Tội phạm buôn lậu ở biên giới An Giang co cụm

Thứ Bảy, 21/08/2021, 09:16

Là “vùng nóng” của hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam, An Giang có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia hơn 100km, 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia, địa hình phức tạp với nhiều đường mòn, lối mở, đường sông, kênh rạch… thuận lợi cho các loại tội phạm hoạt động.

Đáng quan ngại là cuộc sống, kinh tế của đa phần người dân vùng biên gắn liền với hoạt động buôn lậu, từ đối tượng vận chuyển, canh coi đường. Các đối tượng buôn lậu ngày càng manh động, sẵn sàng đối phó, chống trả lực lượng lực chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Từ tháng 9/2020, Công an tỉnh An Giang đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch liên ngành với 10 tổ công tác gồm các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Quân sự, Hải quan, Quản lý thị trường và Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát trên khu vực biên giới thuộc địa bàn các huyện An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên và TP Châu Đốc, phân công rõ trách nhiệm từng lực lượng hỗ trợ lẫn nhau chống buôn lậu, gian lận thương mại. Công an tỉnh An Giang, chủ công là lực lượng Cảnh sát kinh tế làm nòng cốt xây dựng các phương án, kế hoạch, phối hợp với các đơn vị liên quan…

Tội phạm buôn lậu ở biên giới An Giang co cụm -0
Công an tỉnh An Giang bắt giữ 3 kho hàng lậu trên địa bàn phường Vĩnh Ngươn (TP Châu Đốc). 

Các tổ công tác đã đề xuất nhiều biện pháp đấu tranh có hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới. Trong 7 tháng đầu năm 2021, Công an tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ 1.026 vụ buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại, liên quan 466 đối tượng, tăng 26,66% số vụ so với cùng kỳ năm 2020. Tổng trị giá hàng hóa trên 20,2 tỷ đồng. Đã khởi tố 25 vụ với 20 bị can, xử lý hành chính 886 vụ, ra quyết định tịch thu 309 vụ không xác định chủ sở hữu…

Thượng tá Hồ Văn Tấn, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang cho biết, trước tình hình dịch COVID-19, Công an tỉnh An Giang cùng các lực lượng chức năng tăng cường chốt chặn, tuần tra kiểm soát khép kín trên khu vực biên giới làm nhiệm vụ phòng, chống dịch nên tình hình buôn lậu phần nào được kiểm soát. Mặt khác, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đề xuất xem xét điều chuyển, thay đổi số cán bộ sa ngã, thoái hóa, biến chất hoặc có quan hệ với đối tượng buôn lậu.

Từ đó, CBCS lực lượng Cảnh sát kinh tế đã có sự chuyển động mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn làm việc không kể ngày nghỉ, giờ nghỉ. Do đó tình hình tội phạm về buôn lậu được kiềm chế, không phát sinh, hình thành các điểm nóng trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

“Thời gian qua, các đối tượng đầu nậu buôn lậu trên địa bàn co cụm hoặc ngưng hoạt động, không dám mua bán, tàng trữ và vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn, chủ yếu diễn ra với mật độ nhỏ lẻ”, Thượng tá Tấn cho biết.

Công an An Giang đã chủ động xác lập các chuyên án “đánh trúng, đánh đúng”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đối với các đường dây, các đối tượng buôn lậu. Chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu do Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, SN 1969, ngụ tại ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cầm đầu, cùng hàng chục đàn em thực hiện là một điển hình.

Các vụ án liên quan đến đối tường Mười Tường cùng đồng bọn là những vụ án phức tạp, nhiều đối tượng, hoạt động thời gian dài, quy mô lớn trên tuyến biên giới. Tại Phiên họp lần thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thống nhất bổ sung các vụ án có liên quan đến Mười Tường vào diện theo dõi và chỉ đạo.

Tương tự là vụ phát hiện, triệt phá 3 điểm tập kết hàng lậu “khủng” trên địa bàn phường Vĩnh Nguơn (TP Châu Đốc). Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, 3 căn nhà chứa trên 1.140 sản phẩm cùng hơn 1,3 tấn hàng hóa xuất xứ nước ngoài, không hóa đơn, chứng từ là của vợ và chị vợ của Thượng tá Hoàng Văn Nam, Phó Trưởng Phòng, chống ma tuý và tội phạm Bộ đội Biên phòng An Giang.

Vụ án buôn lậu đã được khởi tố với 2 bị can liên quan và đang được mở rộng điều tra. Thượng tá Hoàng Văn Nam bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng, đình chỉ công tác, tạm dừng việc học cao cấp chính trị để chờ kết quả điều tra.  Việc Công an An Giang kiên quyết đấu tranh, triệt xóa 2 vụ án buôn lậu trên được các cấp, các ngành và nhân dân tỉnh An Giang đồng tình ủng hộ. Các đối tượng cầm đầu, tổ chức đường dây bị bắt giữ, số còn lại bỏ trốn, không dám hoạt động.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, Đảng ủy – Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu và chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT trên tuyến biên giới. Phải có quyết tâm khắc phục những hạn chế của cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu giữa của các lực lượng không để dẫn đến buông lỏng quản lý.

Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho rằng, người dân vùng biên bị các đối tượng đầu nậu buôn lậu lợi dụng triệt để, thậm chí làm “lá chắn” nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật thay cho những hành vi phạm tội của các đối tượng. “Để làm tốt công tác dân vận vùng biên giới không phải là chuyện dễ dàng, không thể làm trong thời gian ngắn. Phải xuống gần dân, sát dân, làm cho dân tin, nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xử lý nguồn tin báo tố giác tội phạm. Cần xây dựng được thế trận an ninh nhân dân vùng biên giới thật vững chắc để mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống tội phạm buôn lậu”.

Trần Lĩnh
.
.