Kí ức khó quên về tình mẫu tử

Thứ Hai, 01/11/2021, 11:05

Giữa những ngày TP Hồ Chí Minh dồn dập đau thương vì dịch bệnh COVID-19, bộ phim tài liệu “Ranh giới” của VTV (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư) đã làm thổn thức cả triệu trái tim. Xuyên suốt bộ phim là những hình ảnh chân thực nhất về cuộc chiến đấu giành giật cuộc sống của các bệnh nhân COVID-19 ở ranh giới sự sống và cái chết, trong đó có bệnh nhân đang mang thai.

Những câu chuyện ám ảnh, những hình ảnh xúc động về tình mẫu tử, về sự tận tuỵ của các chiến sĩ áo trắng với sinh linh bé nhỏ trong bụng mẹ… kéo tôi về quá khứ. Cách đây 5 năm, một người mẹ cũng phải vượt qua ranh giới sinh tử để viết nên một câu chuyện đẹp như cổ tích về tình mẫu tử, về cái chết và sự hồi sinh. Nhân vật đặc biệt trong chùm bài báo của chúng tôi đã có sức lan tỏa lớn trong lòng bạn đọc.

Câu chuyện trong phòng bệnh

Ngày 15/7/2016, nhận tin Thiếu uý Đậu Thị Huyền Trâm, Công an tỉnh Hà Tĩnh đang vật lộn với tử thần trong Bệnh viện K Trung ương, tôi liên lạc với chồng của Trâm rồi vác máy ảnh lao vào viện. Bước vào phòng bệnh, tôi sững người trước một thai phụ đang ngồi thở mệt nhọc, chồng và mẹ ruột đang chăm chút, nâng niu từng hơi thở của em. Sự căng thẳng, lo lắng biểu lộ trên từng nét mặt. Cạnh đó là những chiếc giường trắng toát có bánh xe, bệnh nhân nối đầy dây dợ, máy thở. Tôi bất giác lùi lại. Chồng em nói nhỏ “chị chờ em lát”.

Đứng bên ngoài phòng bệnh, tôi thực sự căng thẳng. Trâm đang trong cơn thập tử nhất sinh. Hình ảnh em ngồi dựa lưng vào ngực chồng khi sức cùng lực kiệt với một sinh linh bé bỏng trong bụng khiến tôi chỉ muốn quay về. Em thở cũng khó nhọc, còn chồng em, mẹ của em, tôi biết hỏi gì đây khi trong lòng họ đang đầy đau đớn. Nỡ lòng nào tôi gợi ra điều họ không muốn nói trước mặt em...

số 1/11-Kí ức khó quên về tình mẫu tử -0
Một bài báo về Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm đã làm lay động trái tim bạn đọc, chỉ thời gian ngắn, lượng truy cập và chia sẻ tăng cao.

Trâm vừa mới có một đám cưới đẹp như mơ với người chiến sĩ Công an cùng đơn vị tên Hà. Em cũng vừa có niềm vui vô bờ bến khi tình yêu đơm trái là một mầm sống đang lớn dần lên. Tháng thứ 2 của thai kì, bác sĩ phát hiện căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối đang hủy hoại cơ thể Trâm. Để cứu em, chỉ còn cách bỏ thai. Thế nhưng, Trâm đã có quyết định khác. Em quyết tâm giữ lại đứa con đang thành hình trong bụng bằng mọi giá, từ chối mọi phương thuốc điều trị. Cái thai lớn dần lên, chèn ép khiến sức khỏe của Trâm bị đe dọa nghiêm trọng. Em cần được chăm sóc một chế độ đặc biệt tại bệnh viện. Sự sống bị đe dọa từng giây từng phút.

Vậy là tôi đứng chôn chân bên ngoài phòng bệnh. Là một người mẹ, tôi chỉ muốn để cho em và gia đình được bình yên, không bị xáo trộn bởi dư luận sau những bài báo. Nhưng là một phóng viên, tôi cần phải bước vào bên trong để ghi lại câu chuyện đặc biệt này và đưa lên mặt báo. Phải rất lâu tôi mới nhắn tin cho chồng em: “Em có thể ra ngoài nói chuyện với chị được không?”. Hà nhắn lại: “Chị cứ vào đây!”.

Tôi mạnh dạn bước qua cánh cửa kính. Ban đầu là những câu hỏi mang tính chất thăm dò. Nếu họ không muốn chia sẻ, tôi sẵn sàng ra về mà không nuối tiếc một bài báo có “chất liệu” hay. Nhưng may mắn, họ mở lòng với tôi. Mẹ em vừa bóp chân cho con gái vừa kể chuyện trong ngập tràn nước mắt. Đôi bàn chân bà từng hôn hít lúc nó bé xíu xiu, nâng niu những bước con chập chững, 25 năm sau, bà lại nhẹ nhàng cầm nó mà xoa bóp cho con đỡ đau, đỡ mỏi. Còn Hà, có vẻ em đã bình tĩnh đón nhận những điều tồi tệ nhất sau quãng thời gian sốc nặng. Hà kể với tôi về nghị lực của Trâm trong cuộc chiến giành giật sự sống cho con. Em cố gắng cầm cự để bé Gấu trong bụng đủ sức chào đời. Mong muốn con ra đời khỏe mạnh, vững vàng nên vợ chồng em cũng muốn dành cho con một tên gọi thật đặc biệt.

