Học viên Công an "ba cùng" với Công an xã giúp dân

Chủ Nhật, 04/06/2023, 09:09

Để hỗ trợ Công an huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội "phủ sóng" việc kích hoạt định danh điện tử cho toàn bộ công dân đang cư trú trên địa bàn, Trường Cao đẳng An ninh nhân dân (ANND) I đã đưa hàng trăm học viên tham gia hoạt động thực hành chính trị-xã hội tại địa phương. Trong 3 tuần "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với cán bộ Công an xã, các học viên của Trường Cao đẳng ANND I đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, trực tiếp "đến từng nhà, rà từng ngõ", không quản thời tiết nắng mưa, ngày đêm phục vụ kích hoạt định danh điện tử và cài đặt ứng dụng VNeID cho từng người dân.

"Đi từng ngõ, gõ từng nhà"

Là một trong những học viên được phân công về thực tế chính trị, xã hội tại xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, học viên Trần Mạnh Quang, lớp C8, K54S chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em đến một vùng đất mới và được "ba cùng" với cán bộ Công an xã tại địa phương. Mặc dù điều kiện trụ sở làm việc, cơ sở vật chất của Công an cơ sở còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, phòng làm việc chỉ khoảng 9m2 nhưng có tới 9 người ở rất chật chội nhưng thời gian làm việc và sinh hoạt tại đây đã mang đến cho em nhiều trải nghiệm thú vị, giúp chúng em tích luỹ được nhiều kỹ năng, kinh nghiệm để sẵn sàng cho công tác sau này.

z4397652772696_8fff0c6646e1180ebdc489e7d2c4a4c4.jpg -0
Các học viên Trường Cao đẳng ANND I đến từng nhà hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử và ứng dụng VNeID cho người dân.

Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các đồng chí Công an xã, các bạn đoàn viên thanh niên, đều đặn hàng ngày, Quang và các thành viên trong tổ "đi từng ngõ, gõ từng nhà" dân để hỏi thông tin, giải thích về sự cần thiết, vận động người dân đăng ký định danh điện tử; người đã có tài khoản thì hướng dẫn kích hoạt, cách sử dụng ứng dụng VNeID. "Về cơ bản, người dân tiếp nhận đều làm theo, chỉ có một số trường hợp chưa thật sự hưởng ứng thì mình phải tiếp tục vận động, thuyết phục.

Do ở địa phương, buổi ngày người dân đi làm, thường 5-6 giờ tối mới về nên công tác tiếp cận, thuyết phục, hỗ trợ người dân chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Tranh thủ ăn vội bát cơm đơn giản ngay tại trụ sở Công an xã là chúng em lại chia nhau toả về các xóm, đến từng ngõ, gõ từng nhà để hỗ trợ người dân. Tối nào cũng phải quá 12 giờ đêm chúng em mới đi ngủ. Dù khá mệt nhưng em cảm thấy rất vui vì mình học thêm được rất nhiều kỹ năng về công tác dân vận, có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc giao tiếp với người dân, từ đó có cách thức ứng xử phù hợp với nhiều đối tượng, tình huống", Quang chia sẻ.

Học viên Phan Giang Sơn, K54S cũng cho biết: Chuyến đi thực tế chính trị, xã hội, "ba cùng" với lực lượng Công an cơ sở cũng mang đến cho em nhiều trải nghiệm quý giá. "Chúng em được giao nhiệm vụ hỗ trợ, đưa, đón các cụ ra xã làm căn cước công dân. Nhiều cụ tuổi cao, đi lại khó khăn nên em và nhiều bạn phải dìu, thậm chí là phải cõng… Bên cạnh đó, chúng em còn tham gia các hoạt động ý nghĩa tại thôn, xã", Sơn chia sẻ.

Với Quang, Sơn và các học viên của Trường Cao đẳng ANND I, việc được xuống địa bàn cơ sở, "ba cùng" không chỉ góp phần củng cố nhận thức của học viên, giúp các em có điều kiện đối chiếu giữa kiến thức đã học với tình hình thực tế ở địa phương, bước đầu làm quen với công tác dân vận mà còn mang ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc; góp phần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và chính quyền địa phương; xây dựng và lan toả hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân.

Lan toả hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CAND

Đại tá, TS Trần Nam Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng ANND I, Trưởng Ban chỉ đạo công tác thực tế của học viên K54S cho biết: Để hỗ trợ Công an huyện Sóc Sơn phục vụ kích hoạt định danh điện tử và cài đặt ứng dụng VNeID cho toàn bộ công dân cư trú trên địa bàn gồm 25 xã và 1 thị trần, nhà trường đã đưa hàng trăm học viên tham gia hoạt động thực hành chính trị-xã hội, chia thành 2 đợt.

Nhà trường cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo hoạt động thực tế cho học viên khóa K54S, lên danh sách phân công học viên về địa bàn từng xã và phân công nhiệm vụ giáo viên Khoa Lý luận chính trị, Khoa học xã hội Nhân văn & Tâm lý, cán bộ Phòng Quản lý học viên phối hợp cùng Công an huyện Sóc Sơn, Công an xã hướng dẫn, quản lý học viên trong thời gian thực tế tại địa bàn đảm bảo quy định. Trong đợt 1, từ ngày 16/5 đến 5/6, nhà trường đã bố trí học viên ăn, ở tại trụ sở làm việc của Công an 25 xã, 1 thị trấn. Bình quân gần 4 học viên/ xã, trong đó, xã nhiều nhất có 6 học viên và xã ít nhất có 3 học viên.

Trước khi đến địa bàn công tác, tất cả học viên đều được nghe báo cáo thực tế về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh trật tự; kết quả triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn huyện Sóc Sơn; được tập huấn về phương pháp, trình tự cài đặt, kích hoạt định danh điện tử và cài đặt ứng dụng VNeID cho công dân.

Kết quả bước đầu cho thấy, học viên của Trường Cao đẳng ANND I đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, trực tiếp "đến từng nhà, rà từng ngõ", không quản thời tiết nắng mưa, ngày đêm phục vụ kích hoạt VNeID cho từng người dân. Tính đến hết tháng 5/2023, học viên của Trường Cao đẳng ANND I đã góp phần cùng Công an huyện Sóc Sơn kích hoạt và cài đặt VNeID thành công cho hơn 116.167 điện thoại di động của Công dân trên tổng số 278.950 điện thoại cần cài đặt ứng dụng VNeID, chiếm hơn 41,6%...

Thượng tá Nguyễn Hữu Đức, Phó trưởng Công an huyện Sóc Sơn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo công tác thực tế của học viên K54S cảm ơn Trường Cao đẳng ANND I đã phối hợp rất nhiệt tình, hiệu quả và kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Công an huyện. Các học viên xuống cơ sở để "ba cùng" đã tạo được dấu ấn, hình ảnh tốt đẹp về người chiến sĩ CAND nói chung và học viên Trường Cao đẳng ANND I nói riêng trong lòng nhân dân.

Huyền Thanh- Tiến Phương
.
.