Chuyện nghề của những nhà báo Công an địa phương

Thứ Hai, 20/06/2022, 09:22

Vừa phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền trong lực lượng, nhưng cũng phải đảm bảo làm tốt các công tác chuyên môn khác khi cần. Ai cũng "đa năng", tự dàn dựng, đạo diễn, ghi hình, chụp ảnh, thu tư liệu, viết bài, dựng hậu kỳ và liên hệ để đăng tải và phát sóng. Với họ, viết báo không chỉ là nghề mà còn để thỏa sức đam mê.

Họ là những nhà báo mang sắc phục Công an - là cán bộ công tác tại Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị thuộc Công an các tỉnh, thành phố…

Tác nghiệp giữa tâm dịch

Cơn mưa đột ngột giữa tháng 5 ở vùng cao biên giới Tổ quốc mỗi lúc càng nặng hạt, xối xả, gió rít liên hồi khiến nhiều người dân đang di chuyển phải táp nhanh vào lề đường để đảm bảo an toàn. Mặc vội áo mưa để về đơn vị, Trung tá Nguyễn Kỳ Lân, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, Công an tỉnh Hà Giang bồi hồi nhớ lại quãng thời gian ở huyện Đồng Văn cách đây 2 năm trước. Lúc đó cũng xuất hiện một trận mưa lớn như này, gió rít xuyên màn đêm…

Gần hai mươi năm làm công tác tuyên truyền, niềm đam mê với nghề viết vẫn luôn rực cháy trong Trung tá Nguyễn Kỳ Lân. Địa bàn xảy ra vụ việc, trách nhiệm với nghề cứ thôi thúc, đứng ngồi không yên, để rồi cùng với phóng viên Báo CAND, hai anh em đến gặp, trao đổi hướng công việc triển khai với Thượng tá Mai Văn Vĩnh, Phó Trưởng phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị, rồi mạnh dạn lên báo cáo Đại tá Hoàng Văn Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Công an tỉnh Hà Giang để được vào tận nơi, ghi nhận công tác phòng, chống dịch.

Chuyện nghề của những nhà báo Công an địa phương -0
Trung tá Nguyễn Kỳ Lân (người thứ 2 từ trái sang) và đồng đội tác nghiệp nơi vùng cao xã giáp biên giới.

Thấy việc phản ánh công tác phòng, chống dịch là rất cần thiết, nếu tuyên truyền được càng sớm thì người dân sẽ nắm bắt được thông tin nhanh, không bị hoang mang và cũng cẩn trọng hơn trong công tác phòng, chống dịch nên Đại tá Hoàng Văn Mạnh cũng băn khoăn, nhưng sau phút đắn đo, anh gật đầu đồng ý nhưng với một điều kiện, ngay khi xong việc anh em và ekip về phải cách ly ngay theo quy định…

Được đến tận nơi ghi nhận tình hình là nhiệm vụ nhưng lỡ bị nhiễm dịch thì anh em PX03 về cách ly cũng không sao, không bị lây sang vợ con, người thân… nghĩ đến vậy, rồi nhóm PV đặc biệt nhanh chóng vác bao lô, vượt quãng đường quanh co cua tay áo gần 150km để đến được huyện Đồng Văn. Vừa đặt chân tới Công an huyện thì trời cũng xẩm tối, thấy Thượng tá Đào Tuấn Hùng, Trưởng Công an huyện Đồng Văn đang lại chuẩn bị đi các chốt phòng, chống dịch để kiểm tra tình hình, hai anh em nhanh chóng vác máy quay, máy ảnh đi cùng theo.

