Chuyện ghi ở Công an xã vùng cao Tả Gia Khâu

Thứ Sáu, 11/02/2022, 08:23

Những ngày đầu chưa có trụ sở, Trung tá Trần Anh Tuấn cùng 4 thành viên của Công an xã ở nhà trụ sở của Đồn biên phòng đóng ở liền kề, điều kiện vô cùng khó khăn. Người Trưởng Công an xã ấy hiểu rằng “nhập gia phải tuỳ tục”, muốn làm tốt công tác đảm bảo ANTT thì lực lượng Công an phải hiểu được địa bàn; có được sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền địa phương...

Từ trung tâm thị trấn vào đến xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương (Lào Cai), con đường độc đạo quanh co, uốn lượn như dải lụa đào. Nói đến sự gian khó, nhọc nhằn của xã biên giới, người ta ví Tả Gia Khâu là “Trường Sa cạn”. Nơi đây còn được biết đến với 3 cái nhất là xã xa huyện nhất, ít dân nhất và thiếu nước nhất của huyện Mường Khương… Cách ví von ấy đã phần nào nói lên những khó khăn của điều kiện thời tiết và địa hình khắc nghiệt ở nơi đây, Trung tá Trần Anh Tuấn, Trưởng Công an xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương mở đầu câu chuyện, khi đưa chúng tôi đi dọc bờ sông Chảy.  

Tả Gia Khâu có đường biên giới dài 4,53km tiếp giáp Châu Văn Sơn, Vân Nam (Trung Quốc). Bây giờ lên đến Tả Gia Khâu đã thuận lợi hơn trước, trước đây nói đến Tả Gia Khâu ngay cả những tay lái “cừ khôi” cũng phải e dè. Khi ở dưới xuôi thời tiết vẫn còn hanh nóng thì ở xã biên giới Tả Gia Khâu cái lạnh đã tê tái. Thời tiết quanh năm khô hạn, chỉ có cỏ và đá bởi từ nhiều tháng trời đã không mưa; kinh tế phụ thuộc chủ yếu là sản xuất nông-lâm nghiệp với các nông, lâm sản nổi tiếng là mận, lê, cây thuốc, thảo quả, chè, đậu tương…, đời sống của người dân vì thế gặp không ít khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh của một số tệ nạn xã hội như tình trạng xuất cảnh trái phép; một số đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước…

Chuyện ghi ở Công an xã vùng cao Tả Gia Khâu -0
Công an xã Tả Gia Khâu tuần tra trên địa bàn.

Trưởng Công an xã Tả Gia Khâu, Trung tá Trần Anh Tuấn hóm hỉnh nói với chúng tôi: Mỗi lần từ địa bàn về trụ sở huyện họp, câu đầu tiên của Trưởng Công an huyện là tình hình nước trên đó như thế nào? Trước đây, Tả Gia Khâu chỉ có một nguồn nước duy nhất từ khe đá trên núi chảy xuống. Hằng năm từ tháng 2 trở đi trời không mưa, nước sinh hoạt thiếu thốn, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và cả đời sống của người dân… Khi Công an xã chính quy được tăng cường xuống cơ sở, anh em đã dẫn nước từ các xã khác về, tình trạng thiếu nước đã phần nào được khắc phục…

Hôm chúng tôi đến đúng vào ngày chợ phiên, chợ họp ngay dưới chân trụ sở Công an xã Tả Gia Khâu náo nhiệt, người dân mua bán từ những thứ đồ gia dụng đến hàng nông sản tự sản xuất được mang về từ trên các bản. Vừa thấy Trưởng Công an xã Tả Gia Khâu, mọi người đon đả chào mời. Ở Tả Gia Khâu bây giờ đã không còn tình trạng bán hàng hoá kém chất lượng. Trong năm, không còn hiện tượng xuất cảnh trái phép qua biên giới; hoạt động lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước… Những điều được “mắt thấy, tai nghe” giúp chúng tôi cảm nhận sự đổi thay từng ngày trên vùng đất “khát” về kinh tế, xã hội cũng như về tình hình ANTT từ khi lực lượng Công an chính quy xuống cơ sở.

Những chuyển biến này đã được Đảng uỷ, lãnh đạo UBND xã Tả Gia Khâu ghi nhận và đánh giá cao; người dân địa phương ghi nhận và ủng hộ. Đồng chí Nguyễn Đức Luân, Chủ tịch UBND xã Tả Gia Khâu cho biết: Công an xã Tả Gia Khâu đã chủ động bám, nắm địa bàn, điều tra cơ bản, phân tích dự báo tình hình. Từ đó, đã kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương các chủ trương, kế hoạch, giải pháp bảo đảm ANTT; đấu tranh phòng, chống tội phạm… góp phần đảm bảo ANTT ở địa phương.

