Lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung quy định về thi đua, khen thưởng trong CAND

Thứ Ba, 31/10/2023, 10:09

Bộ Công an đã dự thảo Thông tư quy định công tác thi đua, khen thưởng của lực lượng CAND để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Theo đó, dự thảo thông tư này quy định về tổ chức thi đua, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; nguyên tắc, hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng; Hội đồng thi đua, khen thưởng; thẩm quyền quyết định, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng; quỹ thi đua khen thưởng, tiền thưởng và tổ chức trao thưởng của lực lượng CAND.

Dự thảo thông tư quy định chỉ xét tặng các danh hiệu thi đua cho các tập thể, cá nhân có tham gia thi đua, có thành tích trong phong trào thi đua và đảm bảo các tiêu chuẩn do dự thảo thông tư này quy định. Việc xét tặng danh hiệu thi đua được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, tỷ lệ quy định.

Không xét tặng danh hiệu thi đua đối với đơn vị mới thành lập tính đến thời điểm tổng kết phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” chưa đủ 9 tháng hoạt động; cá nhân công tác liên tục chưa đủ 9 tháng trong năm, trừ trường hợp đặc thù gồm: Cá nhân nghỉ chế độ thai sản theo quy định; cá nhân bị thương khi làm nhiệm vụ phải nghỉ việc để điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ quan y tế cấp huyện trở lên; cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 1 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại đơn vị để xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” hoặc “Lao động tiên tiến”; cá nhân được cử đi đào tạo từ 1 năm trở lên, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, có kết quả học tập từ loại khá trở lên thì được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” hoặc “Lao động tiên tiến”.

 Đối với cá nhân chuyển công tác, đơn vị mới có trách nhiệm bình xét, tặng danh hiệu thi đua. Trường hợp có thời gian công tác tại đơn vị cũ từ 6 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét của đơn vị cũ. Kết quả xét tặng danh hiệu thi đua phải căn cứ vào kết quả nhận xét của nơi có thời gian công tác nhiều hơn.

Bên cạnh đó, khen thưởng phải phù hợp với tính chất từng loại thành tích, tương xứng với kết quả đạt được hoặc mức độ công lao, đóng góp, cống hiến của từng tập thể, cá nhân. Thành tích đạt được nhiều, công lao đóng góp lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng hoặc lập được thành tích trong điều kiện khó khăn, phức tạp thì được khen thưởng ở mức hạng cao hơn.

Khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ hoặc tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng.

Chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng cho cá nhân, tập thể trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo có quyết định của cơ quan có thẩm quyền phải xác minh, làm rõ hoặc có có vấn đề tham nhũng, tiêu cực được báo chí nêu đang được xác minh, làm rõ. Mỗi vi phạm chỉ tính để xét thi đua, khen thưởng 1 lần.

Ngoài ra, dự thảo thông tư cũng quy định rõ về việc rà soát tình trạng đơn thư, kỷ luật hoặc công tác thanh tra, kiểm tra khi xét thi đua, khen thưởng; sáng kiến để xét tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng trong CAND; việc công khai các tập thể, cá nhân được xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; quy định chung về khen thưởng, hình thức khen thưởng và tiêu chuẩn khen thưởng; quỹ thi đua, khen thưởng; tiền thưởng; tổ chức trao thưởng; xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng...

Toàn văn dự thảo thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng (30/10/2023).

Nguyễn Hương
.
.