Cảnh sát cơ động, lá chắn vững vàng giữa tâm dịch

Thứ Bảy, 21/08/2021, 20:05

Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, lực lượng CAND luôn là tuyến đầu, cùng với Y tế và Quân đội chung tay phòng, chống dịch. Có một lực lượng đặc biệt thuộc Bộ Công an được tăng cường cho Công an các địa phương làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT các khu cách ly, chốt chặn, tuần tra kiểm soát phòng, chống dịch..., đó là lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Họ phát huy vai trò "lá chắn", tính cơ động chiến đấu cao, góp sức giữ vững trận địa ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, qua nhiều đợt dịch khác nhau...

1. Còn nhớ đầu năm 2021, khi Hải Dương là tâm dịch của cả nước, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã chi viện 550 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) cho Công an Hải Dương làm nhiệm vụ phòng, chống dịch; phân công một đồng chí Phó Tư lệnh quê hương Hải Dương thường trực ở sở chỉ huy tiền phương để việc chỉ đạo, điều hành được kịp thời thông suốt.

Nhà chỉ cách sở chỉ huy không xa, nhưng suốt từ khi thực hiện nhiệm vụ đến lúc kết thúc và tiếp tục cách ly theo quy định, anh không hề được về thăm gia đình. Cùng với đó, hàng trăm CBCS đã dồn hết tâm sức, căng mình trong vùng dịch, góp phần cho Hải Dương đẩy lùi COVID-19, dù trước đó tình hình dịch bệnh ở đây hết sức phức tạp...

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Bắc Giang, trước ý kiến chỉ đạo của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, CBCS của Bộ Tư lệnh CSCĐ lại lên đường nhận nhiệm vụ với tâm thế vinh dự, tự hào. Họ tăng cường cho Công an tỉnh Bắc Giang gần 500 CBCS (2 đợt) thực hiện song song hai nhiệm vụ: Phòng, chống dịch và bảo đảm ANTT bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Tiếp đó là tăng cường cho Công an tỉnh Điện Biên, Bắc Ninh. Với sự huy động quân số của nhiều Trung đoàn CSCĐ ở nhiều vùng miền khác nhau: Trung đoàn CSCĐ Thủ đô, Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc, Trung đoàn CSCĐ Bắc Trung Bộ, Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc, những CBCS CSCĐ đã góp phần tích cực bảo đảm ANTT trên địa bàn, kịp thời chi viện, hỗ trợ, làm giảm áp lực căng thẳng cho Công an các địa phương, được lãnh đạo Công an các cấp ghi nhận, đánh giá cao về thái độ trách nhiệm và tinh thần làm việc, tạo ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân.

"Các kíp làm việc theo ca, nhưng nhiều khi xuyên đêm, kéo dài hàng chục giờ đồng hồ. Cốc nước mát uống vội, chiếc bánh mỳ ăn dở, bữa cơm tranh thủ, giấc ngủ chập chờn... Hay những đêm thức trắng, rồi nhiều hôm anh em trên chốt làm nhiệm vụ không có chỗ để trú sau ca trực vì thấm mưa. Cái nắng của nơi này khiến mồ hôi của anh em chốt dịch rơi lã chã như tắm. Triệu chứng mệt, đau đầu, hoa mắt chóng mặt xuất hiện, ngay cả ở những người được cho là có thể lực tốt nhất...".

Trang 12_số đặc biệt_Cảnh sát cơ động, lá chắn vững vàng giữa tâm dịch -0
Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ thăm hỏi, động viên CBCS tại tâm dịch Bắc Giang.  

2. Bắc Giang, Bắc Ninh vừa ổn định thì TP Hồ Chí Minh lại trở thành tâm dịch của cả nước với tình hình còn nóng bỏng hơn khi số ca bệnh ngày càng tăng, lên đến 4 con số, thậm chí có ngày hơn 5.000 ca nhiễm; kéo theo đó là các tỉnh, thành phía Nam và Nam Trung Bộ.

Bộ Tư lệnh CSCĐ cũng không đứng ngoài cuộc, họ tiếp tục chi viện cho các địa phương gần 2.200 CBCS của Trung đoàn CSCĐ Đông Nam Bộ, Trung đoàn CSCĐ Đông Nam TP Hồ Chí Minh, Trung đoàn CSCĐ Nam Trung Bộ, Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, Trung đoàn CSCĐ miền Trung... với quyết tâm cùng lực lượng chức năng nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, bảo đảm an toàn cho người dân.

"Đây là "cuộc chiến không tiếng súng", đấu tranh với kẻ thù vô hình, song là cuộc chiến không khoan nhượng, bởi nếu khoan nhượng thì dịch càng bùng phát, số người tử vong do nhiễm bệnh sẽ tăng...", Thượng tá Đặng Tuấn Anh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Đông Nam Bộ khẳng định. Từ ngày 26/7 đến nay, đơn vị đã tăng cường gần 600 CBCS cho Công an các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện nhiệm vụ.

Ở những địa bàn này số ca bệnh nhiều, lượng chốt kiểm soát lớn, trong khi ý thức phòng dịch của người dân chưa cao, quân số mỏng nên CBCS phải làm việc liên tục, hết công suất, thậm chí nhiều hơn mới đáp ứng yêu cầu. Thế nhưng anh em luôn kiên trì bám chốt, dù có những tai nạn, mất mát ngoài ý muốn.