"Tối hôm đấy, vừa đi ghi hình, phản ánh công tác phòng, chống dịch ở địa bàn tại trực tiếp một số chốt. Khi cảm nhận những cơn gió mát mát, khả năng sắp có mưa, theo yêu cầu của lãnh đạo Công an huyện, anh em phải rút ngay về trụ sở nghỉ ngơi và cũng để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ bị ngủ ngoài rừng vì nơi đây hễ có mưa lớn dễ xảy ra sạt lở. Vừa đi, vừa nghĩ đến anh em đồng đội đang trực chốt phòng, chống dịch đêm hôm mưa bão giữa lưng chừng núi làm nhiệm vụ mà thương…" - Trung tá Nguyễn Kỳ Lân nhớ lại.

Tại trụ sở Công an huyện, đã quá nửa đêm rồi nhưng giọng Thượng tá Đào Tuấn Hùng, Trưởng Công an huyện Đồng Văn vẫn oang oang, anh đang cố gắng liên lạc tới các chốt làm nhiệm vụ nơi lưng chừng núi. Cơn mưa vừa ập đến khiến đường truyền tín hiệu kém, tiếng CBCS trực các chốt vừa trao đổi được vài câu đã lại nghe tiếng tút tút dài… khiến trái tim người thủ trưởng này lại thổn thức, lo lắng.

Đêm đấy thật dài, mưa lớn, gió giật liên hồi. Ngay khi mặt trời vừa ló rạng, chúng tôi nhanh chóng có mặt tại các chốt trực giáp biên giới nơi lưng chừng núi thôn Pín Tủng, xã Vần Chải. Khung cảnh vẫn còn tan hoang dù lều bạt đã được CBCS mới dựng lại. Phải trực tiếp lên tới đây mới hiểu, những ngày nắng to để di chuyển lên đến nơi, ngoài mất vài giờ đi xe máy, chúng tôi còn phải đi bộ, leo núi đá hơn nửa tiếng đồng hồ. Hôm qua trời mưa bão, khỏi phải nói, các tổ công tác làm nhiệm vụ, bám trụ trong lán trại dựng vào hốc của các vách núi đá khó khăn như nào…

Đúng là đặc điểm vùng cao, nghe Trung tá Nguyễn Kỳ Lân chia sẻ về những lần băng rừng, vượt lũ, nằm bờ, ngủ bụi cùng với các đơn vị nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền là chuyện như cơm bữa mà ứa nước mắt. Rồi còn cả những vụ án đêm đông, mấy anh em ở Đội Tuyên truyền vác theo máy quay lội suối nước ngập ngang người để cùng đồng đội theo dấu chân tội phạm hay những giây phút sinh tử khi bị các nhóm tội phạm tấn công trong khi tác nghiệp…

Các bài báo, hình ảnh phóng sự phản ánh tình hình phòng, chống dịch COVID-19 ở đây nhanh chóng được Trung tá Nguyễn Kỳ Lân gửi về kịp thời. Thông tin được người dân cả nước nói chung, nhân dân tỉnh Hà Giang nói riêng rất quan tâm đón nhận. Nhiều tấm lòng hảo tâm vì cảm phục trước những nỗ lực vượt khó của CBCS Công an huyện Đồng Văn đã liên lạc và gửi nhu yếu phẩm tới sẻ chia, mong muốn đồng hành cùng các chiến sĩ bám trụ các chốt trực đẩy lùi dịch bệnh…

Cuối năm 2021, khi Tết Nguyên đán đến rất gần chỉ còn đếm bằng ngày, tôi lại có dịp đồng hành cùng Trung tá Nguyễn Kỳ Lân đến huyện Mèo Vạc để nắm bắt mô hình rất ý nghĩa "Con nuôi Công an xã". Từ khi mô hình "Con nuôi Công an xã" triển khai đến từng thôn, bản, nhiều em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được Công an cơ sở đỡ đầu, nuôi dưỡng, cùng người thân của các em và nhà trường thắp sáng những ước mơ của trẻ em vùng cao, biên giới.

