Ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 72
- Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 72 tiếp tục chương trình làm việc
- Nhiều ý kiến tâm huyết tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 72
- Khai mạc trọng thể Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 72
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSHS: Kiềm chế được sự gia tăng của tội phạm hình sự
Năm 2016, thành công nhất của lực lượng Cảnh sát hình sự là đã kiềm chế được sự gia tăng của tội phạm hình sự, đặc biệt là tội phạm có tổ chức.
Thời gian trước, nổi lên tình trạng trộm cắp két sắt và các loại tài sản khác lưu động, liên tỉnh nên chúng tôi đã tập trung đấu tranh. Năm 2016, đã triệt phá nhiều băng nhóm trộm cắp chuyên nghiệp, có tổ chức, nhất là trộm két sắt liên tỉnh. Từ đó, đã giải quyết tương đối tốt tình trạng trộm cắp.
Đã kiềm chế, giải quyết có hiệu quả tội phạm cướp giật tại TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn, thể hiện rõ vai trò của các tổ tuần tra, 141, các tổ tuần tra nhân dân.
Để ngăn chặn tội phạm bắt nguồn từ vay nợ, tín dụng đen như: cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê, gây thương tích, đâm thuê chém mướn...chúng tôi đã hướng dẫn, tuyên truyền các quy định của pháp luật để các chủ nợ giải quyết theo quy định của pháp luật để giải quyết, phân xử ở Toà án; đồng thời xử lí nghiêm đối với loại tội phạm lợi dụng việc trên.
Nổi bật nhất là lực lượng CSHS đã triển khai hiệu quả kế hoạch số 03 của Bộ Công an về đấu tranh với tội phạm có tổ chức. Chúng tôi đã lên danh sách các băng nhóm tội phạm để quản lí, chủ động đấu tranh. Với phương châm chặt các mắt xích, vây cánh trước, tức là đấu tranh, bắt giữ các đối tượng “tay chân” trong băng nhóm tội phạm để cô lập, xử lí đối tượng cầm đầu, chủ mưu. Biện pháp này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, xử lí hàng trăm băng nhóm tội phạm có tổ chức, góp phần đảm bảo ANTT tại các địa bàn.
Ngoài ra, lực lượng CSHS đã phối hợp với Tổng cục VIII quản lí chặt chẽ các đối tượng tội tù tha, nhất là các đối tượng có tiền án, tiền sự, từng hoạt động trong các băng nhóm tội phạm, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.
Đặc biệt, tình trạng các đối tượng nghiện ma tuý, sử dụng ma tuý đá bị ảo giác gây án cũng đang là vấn đề nổi cộm. Đề nghị, cần có biện pháp quản lí chặt chẽ nghiêm các đối tượng này, cụ thể, cần cách li khỏi xã hội để điều trị, chữa bệnh, cai nghiện, đồng thời đấu tranh mạnh hơn đối với các đối tượng mua bán ma tuý để cắt nguồn cung cấp.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để hoà giải, tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc.
Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT: Kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí
Với khẩu hiệu hành động “Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, lực lượng CSGT đã khắc phục khó khăn, nỗ lực giữ gìn, đảm bảo TTATGT. Kết quả, tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2015.
Cụ thể, giảm 1.259 vụ (giảm 5,52%), giảm 47 người chết, giảm 1.789 người bị thương (giảm 8,49%). Ùn tắc giao thông từng bước được khắc phục, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị trong năm, nhất là Đại hội Đại biểu lần thứ XII của Đảng, bầu cử Quốc hội, các Hội nghị quốc tế diễn ra tại Việt Nam.
Mở 5 đợt cao điểm đảm bảo TTATGT toàn quốc, tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lí vi phạm các hành vi vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, quá tải; phối hợp với các đơn vị chức năng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định các mặt công tác của lực lượng CSGT.
Nổi bật nhất trong công tác hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao uy tín của lực lượng CSGT đó là đã tổ chức thành công Diễn đàn CSGT ASEAN lần thứ Nhất với hơn 100 đại biểu.
Năm 2017, lực lượng CSGT sẽ tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATGT; nâng cao hiệu quả công tác TTKS, xử lí các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn và ùn tắc giao thông. Chú trọng sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống giám sát để phát hiện để xử lí vi phạm. Phối hợp thực hiện các chuyên án đấu tranh khám phá các băng, ổ nhóm tội phạm trên tuyến giao thông; giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cái trái, sỏi trái phép. Phát hiện, khắc phục kịp thời những tồn tại, vướng mắc trong công tác đảm bảo TTATGT...
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hoá, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: Tội phạm sử dụng công nghệ cao “có mặt” trên tất cả các lĩnh vực
Theo thống kê, năm 2016, có hơn 3.200 website của Việt Nam bị tin tặc tấn công, trong đó có hơn 300 website của cơ quan giáo dục và gần 200 website của cơ quan Chính phủ. Mục đích tấn công mạng là lấy cắp, sửa đổi, mã hoá, xoá dữ liệu có giá trị của các tổ chức, doanh nghiệp, thay đổi giao diện của website hoặc khiến website bị quá tải không hoạt động được.
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong hoạt động thương mại diễn biến rất phức tạp, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, tập trung vào một số hành vi như: sử dụng dịch vụ VoIP điện thoại trên nền Internet, gọi điện mạo danh Công an,
Viện kiểm sát đe doạ bị hại yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt, mạo danh các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, nhắn tin đến các chủ thuê bao di động thông báo trúng thưởng; giả mạo người nước ngoài làm quen gửi quà, yêu cầu nộp phí.
Đặc biệt, tội phạm phát tán phần mềm có chức năng nghe lén cuộc gọi thoại, phần mềm tấn công mạng wifi, hệ thống camera... nhằm lấy cắp thông tin cá nhân và các tài khoản email, yahoo, facebook, tài khoản ngân hàng hoặc phát tán các phần mềm trên để thu lợi bất chính diễn ra phức tạp. Tình trạng mua bán thông tin cá nhân diễn ra phổ biến và được rao bán công khai trên mạng Internet.
Để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, đề nghị Bộ quan tâm, chỉ đạo sớm ban hành Chỉ thị và các văn bản liên quan. Đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp để công tác phòng chống tội phạm có hiệu quả.
Đặc biệt, nhân dân cần nâng cao cảnh giác đối với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, không để các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Chúng tôi sẽ cố gắng tăng cường hơn nữa trình độ nghiệp vụ; tiếp tục cập nhật phương thức, thủ đoạn của đối tượng phạm tội để đấu tranh quyết liệt, hiệu quả hơn.