Khoảng 13h ngày 23/7, mưa to gió lớn đã làm sập chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên đường ĐT 747A, phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, khiến Thượng sỹ Nguyễn Văn Du, chiến sỹ Đội Đặc nhiệm, Trung đoàn CSCĐ Đông Nam Bộ bị thương phải đi sơ cứu. Sinh năm 1998, quê Bình Phước, suốt 3 tháng nay trực chiến chưa về nhà, chiến sỹ Du thừa nhận, vết thương kia chẳng thấm vào đâu so với những gì anh từng được rèn luyện tại thao trường, nên sau khi băng bó, anh lại về chốt làm nhiệm vụ. Song, điều anh mong muốn lúc này là người dân ý thức hơn một chút để góp phần ngăn chặn dịch bệnh. Chỉ khi khống chế được dịch bệnh thì anh và đồng đội mới được về thăm gia đình, kết thúc chuỗi ngày "màn trời chiếu đất", ăn ngủ tại chốt.

Những mất mát về tinh thần tại tâm dịch không thể nói hết bằng lời. Ngày 26/7, Đại úy Trần Văn Tồn, Tổ trưởng Tổ chính trị Tiểu đoàn CSCĐ số 1, Trung đoàn CSCĐ Đông Nam TP Hồ Chí Minh đang tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại Công an phường 1, quận 4 thì nhận được tin mẹ đẻ qua đời. Dịch bệnh phức tạp nên anh không thể về Cần Thơ chịu tang mà đành "nuốt nước mắt vào trong", tiếp tục ở lại bám chốt chống dịch.

"Trung đoàn đã xin ý kiến lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ, phối hợp Công an quận 4 tổ chức lập bàn thờ vọng để đồng chí được chịu tang mẹ. Đây là lúc chúng tôi nắm chặt tay nhau, đoàn kết, sẻ chia với nhau hơn...", Thượng tá Lê Đại Thắng, Trung đoàn trưởng cho hay. Trước đó, tại tâm dịch Bắc Ninh, Đại úy Phạm quang Thái, cán bộ Tiểu đoàn CSCĐ số 1, Trung đoàn CSCĐ Thủ Đô cũng đã nén nỗi đau khi nghe tin cha từ trần; Thượng úy Lê Nhữ Hoàng, cán bộ Tiểu đoàn CSCĐ số 4, Trung đoàn CSCĐ Bắc Trung Bộ đau đớn nhận tin buồn bà nội và bố mất trong cùng một ngày mà không thể về chịu tang...

Trang 12_số đặc biệt_Cảnh sát cơ động, lá chắn vững vàng giữa tâm dịch -0
Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm soát phòng, chống dịch tại tỉnh Bình Dương. 

3. Trực tiếp thăm, động viên CBCS làm nhiệm vụ chống dịch tại Bắc Giang ngày 5/6, Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm của CBCS CSCĐ, nhấn mạnh đây vừa là nhiệm vụ, vừa là vinh dự của những người được tin tưởng trao trọng trách, góp phần đem lại bình yên, an toàn cho nhân dân. Sự quan tâm, động viên kịp thời ấy đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho CBCS tại các điểm chốt.

Tại những địa phương tham gia tăng cường chống dịch, CBCS CSCĐ đã nhận được tình cảm trân quý từ người dân. "Đôi khi chỉ là chùm vải, quả dưa, chai nước, cái bánh mỳ giản dị, song trong giai đoạn giãn cách xã hội, người với người phải cách ly thì đó là điều tuyệt vời nhất", Thiếu úy Trần Lê Vinh, cán bộ Tiểu đoàn CSCĐ số 4, Trung đoàn CSCĐ Bắc Trung Bộ chia sẻ.

Kết thúc nhiệm vụ tại tâm dịch Bắc Giang, trở về đơn vị, đọng lại trong anh và đồng đội là những dòng thư nguệch ngoạc viết vội của các cháu nhỏ, là tâm thư của những giáo viên trong hành trình chống dịch: "Thương gửi những chiến sỹ trên mặt trận chống dịch COVID-19. Mong rằng với chút hoa quả ít ỏi này, sẽ làm dịu cái nắng chói chang. Và mát lòng các anh, các chị đang trên tuyến đầu chống dịch. Cố lên, có chúng tôi luôn đồng hành cùng mọi người!".

Trong "Nhật ký 45 ngày đêm chống dịch ở Bắc Giang", một cán bộ trải lòng: Đêm xuống, khoảng thời gian mọi nhà chìm vào giấc ngủ, cũng là lúc mọi người nghĩ những người lính CSCĐ được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả. Nhưng không, khoảng thời gian ấy họ luôn luôn thường trực cho sự bình yên của nhân dân, khi thì cắm chốt kiểm soát người ra vào, khi thì tuần tra kiểm soát trên từng đoạn đường, tuyến phố. Họ khoác trên mình đầy đủ trang bị cùng với lực lượng chức năng phòng, chống đua xe trái phép, kiểm soát để hạn chế thấp nhất vi phạm...

Quỳnh Vinh
.
.