Vượt qua quãng đường dài gần 130km với hơn 5h di chuyển trong điều kiện sương mù dày đặc cùng những khúc cua tay áo "đặc sản" vùng cao từ TP Hà Giang, chúng tôi tìm về nơi khởi nguồn mô hình "Con nuôi Công an xã" ở xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc.

Say mê ghi lại những thước phim cuộc sống sinh hoạt thường ngày của CBCS Công an xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc và "con nuôi" Ly Mí Hồng khiến Trung tá Nguyễn Kỳ Lân quên cả thời gian, quên cả cuộc hẹn gọi điện thoại cho con ở nhà. Trong giây phút trầm ngâm suy nghĩ, anh tâm sự: "Trong vòng tay, tình thương của các CBCS Công an xã, nhiều cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lớn lên từng ngày, được tiếp tục cắp sách đến trường. Chắc chắn, các cháu sẽ dần trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội. Trong ánh mắt của những cháu bé người dân tộc Mông, tôi thấy khát vọng về sự đổi đời, mơ ước về một tương lai tươi sáng. Mai này, các em sẽ là những người xây dựng bản làng quê hương này ngày một đổi mới, tươi đẹp hơn…".

Tối hôm đấy, chúng tôi tiếp tục hành trình qua huyện Đồng Văn. Cứ đi được một đoạn, lại gặp sương mù giăng kín đặc. Trong thời tiết trời mưa lất phất, chiếc xe buộc phải bò từ từ, cảm nhận "đặc sản" sương mù mà trong lòng chúng tôi thêm phần nể phục các "phóng viên" Đội Tuyên truyền Công an tỉnh Hà Giang nói riêng và các tỉnh vùng cao biên giới nói chung, chắc chắn nếu không có tình yêu nghề, trách nhiệm của một người lính thì các anh không thể kiên trì, bền bỉ với công tác tuyên truyền như vậy…

Nỗ lực vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Hơn 12 năm gắn bó và trưởng thành cùng nhiệm vụ xây dựng các tác phẩm báo chí tuyên truyền về hoạt động của Công an tỉnh Nam Định thì từng đấy năm Thiếu tá Trần Thị Mận, cán bộ Đội Tuyên truyền ôm "mảng án" nên việc nhận lệnh đi làm nhiệm vụ giữa trưa hay đêm muộn đã quá quen thuộc. Không nhớ được bao lần cô vác máy cùng các trinh sát trong các chuyên án ma túy, hình sự, lần thì nửa đêm ra hiện trường khi có các vụ án nghiêm trọng xảy ra…

Với biên chế cán bộ khiêm tốn, trong khi địa bàn tỉnh rộng lớn, khí hậu khắc nghiệt, khối lượng công việc khá nhiều, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền báo chí, anh em trong Đội như Thiếu tá Trần Thị Mận, Đại úy Trần Ngọc Vũ, Đại úy Trần Thị Dương, ai cũng phải "đa năng", tự dàn dựng, đạo diễn, ghi hình, chụp ảnh, thu tư liệu, viết bài, dựng hậu kỳ và liên hệ để đăng tải và phát sóng. Tất cả các công đoạn đều được mỗi người thực hiện trơn tru và cho ra một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh. Nhiều tác phẩm báo chí tạo được tiếng vang và giành giải cao tại các cuộc thi…

Chuyện nghề của những nhà báo Công an địa phương -0
Thiếu tá Trần Thị Mận và các CBCS của Đội Tuyên truyền trong một buổi lên hình.