Đến tuần thứ 29 của thai kì, nhận thấy sức chịu đựng của Trâm đã đến giới hạn, biểu hiện suy hô hấp tăng dần, nếu tiếp tục duy trì như vậy thì ảnh hưởng đến sức khỏe của cả hai mẹ con, các bác sĩ Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản Trung ương phối hợp mổ lấy thai. Ca mổ vô cùng đặc biệt vì người mẹ không được gây mê, không thuốc an thần mà chỉ gây tê tủy sống. Bác sĩ lo ngại, nếu gây mê sẽ mất cả mẹ cả con. Vậy là Trâm vào ca phẫu thuật gần như tỉnh táo trong sự cảm động của các bác sĩ về nghị lực phi thường của người mẹ. Ngày 10/7/2016, Gấu ra đời nằm gọn trên bàn tay bác sĩ chỉ với 1,2 kg. Con nằm lồng kính ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, còn mẹ lại nỗ lực chống chọi với tử thần ở Bệnh viện K. Nhưng, việc kéo dài sự sống cho Trâm thực sự khó khăn.

Dư luận cả nước dõi theo hành trình vô cùng gian khó của 2 mẹ con Trâm. Hình ảnh người mẹ mỉm cười mãn nguyện bên đứa con tí xíu trong lồng kính làm yên lòng dư luận. Nhưng rồi, Trâm đã bước sang thế giới bên kia vào một ngày tháng 7 trời vần vũ. Em cứ nhẹ nhàng như ngôi sao vụt tắt để nhường lại ánh sáng cho đứa con bé bỏng của mình. 

Hạnh phúc hiện hình trong gian khổ

Tôi nhận tin Trâm ra đi từ đồng nghiệp ở Công an tỉnh Hà Tĩnh. Những dòng thông tin trên báo được chia sẻ chóng mặt với hàng trăm ngàn lời tiếc thương và khâm phục nghị lực, sự hi sinh của người mẹ - nữ chiến sĩ Công an. Ngay sau đó, bài viết của đồng chí Trưởng ban Báo Điện tử CAND khi ấy về những hình ảnh rạng ngời của nữ chiến sĩ Công an trước khi lâm bệnh đã được chia sẻ chóng mặt. Sau mấy tiếng xuất bản, Báo Điện tử CAND bị nghẽn mạng, nhiều người không thể truy cập. Câu chuyện nhân văn của người mẹ nhường sự sống cho con đã có sức hút đặc biệt, làm mềm lòng bất cứ ai cứng rắn nhất. Hôm đó là ngày Trâm kết thúc thiên chức của mình, nhưng đó cũng là ngày bắt đầu chuỗi hành trình đáng nể phục của một người cha.

số 1/11-Kí ức khó quên về tình mẫu tử -0
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc bé Gấu (năm 2016).

Bé Gấu sống bằng nghị lực của mẹ, hơn cả mong đợi của bác sĩ. Sau thời gian được chăm sóc đặc biệt, bé rời bệnh viện nhưng chưa thể về quê vì bé phải vào viện kiểm tra sức khỏe hằng tuần. Vậy là một mẹ (bà ngoại Gấu), một con chăm chút từng giọt sữa, hơi thở, từng giấc ngủ của bé. Anh Hà gia nhập hội bà mẹ bỉm sữa, tìm hiểu về ngân hàng sữa, ngày ngày lang thang đi xin sữa cho con khắp Hà Nội. Bé Gấu đã lớn lên khỏe mạnh, không phụ công sự hi sinh của mẹ, sự chăm sóc của bố, của bà.

Thi thoảng tôi với bố Gấu vẫn liên lạc với nhau. Tôi hỏi thăm sức khỏe của Gấu, cuộc sống mới của hai bố con.  Mới đây Hà khoe tôi: “Bé Gấu 5 tuổi rồi chị à, được 19kg, hiếu động lắm!”.

Trong một bài báo viết về Trâm khi đó, tôi đã liên tưởng đến những câu chữ là triết lý của cuộc sống mà nhà văn Nguyễn Khải viết trong tác phẩm “Mùa lạc”: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ. Ở đời này không có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới đó”. Trâm đã có sức mạnh vượt qua ranh giới sinh tử, chấp nhận ra đi để dành lại điều tốt đẹp hơn trong cuộc đời.

Được viết về hành trình của Trâm, về hành trình của bé Gấu khỏe mạnh đến với cuộc đời này, tôi thấy mình may mắn. Đó là một kí ức khó quên về tình mẫu tử, về sức lan tỏa của những bài báo, về sự nhân văn của tình người. Nỗi đau nào rồi cũng sẽ được thời gian xoa dịu. Trâm lưu lại nhân gian không lâu nhưng em đã có một cuộc đời đầy ý nghĩa. Người ở lại sẽ thay em viết tiếp những trang sách mới. Nỗ lực từng phút giây của em giúp chúng tôi thêm hiểu giá trị của cuộc sống này để biết trân trọng nó. Chúng tôi đã lan tỏa thành công ý nghĩa đó qua bằng những câu chữ, bằng bài báo kịp thời đến với độc giả.

Chùm bài báo xúc động về người mẹ nhường sự sống cho con đăng trên Báo CAND đã thu hút lượng độc giả “khủng”. Một bài viết đăng trên báo điện tử chỉ sau mấy tiếng đồng hồ đã có hơn 2,1 triệu người vào đọc; hơn 21.000 bình luận và hơn 2.500 lượt chia sẻ, báo bị nghẽn mạng vì lượng truy cập quá lớn. Sự quan tâm của độc giả không phải là câu chuyện giật gân, li kì như người ta thường nghĩ mà đó là câu chuyện về tình mẫu tử, tình người đầy nhân văn. Trong sự bi thương, trong đau đớn tận cùng trước cái chết của nhân vật trong bài viết của chúng tôi, có một mầm sống đang vươn lên mạnh mẽ, như một ánh sáng cuối đường hầm. Sự sống hồi sinh từ cái chết –điều đó thật kì diệu.

Việt Hà
.
.