Tình người qua những trang hồ sơ

Thứ Ba, 23/01/2024, 08:49

Nhiều năm qua, Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an đã trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi gửi gắm niềm tin của biết bao gia đình là thân nhân của những người có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Từ những trang hồ sơ đã “úa màu” thời gian, bằng sự cần mẫn và tỉ mỉ, các cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ đã đồng hành cùng gia đình người có công với cách mạng, phối hợp cùng gia đình tìm kiếm thông tin và các tài liệu quý giá liên quan đến thân nhân của họ.

1. “Ngày 22/10/2022, gia đình tôi nhận được văn bản của Cục Hồ sơ nghiệp vụ cho ông nội tôi là đảng viên Đảng Cộng sản năm 1930-1931, bị địch bắt, tù đày… Điều quan trọng nhất là gia đình, con cháu, chắt được nhận di ảnh của ông nội tôi, đây là mong ước của gia đình cũng như họ hàng nội ngoại trong bao năm…”, đó là lá thư của ông Nguyễn Văn Thái (trú tại tỉnh Nghệ An) gửi đến lãnh đạo và CBCS Cục Hồ sơ nghiệp vụ. Lời lẽ mộc mạc, lá thư chứa đầy tình cảm và sự trân trọng gửi đến những cán bộ trực tiếp làm công tác tra cứu.

2.jpg -0
Gia đình ông Nguyễn Văn Thái (trú tại tỉnh Nghệ An) xúc động nhận ảnh của người thân do cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ giúp đỡ tìm kiếm, tra cứu.

Đó chỉ là một trong rất nhiều lá thư được Thiếu tá Đào Thị Thu Trang, cán bộ Phòng Quản lý, khai thác, lưu trữ hồ sơ, Cục Hồ sơ nghiệp vụ cẩn trọng lưu giữ. Phía sau mỗi lá thư là một câu chuyện nhân văn; là quá trình tìm kiếm thông tin vô cùng khó khăn của các cán bộ thực hiện công tác tra cứu. Sau mỗi lá thư còn là một câu chuyện lịch sử đầy xúc động về lòng yêu nước, về tinh thần quả cảm và tình đồng chí đồng đội son sắt. Đó còn là tình cảm của cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ khi vinh dự được thực hiện công việc cao cả đó.

“Trong số những thân nhân gia đình đến với Cục Hồ sơ nghiệp vụ tìm thông tin, tài liệu về cha ông mình, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với cuộc gặp gỡ gia đình ông Nguyễn Văn Thái, thân nhân đồng chí Nguyễn Hữu Pháp. Trải qua nhiều thời gian, gia đình đã tìm kiếm thông tin về đồng chí Nguyễn Hữu Pháp ở nhiều nơi gắn với cuộc đời cách mạng của đồng chí nhưng không tìm được tư liệu nào liên quan. Cuộc tìm kiếm có lúc tưởng như vô vọng… Để rồi khi nhận được di ảnh và thông tin, tài liệu do chúng tôi cung cấp về quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Hữu Pháp, gia đình vỡ oà trong hạnh phúc, trong cảm giác thiêng liêng và rất đỗi tự hào”, Thiếu tá Đào Thị Thu Trang mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Chị nhớ lại: Trước đó khoảng 10 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Thái đã tìm kiếm thông tin về đồng chí Nguyễn Hữu Pháp với tên là Nguyễn Hữu Tích. Quá trình tìm kiếm ròng rã gần 10 năm không có kết quả… Năm 2023, ông Nguyễn Văn Thái tiếp tục tìm kiếm thêm thông tin về đồng chí Nguyễn Hữu Pháp với bí danh Ký Pháp. Dựa vào thông tin mới mà gia đình cung cấp, Thiếu tá Đào Thị Thu Trang và đồng đội bắt đầu một cuộc tìm kiếm. Quá trình chắp nối nhiều mảng thông tin kết hợp giữa hồ sơ cá nhân và tài liệu chuyên đề, chị đã tìm được thông tin về quá trình hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày trước năm 1945 của đồng chí Nguyễn Hữu Pháp, nguyên quán xã Đức Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh và di ảnh của cụ.

“Rất may mắn là trong hồ sơ có đầy đủ thông tin và di ảnh của cụ. Trường hợp của đồng chí Nguyễn Hữu Pháp cũng khá đặc biệt, thực dân Pháp khi viết các báo cáo về quá trình hoạt động cách mạng của cụ đã dùng những từ ngữ ấn tượng để ca ngợi là người có tinh thần quả cảm, anh hùng, vì nhân dân… Bản thân người dịch như tôi khi đọc những dòng báo cáo của địch, cũng cảm thấy xúc động” -Thiếu tá Đào Thị Thu Trang nhớ lại.

Quá trình tìm kiếm, chị và các cán bộ đơn vị đã cung cấp thông tin về đồng chí Nguyễn Hữu Pháp (hay còn gọi là Nguyễn Pháp, Ký Pháp, Co Pháp) cho thân nhân của đồng chí. Đồng chí Nguyễn Hữu Pháp sinh năm 1878, là người chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh kiên cường, người con ưu tú của quê hương Nam Đàn, Nghệ An. Lòng căm thù thực dân đô hộ và khát khao tự do đã thôi thúc đồng chí đến với phong trào yêu nước của địa phương. Tháng 9/1930, đồng chí Nguyễn Hữu Pháp gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, là Huyện ủy viên phụ trách công tác “giao thông”, “tài chính” của Huyện bộ Nam Đàn. Ngày 27/12/1930, đồng chí bị địch bắt, hỏi cung tại Bốt Xuân La. Dù bị địch tra tấn dã man nhưng đồng chí không chịu khuất phục, không khai báo những người cùng hoạt động cách mạng.

