Hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người

Thứ Sáu, 23/09/2022, 17:16

Khung pháp lý cơ bản về phòng chống mua bán người đã được xây dựng và ban hành, tuy nhiên, thực tiễn áp dụng luật sau nhiều năm cho thấy yêu cầu cần rà soát, bổ sung để phù hợp hơn với tình hình mới.

Chiều 23/9, tại Công an tỉnh Quảng Ninh, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp phối hợp cùng Tiểu ban lý luận về pháp luật bảo vệ ANTT và cải cách tư pháp - Bộ Công an và Công an tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Lý luận về pháp luật phòng, chống tội phạm và những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trong tình hình mới”.

Hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người -0
Các đại biểu dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng PGS. TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người gồm 8 chương, 58 điều được Quốc hội khóa XII thông qua tháng 3/2011 có hiệu lực từ năm 2012, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm, triệt phá các băng nhóm tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế với nhiều hoạt động song phương, đa phương và trên các diễn đàn quốc tế về phòng, chống mua bán người.

Tuy nhiên, một số nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã bộc lộ bất cập, không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay; nhiều quy định chồng chéo, khó thực hiện, ảnh hưởng đến thực tiễn công tác và đặt ra vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người.

Hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người -0
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên phát biểu khai mạc hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu là đại diện các cơ quan chức năng trong và ngoài CAND cùng các chuyên gia đã trình bày nhiều tham luận ý nghĩa, tập trung đánh giá những kết quả đạt được trong thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người; chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong đấu tranh phòng, chống; trong công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, hợp tác quốc tế; cũng như trong tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, từ đó đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống mua bán người trong tình hình mới.

Đánh giá hành vi mua bán người là loại "tội phạm ẩn", Đại tá Nguyễn Quang Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, việc phát hiện các hành vi này rất khó khăn. Khi cơ quan chức năng nhận tin báo tố giác, việc xác minh điều tra cũng không dễ dàng, nhất là với các vụ mua bán người ra nước ngoài do đã xảy ra từ lâu, đối tượng và nạn nhân thường ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các chứng cứ có thể thu thập thường ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của người bị hại và người nhà các nạn nhân bị mua bán.

Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người thời gian qua cho thấy nhiều bất cập, các chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán không còn phù hợp, một số quy định khác chồng chéo nhau, gây khó cho công tác xác minh, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đòi hỏi cần sớm sửa đổi, bổ sung.

Hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người -0
Đại tá Nguyễn Quang Phương phát biểu tại hội thảo.

Thông tin về quan hệ hợp tác quốc tế trong phòng chống mua bán người, Đại tá PGS. TS Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng trường Cao đẳng CSND I nêu rõ, Việt Nam luôn chú trọng, tham gia tích cực các cơ chế hợp tác song phương, đa phương, khu vực và quốc tế, có thể kể tới như Nghị định thư Palermo về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; hay Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, giữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phòng chống mua bán người của Việt Nam và quốc tế còn có điểm chưa tương thích, kéo theo rào cản trong phối hợp đấu tranh, trao đổi thông tin, truy bắt đối tượng. Đại tá Lê Hoài Nam cho rằng, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu rà soát để sửa đổi bổ sung các quy định phòng, chống mua bán người sao cho phù hợp hơn với các quy định quốc tế.

Hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người -0
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Thượng tá Đinh Văn Trình, đại diện Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đánh giá, thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Thượng tá Đinh Văn Trình kiến nghị tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng ngừa xã hội, đồng thời thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ để tăng cường hơn nữa hiệu quả phòng, chống mua bán người.

Báo chí đóng góp tích cực phòng, chống mua bán người

Tham gia tham luận tại hội thảo, Đại tá Trần Duy Hiển, Phó Tổng Biên tập Báo CAND cho biết, báo chí nói chung, Báo CAND nói riêng thời gian qua đã chủ động đóng góp vào công tác phòng, chống mua bán người thông qua tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại, hậu quả của mua bán người cũng như nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này.

Hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người -0
Đại tá Trần Duy Hiển phát biểu tại hội thảo.

Theo Đại tá Trần Duy Hiển, các ấn phẩm và trang Fanpage Báo CAND (có hơn 700.000 độc giả theo dõi) thường xuyên đăng tải tin, bài thời sự về các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an xung quanh công tác phòng, chống mua bán người; tình hình, kết quả đấu tranh các vụ việc mua bán người, tổ chức xuất nhập cảnh trái phép; và cập nhật các hình thức, thủ đoạn của tội phạm, trong đó tập trung vào các nhóm nguy cơ cao, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lấy ví dụ về vụ 60 người Việt tháo chạy khỏi casino tại tỉnh Svay Rieng của Campuchia giữa tháng 9/2022 và vụ việc hàng chục người bơi từ Campuchia qua sông Bình Ghi về nước hồi tháng 8/2022, Đại tá Trần Duy Hiển cho biết, các tuyến tin, bài mà Báo CAND khai thác xung quanh các sự kiện đó đã tác động trực tiếp tới bạn đọc, giúp bạn đọc cảnh giác trước những những thủ đoạn của tội phạm mua bán người, đồng thời hiểu rõ hậu quả nếu trở thành nạn nhân bị mua bán.

Để hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý với công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trong tình hình mới, Đại tá Trần Duy Hiển đề nghị cơ quan tham gia soạn thảo và các cơ quan chức năng liên quan cần nhận thức rõ vị trí, vai trò của báo chí, từ đó đưa ra những giải pháp tăng cường hiệu quả tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại, hậu quả mua bán người. Các phương thức truyền thông cần linh hoạt, kiên trì, đa dạng loại hình.

Cơ quan báo chí căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tôn chỉ, mục đích, cần tổ chức các hình thức tọa đàm, hội thảo về thực trạng và giải pháp đấu tranh với tội phạm mua bán người. Thông qua đó, có hình thức phù hợp để lan tỏa những nội dung trên tới bạn đọc, có sự tương tác với bạn đọc và cộng đồng mạng cùng trao đổi, bàn luận, hiến kế, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin lãnh đạo, chỉ đạo; tình hình và kết quả đấu tranh với tội phạm mua bán người; cập nhật những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người. Cần có cơ chế phối hợp hiệu quả, liên thông từ khâu tiếp nhận thông tin qua số hotline, trao đổi và xử lí thông tin về các vụ việc mua bán người, giải cứu người bị mua bán…

Thái Hà
.
.