi cả. Tôi không giận nó vì đấy là nhân-quả do tôi gây nên. Mặc dù thế nhưng được nhìn thấy con là tôi mừng lắm rồi, nó là động lực để tôi  sống tiếp", Dũng tâm sự.

Qua người thân thăm gặp, Dũng biết chị Thanh đã bỏ đi từ lâu và đứa con rơi vãi của anh ta phải sống với người dì. Giờ thì đứa trẻ đó đã là một thanh niên trưởng thành, đã tự thu xếp cuộc sống của riêng mình nhưng vẫn chưa vượt qua được sự hờn giận người cha bội bạc để vào thăm Dũng lần thứ hai.

Lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân ở Trại giam Nam Hà.

"Ba lần vào tù thì cả ba lần tôi bị đàn bà bỏ. Điều ấy, trong thâm tâm tôi có thể hiểu nhưng dù sao cũng vẫn buồn. Bởi lúc tôi cần những người thân nhất thì cũng là lúc họ lần lượt bỏ tôi mà đi. Giờ chỉ còn cô em gái là năng vào thăm tôi thôi", Dũng chia sẻ.

Do ảnh hưởng từ những năm tháng phiêu bạt và từng có thời gian nghiện ngập nên Dũng hay bị đau lưng. Công việc ở đội dán bạc không tốn nhiều công sức nhưng phải ngồi nhiều, bệnh đau lưng của Dũng lại không cho phép nên anh ta được cán bộ quản giáo cho làm nhiệm vụ đi gom sản phẩm về đóng gói.  Dũng bảo công việc thì vừa sức, đau ốm đã có cán bộ y tế của trại giam thăm khám và cho thuốc uống nên cũng không lo lắm. Dũng chỉ lo sau này trở về không còn cơ hội gặp lại cha mẹ và bị con ghẻ lạnh.

"Nghĩ lại cuộc đời mình thấy tủi, vì lòng tham, tôi đã bất chấp tất cả. Vì thế mà giờ đây tôi đang phải trả giá đắt, phải chôn vùi những năm tháng của nửa cuộc đời còn lại trong chốn lao tù này…", Dũng trải lòng trước khi nói lời tạm biệt chúng tôi để tiếp tục công việc.

Vĩnh Hà
.
.
.