Diện mạo mới của Bảo tàng Công an nhân dân

Thứ Tư, 12/08/2015, 09:23
Hà Nội đang trong những ngày tháng 8, tháng của những sự kiện lịch sử không thể quên trong tâm trí mỗi người dân. 70 năm Cách mạng tháng Tám thành công, cũng là 70 năm lực lượng Công an nhân dân (CAND) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Đúng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập lực lượng CAND, Công trình cải tạo, nâng cấp và đổi mới trưng bày Bảo tàng CAND đã hoàn thành.

Những hiện vật “biết nói”

Nằm trên phố Trần Bình Trọng, Hà Nội, nhiều năm nay Bảo tàng CAND đã là địa chỉ đỏ cho các thế hệ CBCS trong lực lượng Công an và người dân đến tìm hiểu tư liệu, ôn lại truyền thống lịch sử, về những chiến công, sự phát triển không ngừng của lực lượng Công an. Trong những ngày này, khách đến tham quan bảo tàng còn có thể cảm nhận một sự mới mẻ trong cách trưng bày, thể hiện rõ nét vai trò, hoạt động của lực lượng Công an qua các thời kỳ, từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến thời kỳ đất nước đổi mới và hiện tại. Gần 1.700 tài liệu hiện vật “biết nói” như sống động trong từng câu chuyện, như từng thông điệp gửi về từ quá khứ.

Bảo tàng CAND có diện mạo mới.

Chiếc súng carbin đồng chí Hoàng Hữu Kháng sử dụng bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ kháng chiến chống Pháp; chiếc đòn gánh tiểu đội AD sử dụng chuyển tài liệu lên chiến khu Việt Bắc trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến; súng phóng lựu Công an Xung phong Hà Nội sử dụng thời kỳ kháng chiến chống Pháp; sơ đồ Đội quân báo thiếu niên Công an quận VI (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) Hà Nội sử dụng xâm nhập vào nội thành hoạt động bí mật đêm 19/12/1946… Tất cả hiện vật, tư liệu ấy sẽ giúp người xem hình dung về những hoạt động gian khổ nhưng đầy tự hào của lực lượng Công an thời kỳ chống Pháp.

Chúng tôi đến bảo tàng trước ngày lễ khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp, những nhóm thợ đang rốt ráo hoàn thiện nốt từng phần việc cuối cùng. Tranh thủ giờ giải lao, họ say sưa ngắm nhìn các hiện vật trưng bày. Và, có một nơi khá hấp dẫn họ là gian giới thiệu về những nữ Công an anh hùng. 3 bức tượng tái hiện hình ảnh liệt sỹ Bùi Thị Cúc, liệt sỹ Võ Thị Sáu và liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi cùng chiến công điển hình đã thể hiện rất sống động tinh thần bất khuất, dũng cảm, kiên trung của các nữ điệp báo CAND.

Ở một gian trưng bày khác, những tư liệu, hiện vật tái hiện vụ án Ôn Như Hầu, hay một số tang vật lực lượng Công an thu giữ trong Chuyên án TN25… là chiến công xuất sắc của lực lượng An ninh nói riêng và lực lượng CAND nói chung thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đánh dấu son trong lịch sử truyền thống CAND. Bên cạnh đó, những chuyên án đi cùng năm tháng của lực lượng Công an trong thời bình cũng giúp người xem hình dung phần nào công việc của lực lượng Công an dù chiến tranh đã đi qua.

Những chuyên án được gọi tên đối tượng cầm đầu như: Vũ Xuân Trường, Trịnh Nguyên Thủy, Khánh Trắng… vừa là chiến công của lực lượng Công an, nhưng cũng là bài học, là lời nhắc nhở cho các thế hệ CBCS Công an về những hiểm nguy, sự phức tạp trong cuộc chiến đấu tranh giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thời kỳ đất nước đổi mới.

Ngoài ra, trong các gian trưng bày còn nhiều tư liệu quý như: Cuốn sách “Sáu lời dạy của Hồ Chủ tịch” – cuốn sách đầu tiên hướng dẫn học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy CAND so Sở Công an Nam Bộ xuất bản năm 1951; Báo “Cờ giải phóng” số 15 ra ngày 17/7/1945, Báo “Cứu quốc” số 29 ra ngày 15/8/1945 viết bằng tay tôn vinh những chiến công của lực lượng Công an những ngày đầu thành lập…

Đổi mới trong trưng bày

Đại tá Nguyễn Thị Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng CAND cho biết: “Cơ sở hạ tầng của bảo tàng được mở rộng, cải tạo, sửa chữa tổng thể. Các thiết bị kỹ thuật, hệ thống bảo vệ an ninh, phòng cháy… được đầu tư. Tòa nhà trưng bày trước đây được nâng thêm tầng diện tích trưng bày, mở rộng gần 600m2. Đây là một dấu ấn trong quá trình hoạt động và phát triển của Bảo tàng CAND.

Điều đặc biệt là hệ thống nội dung trưng bày của bảo tàng lần này được chỉnh lý, bổ sung toàn diện. Thông qua gần 1.700 tài liệu hiện vật tiêu biểu về những chiến công của lực lượng CADN trong 70 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, với gần 1.200m2 trưng bày, bảo tàng đã tái tạo lại hành trình lịch sử ra đời và phát triển của lực lượng CAND dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chăm lo, dìu dắt của Bác Hồ và sự thương yêu đùm bọc, giúp đỡ che chở của quần chúng nhân dân”.

Hệ thống trưng bày của Bảo tàng CAND ngoài phần khánh tiết có trưng bày hệ thống với 4 chủ đề được phân theo dòng lịch sử và 2 chuyên đề sưu tập. Trong đó có chuyên đề Bác Hồ với CAND. Đây là phần trưng bày thể hiện tình cảm, sự ân cần chăm lo giáo dục rèn luyện của Bác giành cho lực lượng CAND. Thêm nét mới của Bảo tàng CAND là, trong hệ thống trưng bày thể hiện 9 tổ hợp thuộc các chủ đề với những điểm nhấn độc đáo, như Tổ hợp về Vụ án Ôn Như Hầu ngày 12/7/1946 tại Hà Nội, Tổ hợp khu căn cứ Lõm K20 tại Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ…

Ngoài ra hệ thống trưng bày còn giới thiệu với công chúng chân dung các lãnh đạo Bộ Công an qua các thời kỳ, chân dung Tướng lĩnh Công an và chân dung các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân bằng hệ thống số hóa giúp giới thiệu cho người xem một cách đầy đủ và thuận tiện nhất khi đến với Bảo tàng Công an.

Công trình cải tạo, nâng cấp và đổi mới trưng bày Bảo tàng CAND không chỉ có ý nghĩa đón mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của lực lượng Công an và 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, mà còn là nghĩa cử tri ân, vinh danh những người con kiên trung của dân tộc đã cống hiến trọn đời cho nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Việt Hà
.
.