Xem cảnh khuyển trổ tài giám biệt mùi hơi

Thứ Hai, 15/12/2014, 10:02
Sáng đầu đông, những cơn gió cũng khiến con người ta rùng mình vì lạnh, ngược 30km, chúng tôi có mặt tại Cục Cảnh sát Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (C69) ở xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đúng dịp C69 tổ chức vòng chung kết Hội thi chó nghiệp vụ trong Công an nhân dân lần thứ III, năm 2014. 

Hội thi là hoạt động được tổ chức 5 năm một lần nhằm tôn vinh những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ phục vụ đấu tranh phòng chống tội phạm…

Hội thi diễn ra với 5 nội dung: Huấn luyện các động tác cơ bản; chuyên khoa tấn công bắt khám xét đối tượng có sử dụng vũ khí cố thủ trong nhà cao tầng; truy tìm dấu vết hơi; giám biệt mùi hơi người; phát hiện các chất đặc định (ma túy, thuốc nổ). Phần thi giám biệt mùi hơi người diễn ra với sự tham gia của 9 chú chó giỏi nhất, hay còn gọi là siêu khuyển đã vượt qua 42 chú chó xuất sắc trên toàn quốc để bước vào phần thi chung kết. Ngay từ sáng sớm, các cán bộ huấn luyện và những chú chó của mình đã tập trung đầy đủ tại sân trước cửa phòng thi tạo nên một cảnh tượng đông vui, nhộn nhịp. Những chú chó này đều thuộc giống chó béc giê Đức, đẹp với bộ lông mượt mà màu đen pha vàng. Các “thí sinh” thể hiện rõ sự phấn khích... Chúng đi đi lại lại quanh quẩn, vẫy đuôi không ngừng; thi thoảng lại ngẩng mặt, hếch chiếc mũi đen bóng lên nhìn hay dụi đầu vào chân chủ nhân.

Vào phần thi chính thức, Ban giám khảo bố trí hiện trường giả vụ án trộm cắp hoặc giết cướp… dấu vết mùi hơi trên hiện trường để lại có thể là dấu vết chân, dấu vết tay hoặc tang vật như chiếc mũ, giày, dép hay hung khí là chiếc kìm, búa, con dao, chùm chìa khoá. Sau thời gian quy định, ban giám khảo giới thiệu phạm vi hiện trường; cán bộ huấn luyện khám nghiệm hiện trường, thu và bảo quản mùi hơi để sử dụng làm hơi mục đích cho chó nghiệp vụ giám biệt. Tiếp đó Ban giám khảo bố trí 6 mẫu hơi so sánh theo quy định trong một phòng kính khép kín.

Huấn luyện chó nghiệp vụ giám biệt nguồn hơi là khoa mục chuyên sâu và khó khăn.

Theo quy định, trong phòng thi chỉ có một cán bộ huấn luyện, chó nghiệp vụ và những mẫu hơi để giám biệt. Bước vào phòng thi, cán bộ huấn luyện ra lệnh cho “thí sinh” không được đi lung tung trong phòng mà ngồi ngay ngắn, cách chân của Huấn luyện viên khoảng 30cm, mặt hướng về các mẫu hơi so sánh. Sau khi chú chó ngoan ngoãn ngồi đúng tư thế, thì dây cương được tháo ra để chó nghiệp vụ có thể tự do giám biệt nguồn hơi, theo khả năng mà không chịu bất kỳ sự tác động nào của cán bộ huấn luyện.

