Xây dựng kỹ năng tham dự phiên tòa cho điều tra viên trong CAND

Thứ Năm, 18/04/2019, 14:57

Sáng ngày 18-4, tại Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an đã tổ chức hội thảo “Xây dựng kỹ năng tham dự phiên tòa cho điều tra viên trong CAND”. 

Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan hữu quan, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 27-11-2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. 

Để giúp hội đồng xét xử ban hành bản án, quyết định về hình sự có căn cứ và hợp pháp, đạt được mục đích của tố tụng hình sự và góp phần làm cho nguyên tắc tranh tụng xét xử được đảm bảo thực hiện trên thực tế,  Điều 296 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, trong giai đoạn xét xử các vụ án hình sự, khi xét thấy cần thiết, hội đồng xét xử có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án. 

Điều 317 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định, khi xét thấy cần thiết, hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố xét xử. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định rõ trường hợp nào là cần thiết để triệu tập điều tra viên đến phiên tòa, tư cách, vị trí tham gia tố tụng của điều tra viên…

 Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đi sâu làm rõ những vấn đề lý luận, pháp luật liên quan đến quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về việc triệu tập điều tra viên và những người khác tại phiên tòa; những khó khăn vướng mắc khi thực hiện việc triệu tập điều tra viên và những người khác đến phiên tòa và việc tổ chức để tạo điều kiện cho họ trình bày ý kiến của mình tại phiên tòa… 

Các đại biểu tham luận tại hội thảo

Tham luận hội thảo, Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Phùng Hồng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Bộ Công an, Chuyên viên cao cấp Bộ Công an đã đưa ra cơ sở lý luận vì sao phải xây dựng kỹ năng tham dự phiên tòa cho điều tra viên trong CAND, những tiêu chuẩn của điều tra viên khi tham gia phiên tòa, kiến nghị xây dựng kỹ năng điều tra viên tham gia phiên tòa.

 Trên cơ sở quy định của pháp luật và thực tiễn xét xử, TS Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đặt ra những vấn đề cụ thể đối với điều tra viên tham gia phiên tòa như khi được tòa mời hoặc triệu tập điều tra viên phải có mặt theo giấy triệu tập của tòa án trừ trường hợp trở ngại khách quan; điều tra viên phải tuân thủ các quy định về nội quy phòng xử án, chấp hành sự điều hành của chủ tọa và các thành viên hội đồng xét xử; khi được yêu cầu hoặc được sự đồng ý của chủ tọa, điều tra viên trình bày ý kiến tại phiên tòa về những nội có liên quan đến quyết định, hành vi tố tụng mà mình đã thực hiện, trình bày cơ sở pháp lý cho việc ban hành quyết định hoặc thực hiện hành vi cũng như trình tự, thủ tục tố tụng mình đã thực hiện…

 Từ thực tiễn công tác, TS Nguyễn Huy Phượng, nguyên Viện phó Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tại tỉnh Vĩnh Phúc hay như các tỉnh khác trong toàn quốc, khi Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa quy định sự tham gia của điều tra viên thụ lý điều tra có mặt tại phiên tòa hình sự thì việc hội đồng xét xử thấy cần thiết vẫn triệu tập điều tra viên đến phiên tòa để trình bày những vấn đề liên quan đến vụ án mà bị cáo, bị hại, luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng quá trình điều tra, điều tra viên đã làm bất lợi cho bị cáo hoặc bị hại. 

Trong bài tham luận của mình, TS Nguyễn Huy Phượng kiến nghị 6 nội dung liên quan đến vị trí của điều tra viên tại phiên tòa, thời gian điều tra viên được triệu tập, tư cách của điều tra viên tại phiên tòa… 

Phát biểu kết luận hội thảo, Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng khẳng định, tham luận của các đại biểu tại hội thảo là những ý kiến tâm huyết, quý báu liên quan đến xây dựng kỹ năng tham dự phiên tòa cho điều tra viên trong CAND. Các tham luận này sẽ được tập hợp để báo cáo lãnh đạo Bộ Công an từ đó xây dựng thông tư hướng dẫn hoạt động này. Đồng thời, đây là nguồn tham khảo để Học viện Cảnh sát nhân dân đề xuất xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tham dự phiên tòa cho điều tra viên trong CAND trong thời gian tới. 

Nguyễn Hương
.
.