Di sản của tình hữu nghị đặc biệt
Công trình được các đồng chí lãnh đạo hai Bộ, các nhà khoa học, các tướng lĩnh của Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Lào đánh giá biên soạn công phu, khoa học, trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phản ánh có hệ thống và chân thực về Trường 12 -75.
Ban Chủ nhiệm đề tài đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, sưu tầm, giới thiệu có hệ thống, đồng bộ tư liệu, sự kiện, hình ảnh về những năm tháng học tập, công tác của các đồng chí học viên An ninh Lào trên đất nước Việt Nam từ năm 1976 đến năm 1991.
Công trình còn là quà tặng quý giá gửi tặng các cựu học viên lực lượng An ninh Lào, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Bộ An ninh Lào. Công trình đã góp phần làm rõ và khẳng định mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc nói chung và hai Bộ nói riêng là quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng và hiếm có.
Các đại biểu dự hội nghị nghiệm thu công trình khoa học về Trường 12 – 75. |
Từ những năm 60 của thế kỷ XX, dưới sự chỉ đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Ban An ninh Trung ương Lào đã chủ động đề nghị Bộ Công an Việt Nam hợp tác, giúp đỡ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an Lào, trước mắt tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng ngắn hạn tại Lào và gửi cán bộ, học viên Công an Lào sang bồi dưỡng chuyên sâu, đào tạo dài hạn các bậc sơ học, trung học, cao đẳng, đại học tại các cơ sở đào tạo của Bộ Công an Việt Nam.
Trước năm 1975, việc Bộ Công an Việt Nam giúp đỡ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an Lào nhằm đáp ứng các yêu cầu mà Ban An ninh Trung ương Lào đề nghị. Sau khi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập (2-12-1975), nhu cầu đào tạo cán bộ Công an Lào trở nên cấp bách.
Vì vậy, công tác tham vấn, hỗ trợ Bộ Nội vụ, cựu binh và xã hội Lào xây trường, mở lớp biên soạn nội dung, chương trình đào tạo, giáo trình, bài giảng và tự đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ được lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam (ngày đó là Bộ Nội vụ) đặc biệt quan tâm, tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện ở mức cao nhất.
Trước đòi hỏi khách quan đó, Trường 12 – 75 ra đời. Trụ sở nhà trường là cơ sở cũ của Trường Bổ túc văn hóa miền núi Trung ương, đóng tại thôn Kim Tràng, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang).
Tên của trường được đặt như vậy để ghi nhận thắng lợi của cách mạng Lào và sự hình thành nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; đồng thời khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, tình đoàn kết gắn bó giữa hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước. Học viên lực lượng Công an Lào gửi sang các lớp bồi dưỡng, đào tạo tại Trường 12 - 75 được Bộ Công an Việt Nam đảm bảo đầy đủ điều kiện về cuộc sống, sinh hoạt và học tập; được các giáo viên Việt Nam truyền đạt những nội dung kiến thức, kinh nghiệm, hướng dẫn thực hành các môn học, nhất là các môn nghiệp vụ.
Tuy chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng Trường 12 – 75 đã hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình, đào tạo, bồi dưỡng hàng ngàn cán bộ cho lực lượng Công an Lào. Nhiều đồng chí đã trưởng thành vượt bậc, trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt, được bố trí giữ các trọng trách quan trọng trong tổ chức Đảng, Nhà nước, Bộ An ninh và nhiều cơ quan bộ, ngành khác của Lào…
Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Học viện Chính trị CAND chia sẻ: “Tôi được tham gia Hội đồng nghiệm thu công trình này. Đảng, nhân dân cách mạng Lào đã sáng suốt khi lựa chọn, gửi gắm những người con ưu tú nhất của Lào sang đào tạo tại Việt Nam trong những năm tháng Việt Nam còn đang rất khó khăn.
Điều đó thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự nhạy cảm chính trị và nghề nghiệp của lãnh đạo Bộ Công an hai nước. Công trình còn là bài học kinh nghiệm quý để những người làm công tác đào tạo, các cơ sở đào tạo của lực lượng CAND Việt Nam đổi mới mô hình và phương thức đào tạo học viên Lào tại Việt Nam”...