"Khi lập gia đình và làm mẹ "bỉm sữa", tôi bắt đầu làm quen với việc cân bằng giữa đam mê nghề nghiệp và vai trò làm mẹ. Nhưng thử thách thật sự đến khi tôi sinh con lần 2. Thời điểm cậu cả vào lớp 1, bé gái nhỏ được 6 tháng, tôi trở lại guồng quay công việc thì chồng tôi được điều động về công tác tại Công an xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng, cách nhà hơn 60km…", Thiếu tá Trần Thị Mận nhớ lại khoảng thời gian ban đầu khó khăn vì một mình cô phải sắp xếp tính toán tất cả, từ thời gian để đưa đón con đi học, đảm bảo công việc…

Cũng theo chị Mận, đây là giai đoạn lực lượng Công an xã chính quy vừa bước vào cao điểm làm cả ngày lẫn đêm để triển khai thực hiện Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Quay cuồng với công việc, chồng ít về thăm gia đình, có khi cả tháng mới về một lần vào cuối tuần.

Những tháng con chuyển sang học online là thời điểm Thiếu tá Trần Thị Mận thấy mình có lỗi với con nhất. Con ở nhà một mình, tự bật máy tính học online với cô chủ nhiệm lớp. Tới giờ cơm trưa hay tối, mẹ chưa kịp về, con tự vệ sinh cá nhân rồi sang nhà hàng xóm ăn cơm nhờ hay tự úp mỳ tôm ăn tạm qua bữa…

Khó khăn là vậy nhưng Thiếu tá Trần Thị Mận luôn cảm thấy mình vô cùng may mắn bởi luôn có "hậu phương" vững chắc. Theo chị, đó là sự hiếu thuận, hiểu chuyện, không làm nũng mẹ của 2 con; sự chia sẻ, giúp đỡ vô điều kiện của hàng xóm; sự hỗ trợ bất cứ lúc nào của bố mẹ. Những lần đi làm nhiệm vụ giữa đêm, con nhỏ được hàng xóm giúp chăm sóc đợi ông bà ngoại từ quê Mỹ Lộc phi ra đón. Thậm chí, khi ông bà ngoại không thể ra chăm cháu, cô hàng xóm tốt bụng cũng luôn sẵn lòng giúp trông các bé cả đêm.

Mới đây nhất, những ngày Thiếu tá Trần Thị Mận và anh em trong Đội Tuyên truyền tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT các trận bóng đá nam tại SEA Games 31 diễn ra trên Sân vận động Thiên Trường, hàng xóm và ông bà ở quê lại ra giúp chăm 2 bé để chị yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều lần hoàn thành công việc, phi về nhà khi đồng hồ đã điểm quá nửa đêm, Thiếu tá Trần Thị Mận cảm động bật khóc khi chứng kiến cảnh cô hàng xóm vẫn đang bế con gái mình trên tay và nhẹ nhàng hát ru bé ngủ…

"Không biết từ khi nào, nhưng giờ chúng tôi đã quen với sự tất bật, áp lực của nghề tuyên truyền trong lực lượng. Các con chúng tôi trưởng thành trong môi trường có mẹ là nữ chiến sỹ Công an "cầm bút" sẽ "thiệt thòi" hơn các bạn cùng trang lứa nhưng tôi tin, các con sẽ yêu mẹ và sẽ yêu cả nghề mà mẹ đã chọn. Mỗi lần tan làm đi đón con, thấy các con hớn hở chạy đến ôm mẹ, hỏi mẹ có mệt không -  đó là động lực lớn tiếp thêm nhiệt huyết để tôi cống hiến cho nhiệm vụ…" - Thiếu tá Trần Thị Mận tâm sự.

Có thể thấy, dù là phái nữ, lại luôn bận rộn với lịch trình di chuyển, lấy thông tin xây dựng các tác phẩm báo chí đảm bảo tính kịp thời, chính xác nhưng trong họ cho thấy bản thân chẳng hề thua kém nam giới chút nào, vẫn luôn toát lên một niềm đam mê lớn với nghề. Như Thiếu tá Trần Thị Mận tâm sự, mọi áp lực dường như tan biến mỗi lần thấy tin, bài báo, phóng sự do mình và đồng nghiệp xây dựng được đăng tải, phát trên các phương tiện truyền thông và nhận được phản hồi tích cực của công chúng…

Thảo Vy
.
.