Hiệu quả mô hình sư sãi và phật tử Sóc Trăng tham gia phòng chống tội phạm

Chủ Nhật, 11/06/2023, 10:40

Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng rất chú trọng việc phát huy vai trò người uy tín trong giữ gìn an ninh trật tự (ANTT). Đặc biệt, “Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT” được xem là một trong những mô hình đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội.

Phát huy vai trò người có uy tín

Đại tá Huỳnh Hoài Hận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, xác định rõ vai trò, vị trí tầm quan trọng của người có uy tín trong nhiệm vụ đảm bảo ANTT, Công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cho các vị chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và các tôn giáo về công tác nhân quyền. Mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT” có sự tham gia của người có uy tín, các chức sắc, chức việc tôn giáo và đồng bào phật tử trong công tác phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội.

Hiệu quả mô hình sư sãi và phật tử Sóc Trăng tham gia phòng chống tội phạm -0
Quang cảnh buổi họp của các thành viên mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm” tại chùa Pô Thi ThLâng, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách. (Ảnh do Công an xã cung cấp).

Mô hình này lần đầu tiên được xây dựng và triển khai tại chùa Pôthiphđôk, ấp Kinh Giữa 2, xã Kế Thành, huyện Kế Sách vào năm 2019. Thông qua mô hình nhằm làm tốt công tác tranh thủ chức sắc trong Phật giáo; tạo mối quan hệ gần gũi giữa chính quyền với tôn giáo; lồng ghép những buổi sinh hoạt tôn giáo, tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, về tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trước âm mưu, thủ đoạn lôi kéo người tham gia vào các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; thực hiện tốt khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách dân tộc, tôn giáo, từ đó sư sãi, phật tử nâng cao tinh thần cảnh giác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Thời gian gần đây, mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT” đã được nhân rộng ở nhiều huyện, thị xã của Sóc Trăng (29 điểm) và đang cho thấy những hiệu quả nhất định. Như ở xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, chùa Thiên Thới đã phối hợp với chính quyền xã thành lập mô hình này trong phạm vi chùa. Cũng trong xã này, chùa Pô Thi Thlâng (ở ấp An Nhơn) – nơi vốn tập trung đông phật tử người Khmer đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương và công an trong việc tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho hơn 100 phật tử nhà chùa…

Hiệu quả mô hình sư sãi và phật tử Sóc Trăng tham gia phòng chống tội phạm -0
Thiếu tá Thạch Quốc Thi, Trưởng Công an xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề trao đổi với chức việt trong chùa Sê Rây Ta Mơn về việc phối hợp giữa sư sãi, phật tử và lực lượng công an trong đảm bảo ANTT.

Nâng cao ý thức người dân

Trung tá Nguyễn Thanh Thuỳ, Trưởng Công an xã Thới An Hội cho hay: “Các buổi tuyên truyền đã nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác tội phạm cho bà con phật tử trong phum sóc, qua đó ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội. Nhờ vào các buổi tuyên truyền, phật tử chùa Pô Thi Thlâng  cũng được thông tin về tình hình an ninh trật tự ở địa phương, phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm và cách phòng ngừa hiệu quả, đặc biệt là tội phạm lừa đảo, tín dụng đen vốn đang trở thành vấn đề gây nhức nhối dư luận. Thêm vào đó, các thành viên trong tổ bảo đảm an ninh trật tự của chùa đã sử dụng mạng xã hội Zalo để tạo nhóm liên lạc, dễ dàng truyền tin cho nhau khi phát hiện được vụ việc vi phạm pháp luật và thông báo cho chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc, xử lý kịp thời”.

Sau vài năm hoạt động, mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT” đạt được mục tiêu chung là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật, tích cực tham gia phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn ANTT. Đặc biệt là từ mô hình này, việc cung cấp cho lực lượng Công an những thông tin có liên quan đến tình hình an ninh trật tự tại khuôn viên chùa cũng như trên địa bàn các xã, huyện, thị xã ở tỉnh Sóc Trăng ngày càng nhanh chóng, kịp thời hơn.

Hiệu quả mô hình sư sãi và phật tử Sóc Trăng tham gia phòng chống tội phạm -0
Trung tá Nguyễn Thanh Thuỳ, Trưởng Công an xã Thới An Hội, huyện Kế Sách cho biết, các buổi tuyên truyền đã nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của bà con phật tử.

Thượng tọa Trần Văn Tha – Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chánh Thư ký Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Sê Rây Ta Mơn chia sẻ thêm rằng, đến nay, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước của tỉnh thực hiện tốt chức năng hướng dẫn đồng đào dân tộc Khmer sinh hoạt tôn giáo đúng quy định, phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền; vận động chức sắc, đồng bào phật tử tham gia các phong trào xã hội ở địa phương, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và cùng chung tay tham gia phòng chống tội phạm, bảo đảm ANTT. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới tôn giáo, đời sống bà con cũng đang từng bước được nâng cao nên càng tạo thêm sự tin tưởng, đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh.