 Ngày 8/9/1931, đồng chí bị địch kết án 9 năm tù khổ sai, 3 năm quản thúc theo bản án số 110 của Tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An và phê chuẩn ngày 23/12/1931 của Tổng đốc Vinh; bị giam tại nhà lao tỉnh Nghệ An, sau đày đi Buôn Ma Thuột. Trong thời gian bị giam giữ tại đây, đồng chí có nhiều mối quan hệ thân thiết với những đảng viên cộng sản và nhân dân Nam Bộ. Sau khi được trả tự do, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng cùng những cựu tù chính trị khác: truyền bá chủ nghĩa Cộng sản, tổ chức quyên góp tiền từ thanh niên và nhà nho yêu nước trong các vùng Nam Kim, Xuân Liễu, Lâm Thịnh, Thanh Chương... Vì vậy, đồng chí Nguyễn Hữu Pháp luôn được nhân dân Nam Đàn ca tụng, cảm phục vì lòng dũng cảm và tinh thần cách mạng kiên trung.

2. Theo dòng cảm xúc, chúng tôi cùng Thiếu tá Đào Thị Thu Trang có mặt tại Phòng Quản lý, khai thác, lưu trữ hồ sơ. Khác hẳn với không khí xô bồ, ồn ã ở bên ngoài chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nơi đây như một thế giới riêng biệt. Trong những dãy tài liệu cao quá đầu người, mùi thuốc khử ẩm mốc khiến người lần đầu bước vào như chúng tôi cảm thấy khó chịu…

Bên tàng thư, các cán bộ Phòng Quản lý, khai thác, lưu trữ hồ sơ lần lượt bê những tập tài liệu dày từ trên giá cao xuống. “Các hồ sơ này sẽ được mang đến trung tâm tu bổ để khử trùng và bảo quản. Đa phần cán bộ của đơn vị đều là phụ nữ nên khi nhận nhiệm vụ là lên giá, bê vác hồ sơ không kém nam giới…”- chị tiếp lời.

Trong công tác Công an, việc bảo quản và tổ chức lưu trữ, khai thác hồ sơ giữ vai trò rất quan trọng. Qua các hồ sơ được lưu trữ có thể đánh giá được công tác nghiệp vụ cơ bản; quá trình điều tra, xử lý tội phạm có đúng quy trình hay không. Không dừng lại ở công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, việc lưu trữ hồ sơ còn phục vụ công tác bảo vệ nội bộ, xoá án tích, công tác lý lịch tư pháp; xác minh và nghiên cứu lịch sử, giải quyết chế độ chính sách cho người có công với cách mạng.

Để biến những thông tin khô khan trong tập hồ sơ trở thành những tài liệu quý giá, ngày lại ngày, các cán bộ của Cục Hồ sơ nghiệp vụ nói chung, Phòng Quản lý, khai thác, lưu trữ hồ sơ nói riêng vẫn lặng lẽ, miệt mài đi vào tàng thư; hỗ trợ thông tin giúp thân nhân liệt sĩ tìm di ảnh, giúp thân nhân chiến sĩ cộng sản làm chế độ tiền khởi nghĩa hay làm minh chứng lịch sử của gia đình. Với họ, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự tri ân đối với những người có công với cách mạng. Quá trình tìm kiếm thông tin, họ phải đối mặt với không ít khó khăn. Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh diễn ra cách đây hơn 90 năm.

Trong quá trình đó, không ít chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh đã ngã xuống, có người đã được lưu danh nhưng cũng có những đồng chí đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng mà vẫn chưa được biết đến… Việc tìm kiếm hồ sơ thông tin về người thân bị thất lạc là mong muốn của không ít gia đình. Hiểu được mong muốn đó, cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ nói chung, Phòng Quản lý, khai thác, lưu trữ hồ sơ nói riêng đã tranh thủ làm việc thêm giờ và thêm ngày. Việc tra cứu hồ sơ đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và kinh nghiệm của các cán bộ được giao nhiệm vụ.

Có những thông tin để tra cứu được, cán bộ Phòng Quản lý, khai thác, lưu trữ hồ sơ phải nghiên cứu cùng lúc trong hồ sơ cá nhân và hồ sơ chuyên đề; so sánh trong nhiều tài liệu rồi nghiên cứu, tỉ mỉ đọc lại các dữ liệu lịch sử… Những giọt nước mắt cảm động của người thân khi nhận được những trang dữ liệu, những bức di ảnh của thân nhân là động lực giúp cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ nói chung và Phòng Quản lý, khai thác, lưu trữ hồ sơ nói riêng tiếp tục nỗ lực tìm kiếm. Công việc ấy thầm lặng nhưng vô cùng nhân văn và có ý nghĩa.

Xuân Mai
.
.