Tháng 10/2020, trưởng Công an xã Tả Gia Khâu, Trung tá Trần Anh Tuấn cùng 4 cán bộ Công an chính quy nhận nhiệm vụ tại Công an xã. Trước khi được điều động làm Trưởng Công an xã biên giới, anh đã từng có thời gian dài công tác tại Phòng xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an tỉnh Lào Cai. Chính từ những ngày chuyển hoá địa bàn tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai hay ở những nơi từng đặt chân để phát động phòng trào… nên anh không ngỡ ngàng trước những khó khăn của đồng bào.

Thế nhưng khi có mặt tại Tả Gia Khâu, anh càng hiểu thêm được những khó khăn của đồng bào vùng cao. Xã có trên 90% là người dân tộc thiểu số, đa phần không biết nói tiếng phổ thông…, ngoài sự bất đồng về ngôn ngữ còn là phong tục, tập quán của đồng bào, tất cả những điều đó đòi hỏi Công an xã chính quy phải nắm bắt. Vào thời điểm đó, an ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tuy được giữ vững ổn định nhưng tiềm ẩn những diễn biến phức tạp như việc tranh chấp nguồn nước, tình trạng phụ nữ bỏ sang Trung Quốc lấy chồng, bỏ địa khỏi địa phương và việc công dân xuất cảnh trái phép đi lao động làm thuê vẫn còn xảy ra…

Những ngày đầu chưa có trụ sở, Trung tá Trần Anh Tuấn cùng 4 thành viên của Công an xã ở nhà trụ sở của Đồn biên phòng đóng ở liền kề, điều kiện vô cùng khó khăn. Thế nhưng, ngay khi được phân công công tác, anh và đồng đội đã nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ. Người Trưởng Công an xã ấy hiểu rằng “nhập gia phải tuỳ tục”, muốn làm tốt công tác đảm bảo ANTT thì lực lượng Công an phải hiểu được địa bàn; có được sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền địa phương.

Một chiếc xe máy cà tàng cùng chiếc ba lô con cóc với những thứ đồ dùng thiết yếu, anh cùng các thành viên của Công an xã Tả Gia Khâu có mặt ở các địa bàn. Thời tiết nơi đây khắc nghiệt cùng với địa hình đồi dốc khiến việc đi lại gặp không ít khó khăn… Song với sự phối hợp tích cực của đồng chí Phó trưởng Công an xã chuyên trách là người địa phương, họ đã nhanh chóng nắm bắt tình hình. Từ đó, tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về ANTT trên các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội…

Trung tá Trần Anh Tuấn nhớ lại: Tả Gia Khâu là xã khó khăn nhất của huyện Mường Khương. Khi sáp nhập theo địa giới hành chính mới, 4 điểm dân cư thành một thôn, những cụm dân cư xa nhất cũng khoảng 4km, trong điều kiện đèo dốc… Có khi anh em lặn lội cả nửa ngày đường đến địa bàn thì người dân đi làm nương, làm rẫy đến tối mới về. Những buổi họp thôn thông báo lúc 19h nhưng đến 22h mới có đủ cán bộ đến.

Sau khi sơ lược nắm tình hình, Công an xã Tả Gia Khâu đã tham mưu giải quyết từng vấn đề còn tồn tại ở địa phương. Ban đầu là việc xuất nhập cảnh. Cũng vì quyền lợi kinh tế, người dân ở địa phương đã bỏ ra nước ngoài làm ăn để lại những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn không có người chăm sóc. Nhiều trường hợp vì thế đã bỏ học…, và nguy cơ vi phạm pháp luật.

Theo địa bàn được phân công, cán bộ Công an xã Tả Gia Khâu lặn lội đến từng thôn, bản lên danh sách từng trường hợp vắng mặt khỏi địa phương… Sau đó, tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp, hướng dẫn và giải đáp cho người dân các thắc mắc về công tác xuất, nhập cảnh. Vất vả nhất có lẽ là thời điểm Công an xã triển khai việc thực hiện 2 dự án cấp căn cước công dân gắn chíp và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong những ngày đó, Công an xã Tả Gia Khâu đã “đi  từng nhà, rà từng đối tượng” để lấy thông tin. Mỗi nhà dân cách nhau cả nửa ngày đường để thu thập tài liệu. Người dân không nhớ được thông tin cá nhân nên phải đối chiếu, so sánh tỉ mỉ. Sau đó, tổ chức lập danh sách những người trong độ tuổi cấp căn cước công dân, tổ chức họp thôn…, chuẩn bị điều kiện tốt nhất để người dân tạo điều kiện.

Xuân Mai
.
.