Giảm tệ nạn xã hội

Về phía Công an tỉnh, để xây dựng và triển khai có hiệu quả mô hình này, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị địa phương phối hợp với với các ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tổ chức tiếp xúc gặp gỡ, tranh thủ các vị chức sắc, chức việc trong các tôn giáo, người có uy tín trong dân tộc thiểu số, … để vận động, tranh thủ họ đồng tình, ủng hộ và tham gia mô hình. Bên cạnh đó, Công an tỉnh còn quan tâm, tổ chức thăm hỏi, động viên các vị chức sắc, chức việc, những người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo nhân dịp các ngày lễ hội, tết cổ truyền của đồng bào dân tộc, tôn giáo nhằm tăng cường, củng cố, thắt chặt mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và của lực lượng Công an với đồng bào các tôn giáo, dân tộc.

Hiệu quả mô hình sư sãi và phật tử Sóc Trăng tham gia phòng chống tội phạm -0
Một buổi sinh hoạt tôn giáo ở chùa Prey Chóp ở thị xã Vĩnh Châu. Tại đây, Hoà thượng trụ trì chùa cũng sẽ lồng ghép giảng đạo và tuyên truyền về bảo đảm ANTT đến bà con người Khmer.

Đồng tình và ủng hộ mô hình này, bà Châu Thị Tiền (ấp An Nhơn, xã Thới An Hội) tâm sự: “Được các sư giảng giải, hiểu được ý nghĩa, mục đích mô hình, nhất là cách nhận biết và phòng, chống tội phạm nên bà con trong ấp rất tích cực tham gia. Trước đây, phật tử khi đến chùa tham gia các lễ hội, sự kiện tôn giáo do chùa tổ chức, tình trạng mất xe, bị móc túi, cướp giựt... thường xuyên xảy ra. Thế nhưng, từ khi mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT”, tình trạng nói trên không còn tái diễn”.

Một tiểu thương ở thị xã Vĩnh Châu thì chia sẻ: “Giờ đây chúng tôi được làm quen với mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT”. Các thành viên trong Ban điều hành mô hình này không chỉ thường xuyên tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chính sách dành cho người dân tộc mà còn đưa ra nhiều cảnh báo kịp thời về tình trạng vi phạm pháp luật, các thủ đoạn lừa đảo mới, tính dụng đen… giúp bà con phật tử cảnh giác hơn, không nghe theo kẻ xấu, không nghe lời xúi giục, chí thú làm ăn và phát triển kinh tế gia đình”.

Kết quả là, từ khi triển khai xây dựng mô hình đến nay, số vụ việc phức tạp có liên quan đến an ninh chính trị (tham gia gây rối, lôi kéo kích động chức sắc, chức việc, phật tử tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật) và các hoạt động vi phạm pháp luật khác (tệ nạn ma túy, cờ bạc, vi phạm giáo luật, vi phạm giao thông…) có sự chuyển biến tích cực và giảm rõ rệt, qua đó đã giúp chính quyền địa phương hòa giải 40 vụ mâu thuẫn trong tín đồ, phật tự, cung cấp 145 tin báo cho lực lượng chức năng …

Hiệu quả mô hình sư sãi và phật tử Sóc Trăng tham gia phòng chống tội phạm -0
Lực lượng Công an thị xã Vĩnh Châu đến tuyên truyền tại một hộ kinh doanh trên phố thị. 

Thông qua hoạt động của mô hình, đã tuyên truyền, vận động được 157 cuộc có 12.767 số người dự; chức sắc, chức việc, phật tử đã cung cấp cho lực lượng Công an và chính quyền địa phương 180 tin báo, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật. Qua đó, giúp lực lượng Công an khám phá 10 vụ việc vi phạm pháp luật; bắt, xử lý 40 đối tượng, phạt hành chính 101.750.000đ; giúp cảm hóa, giáo dục 69 đối tượng các loại; hòa giải 37 vụ việc mâu thuẫn trong dân tộc, tôn giáo; vận động 93% cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh treo cờ Tổ quốc…, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch, phản động; thủ đoạn hoạt động các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật khác; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật trong quần chúng nhân dân, giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Trong 10 năm lực lượng Công an tỉnh cùng với Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức khác xây dựng và thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hơn 1000 mô hình đảm bảo an ninh trật tự đã được triển khai trên toàn tỉnh Sóc Trăng. Thống kê cho thấy, thông qua các mô hình và tuyên truyền, quần chúng nhân dân đã cung cấp trên 10.500 nguồn tin có giá trị; đã giáo dục cảm hóa trên 4.852 đối tượng, hòa giải thành trên 7.760 vụ tranh chấp trong nhân dân, vận động cá biệt trên 1.248 trường hợp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên toàn tỉnh. Trong số hơn 1.000 mô hìnhgiữ gìn an ninh trật tự ở Sóc Trăng,“Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT” được xem là một trong những mô hình đã và đang phát huy hiệu quả trong việc giữ gìn ANTT tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn các mô hình nổi bật khác như: camera an ninh; thắp sáng đường quê; họ đạo tự quản; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thông qua mạng xã hội (Zalo); tổ tự quản khu nhà trọ công nhân; đảm bảo an ninh trật tự tại khu công nghiệp; 5 không, 3 có...

Sông Thương
.
.