Kế đó, cán bộ huấn luyện cho chú chó của mình ngửi, xác định mẫu hơi mục đích trong khoảng thời gian từ 5-7 giây, chó nghiệp vụ bắt buộc phải nhớ mẫu hơi này để lấy đó làm hơi căn cứ và tìm ra một mẫu hơi giống với mẫu hơi mục đích. Chỉ bằng các động tác ra hiệu bằng tay, chú chó nhận lệnh của cán bộ huấn luyện, ngửi lần lượt 6 mẫu hơi so sánh đã được Ban tổ chức chuẩn bị, để tìm ra duy nhất một mẫu hơi giống với mẫu hơi ban đầu. Trong quá trình giám biệt mẫu hơi, cán bộ huấn luyện đứng tại chỗ, không đi theo chó nghiệp vụ để đảm bảo sự khách quan. Các cảnh khuyển khi đã nhận lệnh thì tích cực ngửi, chọn và phản ứng chính xác với hơi mục đích bằng biểu hiện nằm xuống bên cạnh mẫu hơi đó để báo hiệu cho chủ nhân biết là mình đã tìm thấy. Nằm gần như ôm lấy mẫu hơi và chỉ đứng dậy khi có lệnh, có lẽ đây là cách để gìn  giữ, bảo quản thành quả của những cảnh khuyển; bằng cách này, ngoài người thầy của chúng, khó có ai có thể lấy được “tang vật” ra khỏi những nanh vuốt kia.

Cán bộ huấn luyện và chó nghiệp vụ như đôi bạn luôn dành cho nhau những cử chỉ thân mật. Khi đã tìm ra mục tiêu, chó nghiệp vụ được cán bộ huấn luyện gọi về ngồi đúng vị trí bên cạnh mình, xoa đầu, vuốt má, đọ mũi hay được thưởng một chút đồ ăn nhẹ như những lời ngợi khen “trò” đã hoàn thành tốt nhiệm vụ; điều này sẽ duy trì sự hưng phấn và tạo niềm khích lệ cao.

Sau mỗi lần giám biệt như vậy, cán bộ huấn luyện và những chú chó ra khỏi phòng thi, báo số lọ mà chó có phản ứng cho ban giám khảo biết, ban giám khảo vào phòng thi bố trí lại các mẫu hơi. Mỗi chú chó được giám biệt hơi 3 lần với 6 lượt đi và về, trong đó có 2 lần khẳng định và 1 lần phủ định. Nghĩa là, sẽ có 2 lần giám biệt chắc chắn có một mẫu hơi (trong 6 mẫu giám biệt) giống với mẫu hơi mục đích ban đầu và 1 lần không có mẫu hơi giống với mẫu hơi mục đích. Thi phủ định là trường hợp cộng thêm điểm để được điểm tối đa, nếu chó nghiệp vụ làm tốt cả 2 lần thi khẳng định. Ở lần phủ định này, nếu chó nghiệp vụ không phản ứng (tức là chính xác) sẽ được cộng thêm điểm, nếu chó phản ứng sai (có phản ứng bất kỳ một lọ hơi nào) thì sẽ không có điểm. Điểm của phần thi là tổng điểm của cán bộ huấn luyện cộng với điểm của chó nghiệp vụ.

Công tác huấn luyện chó nghiệp vụ gian nan, vất vả; khâu chăm sóc, nuôi dưỡng chúng cũng hết sức công phu. Cán bộ huấn luyện phải nắm bắt được từng đặc điểm, tính nết của mỗi chú chó, biết vỗ về, chăm sóc tỉ mỉ từ khâu ăn uống, vệ sinh cho đến giấc ngủ, khi đó chó mới thực sự nghe lời. Trong đó, chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ ăn uống sạch sẽ, hợp vệ sinh, đúng thành phần, đúng định lượng được quy định chặt chẽ theo từng loại và từng cân nặng của mỗi con.

Trao đổi nhanh với một cán bộ huấn luyện đã cùng chú chó của mình hoàn thành xuất sắc phần thi một cách nhanh chóng, chúng tôi biết được trong huấn luyện giám biệt nguồn hơi là khoa mục chuyên sâu và khó khăn, gian lao hơn cả; đòi hỏi cả cán bộ huấn luyện và chó nghiệp vụ phải có khả năng và thật kiên trì, chịu khó mới thành công.

Để có một con chó giám biệt hơi người, hơi đối tượng trong các vụ án hình sự, công tác huấn luyện bền bỉ, khoa học, từ đơn giản đến phức tạp và phải tiến hành luyện tập thường xuyên để tạo phản xạ có điều kiện cho những chú chó nghiệp vụ.

Vũ Linh - Hồng Vân
.
.