Chia sẻ chuẩn mực quốc tế về tư pháp người chưa thành niên và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ Hai, 05/12/2022, 12:15

Ngày 5/12, tại Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân (ANND) đã phối hợp với Bộ Tư pháp và UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Chia sẻ chuẩn mực quốc tế và các điển hình tốt trên thế giới về tư pháp người chưa thành niên - bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện ANND thừa uỷ quyền của lãnh đạo Bộ Công an chủ trì hội thảo.

Chuẩn mực quốc tế về tư pháp người chưa thành niên và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam -0
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện ANND nhấn mạnh: Là quốc gia đầu tiên ở Châu Á, và là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về trẻ em, Việt Nam luôn cam kết đảm bảo các quyền lợi cơ bản của trẻ em, trong đó có sự nỗ lực không ngừng trong cải cách pháp luật, đặc biệt là củng cố hệ thống tư pháp người chưa thành niên nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật không hướng đến mục tiêu trừng phạt mà thay vào đó là các biện pháp mang tính khoan dung hơn, mang tính giáo dục, cải tại và phục hồi, chuyển hướng, hoà nhập cộng đồng, từ đó cảm hoá, hướng thiện, giúp người chưa thành niên sửa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Chính sách xử lý khoan hồng, hướng thiện đối với người chưa thành niên được quy định cụ thể trong Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn của Việt Nam.

Chuẩn mực quốc tế về tư pháp người chưa thành niên và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam -0
Trung tướng Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện ANND phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, Trung tướng Lê Văn Thắng cũng thừa nhận, quy định về tư pháp của người chưa thành niên hiện vẫn còn tản mạn, chưa đồng bộ, chưa tiệm cận các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế; những cách thức tiếp cận phù hợp và hiệu quả trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên như xử lý chuyển hướng, tư pháp phục hồi chưa được nhận thức đầy đủ; việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người chưa thành niên tái hoà nhập cộng đồng sau khi các em ra khỏi trại tạm giam hoặc trường giáo dưỡng còn thiếu hiệu quả. Những bất cập, hạn chế này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên ở Việt Nam hiện nay.

Chuẩn mực quốc tế về tư pháp người chưa thành niên và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam -0
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến đã tập trung lãm rõ những chuẩn mực quốc tế về tư pháp người chưa thành niên cũng như những kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức thực hiện hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên trên thế giới và tại Việt Nam. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời đề xuất, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về tư pháp cho người chưa thành niên tại Việt Nam.

“Phát huy thành tựu đã đạt được, Việt Nam cần cân nhắc xây dựng 1 đạo luật tư pháp về người chưa thành niên, ưu tiên sử dụng các biện pháp giáo dục tại cộng đồng, coi các giải pháp tạm giam, tạm giữ là biện pháp sau cùng; Tăng cường trang bị cho lực lượng tham gia, đặc biệt là lực lượng Công an kiến thức, kỹ năng để làm việc với người chưa thành niên”- bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam nêu quan điểm.

Chuẩn mực quốc tế về tư pháp người chưa thành niên và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam -0
Các chuyên gia quốc tế của UNICEF tham dự và chia sẻ thông tin tại hội thảo.

Theo chia sẻ của bà Shelley Casey, chuyên gia quốc tế của UNICEF, Công ước quốc tế về quyền trẻ em yêu cầu các quốc gia thành viên có cách xử lý riêng biệt và rõ ràng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Mục đích của hệ thống tư pháp chuyên biệt dành cho người thành niên là hỗ trợ trẻ sửa chữa hành vi của mình và trở thành những công dân có ích, tuân thủ pháp luật.

Cũng theo bà Shelley Casey, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc tham gia của cán bộ công tác xã hội ngay từ giai đoạn đầu rất hiệu quả trong việc xác định được các yếu tố nguy cơ tác động, thường là cội nguồn dẫn đến hành vi phạm tội của trẻ. Từ đó, giúp cơ quan chức năng có thể để đưa ra các quyết định phù hợp, xử lý chuyển hướng trước khi xét xử. Khuyến khích các quốc gia thành lập các toà chuyên trách, thẩm phán chuyên trách về người chưa thành niên; được tổ chức ở phòng xét xử riêng với lịch xét xử riêng. Chế tài xử phạt không chỉ phù hợp với hành vi vi phạm mà còn phải căn cứ vào hoàn cảnh vi phạm của người chưa thành niên, hướng tới mục tiêu giáo dục, hoà nhập với cộng đồng; nên ưu tiên các chế tài không giam giữ; khuyến khích bãi bõ hình thức tù chung thân đối với người chưa thành niên; xem xét thiết lập các cơ sở riêng biệt dành cho người chưa thành niên bị tước quyền tự do, trong đó bố trí các các nhân viên đã qua đào tạo và hoạt động theo các chính sách và thông lệ thân thiện với trẻ em...

Chuẩn mực quốc tế về tư pháp người chưa thành niên và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam -0
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Thượng tá, Thạc sĩ Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc áp dụng kỹ năng điều tra thân thiện trong hỏi cung, lấy lời khai. Theo Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, điều tra thân thiện được hiểu là việc áp dụng phương pháp, kỹ năng của cán bộ Công an khi tiếp cận, làm việc với người dưới 18 tuổi là nạn nhân, nhân chứng, người vi phạm pháp luật trong các vụ án, vụ việc theo nguyên tắc đảm bảo các yêu cầu, yếu tố tâm lý, quyền được bảo vệ và lợi ích tốt nhất cho họ, không để các em căng thẳng, lo sợ hoặc bị tổn thương trong quá trình xác minh, giải quyết vụ án. Hiện Bộ Công an đang tiến hành xây dựng các mô hình phòng điều tra thân thiện đặt tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an các địa phương.

TS Nguyễn Minh Khuê, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cũng đã giới thiệu các biện pháp xử lý chuyển hướng, một số kinh nghiệm thành công và thách thức đặt ra trong việc thực hiện biện pháp chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại các quốc gia Châu Á như Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Từ thực tiễn nghiên cứu, TS Nguyễn Minh Khuê đã đúc kết các yếu tố dẫn đến thành công mà các quốc gia đạt được là phải có hệ thống pháp luật đầy đủ, đặc biệt là Luật riêng tư về tư pháp người chưa thành niên; mức độ sẵn có và đa dạng của các chương trình phục hồi; báo cáo đánh giá, trợ giúp pháp lý; cơ chế xem xét, giám sát hướng dẫn và điều chỉnh chương trình; dữ liệu thống kê đầy đủ về chuyển hướng và các biện pháp thay thế khác cho trẻ em…

Huyền Thanh
.
.