Xây dựng phong cách người CSND: Đẹp cả trong lẫn ngoài

Chủ Nhật, 24/12/2006, 07:39
Phong cách là cái biểu hiện bên ngoài nhưng đồng thời thể hiện tư chất của một người. Cuộc vận động "Xây dựng phong cách người CSND vì nhân dân phục vụ" trước hết để chỉnh cái bên ngoài nhưng nội hàm chính là để chuyển cái bên trong.

Bắt tay vào việc, tổ thường trực nằm ở tầng 2, trụ sở 40 - Hàng Bài ngày nào cũng gấp gáp, văn bản báo cáo từ dưới lên, công văn đốc thúc từ trên xuống, anh em phải rà soát kỹ từng địa phương, tìm ra cái gì xứng đáng được coi đổi mới, thành tích, khuyết điểm gì chưa được khắc phục...

"Đi vào thực chất cuộc vận động là phải thấy rõ cả hai mặt, việc gì làm được thì ghi nhận, nếu tốt phải nhân rộng mô hình còn khiếm khuyết phải chỉ ra ngay, không được né tránh, không vì bệnh thành tích mà báo cáo có tính chất phong trào" - Thượng tá Hoàng Xuân Miễn, người được giao nhiệm vụ rà soát, tổng hợp văn bản, báo cáo phân trần...

Tôi gặp Thiếu tướng Lê Thành trong phòng làm việc ở Tổng cục Cảnh sát sau khi Thiếu tướng vừa xem xét kỹ và ký báo cáo sơ kết 3 tháng do bộ phận thường trực chuyển lên. "Ta gọi khiêm tốn là một số nội dung đã làm được chứ không nên coi "báo cáo thành tích" sẽ nặng về hình thức" - Thiếu tướng trăn trở.

Nhiều năm trên cương vị thủ trưởng chỉ đạo cải cách hành chính, làm trong sạch bộ máy Cảnh sát các cấp, thấu hiểu tường tận từ chuyện ở phường, cấp hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân đến kiểm soát giao thông... Tôi hiểu đằng sau cái băn khoăn của Thiếu tướng còn rất nhiều việc phải làm. Thiếu tướng là người được Đảng ủy Tổng cục trực tiếp giao chỉ đạo cuộc cải cách hành chính, đổi mới, xây dựng phong cách người CSND.

Thấm nhuần bài học: khi ta làm điều gì cũng vì dân, vì công việc thì tất người dân sẽ thân thiện mà giúp mình. Bài học ấy không bao giờ cũ. Khác với nhiều cuộc vận động trước, ở đây hai chữ "phong cách" được xem là nội dung chính, tức các biểu hiện bên ngoài, ở tư thế, tác phong. Tại sao vậy? Người dân cần hộ khẩu, cần chứng minh thư, cần đăng ký phương tiện xe máy, hộ chiếu, cần giải quyết việc liên quan an ninh - trật tự... Họ có thể chỉ gặp cán bộ Công an một ngày, một buổi hay chỉ chốc lát. Trong cái ngắn ngủi thường ngày đó, điều gì tác động với mỗi người dân nếu không phải ở cử chỉ, lời nói, hành động?

Tôi nhớ mới đây, tức đang thời gian cao điểm bảo vệ APEC, một người hành nghề xe ôm nói rằng, có hôm ông để xe trên vỉa hè, mải đọc báo thì một chiến sĩ Công an mang hàm trung sĩ (bằng tuổi con cháu ông) đi tới và có lời nói thiếu lịch sự khi yêu cầu ông đẩy xe đi chỗ khác!

Mấy hôm sau, đang đêm ngồi chờ khách ở gần Giáp Bát, bất ngờ một người đàn ông trung niên mặc áo da đến chào hỏi lịch sự và đề nghị chở đến một ngã ba trong phố. Người xe ôm không rõ ông khách là ai khi khách  chỉ mang cuốn sổ nhỏ và tác phong rất điềm đạm. Đến một ngã ba có Công an đứng gác, người khách đề nghị xuống, trả xong tiền, cảm ơn rồi đi tới những chiến sĩ Công an. Bấy giờ ông mới biết người khách chính là Phó Công an quận, đi kiểm tra anh em bảo vệ APEC. Vậy là, hai con người, hai hành động chốc lát nhưng người dân có ấn tượng rất khác nhau.

"Hữu xạ tự nhiên hương", suy cho cùng, có tư chất tốt tất sinh tư cách, tác phong tốt. Do vậy, "nắn" tác phong cũng là cách để về lâu dài thấm nhuần vào tư chất. Những người được giao nhiệm vụ thường xuyên tiếp xúc, giải quyết các yêu cầu, công việc của dân: quản lý hành chính (hộ khẩu, chứng minh, hộ chiếu); đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới; tuần tra kiểm soát giao thông; kiểm tra phòng, chống cháy; Cảnh sát trật tự, 113, Cảnh sát cơ động thực hiện tuần tra, kiểm soát, điều tra viên hơn ai hết phải tiên phong vì cuộc vận động này...

3 tháng chưa đủ để đánh giá tính chất một cuộc vận động. Đó phải là quá trình, thấm nhuần từng bước, tiến tới tạo thành nếp, định hình thành tư cách và để chính người dân tự nhận xét, đánh giá - đó mới là tính đích thực của cuộc vận động. Tuy nhìn lại những gì Tổng cục Cảnh sát, Công an các đơn vị, địa phương đã, đang triển khai cũng có cơ sở để tin tưởng cuộc vận động hiệu quả trên thực tế.

Công an tỉnh Thanh Hóa mở trang thông tin điện tử, thông báo công khai kết quả giải quyết các công việc của dân về đăng ký hộ khẩu, quản lý phương tiện giao thông, cấp chứng minh nhân dân. Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng công khai hóa quy trình, thủ tục giải quyết việc tiếp xúc giữa thân nhân gia đình với phạm nhân chấp hành án.

Tại Hà Nội, hàng tháng Công an phường tổ chức đối thoại với dân, nghe ý kiến từ cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn. Đáng chú ý, Công an TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên áp dụng mô hình rất mới: công khai danh hiệu bình xét thi đua trong tháng tại trụ sở làm việc, dán công khai để người dân theo dõi.

Vậy nên cuộc vận động là lâu dài, cần thời gian nhưng chống tiêu cực, chống cái xấu trong nội bộ là việc không có giới hạn thời gian

Đăng Trường
.
.