“Vinh quang và tự hào” những người lính truy nã tội phạm

Thứ Năm, 14/01/2016, 16:13
Sáng 14- 1- 2016, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã điễn ra Chương trình giao lưu thương binh, thân nhân liệt sỹ Cảnh sát truy nã tội phạm (TNTP) “Vinh quang và Tự hào”. Chương trình do Tổng cục Cảnh sát tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát TNTP (21- 2- 1946/21- 2- 2016).
Dự Chương trình giao lưu có Trung tướng Nguyễn Văn Ba, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát TNTP Bộ Công an (Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm). Trung tướng Nguyễn Công Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát TNTP. Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát. Về phía địa phương tới dự có ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Đại diện lãnh đạo Công an 63 tỉnh, thành phố; đại diện các thành viên Ban chỉ đạo 327/BCA; lãnh đạo các cơ quan báo chí trong đó có Thượng tá Phạm Quang Khải, Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân,  Ủy viên Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm…và 17 gia đình thân nhân liệt sỹ và 69 đồng chí là thương binh. 

Trung tướng Nguyễn Văn Ba, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát TNTP Bộ Công an tặng hoa thân nhân các liệt sỹ

Tại Chương trình giao lưu, Trung tướng Nguyễn Văn Ba thay mặt Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm đã tặng hoa thân nhân các liệt sỹ.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát TNTP:  Cách đây 70 năm, ngày 21- 2- 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 23, về công tác truy tầm các đối tượng đang trốn chạy để giao tòa án trừng trị. Đó được coi là mốc khởi điểm cho sự ra đời của một lực lượng đặc biệt trong công tác bảo vệ trị an trước kia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội hiện nay- Cảnh sát TNTP.

Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Chương trình giao lưu.

Suốt 70 năm, lực lượng ấy đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần làm vẻ vang và xứng danh lực lượng Cảnh sát TNTP, đóng góp không nhỏ cho thắng lợi của lực lượng CAND nói chung và lực lượng CSND nói riêng. Ngày nay, máu của các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát TNTP vẫn đổ xuống để giành lấy sự bình yên cho nhân dân, đất nước. Trong vòng 30 năm qua đã có 17 chiến sĩ hi sinh trong lúc thực thi nhiệm vụ, truy nã, bắt giữ tội phạm; 69 cán bộ, chiến sĩ bị thương nặng, mang thương tích trên mình trở thành những thương binh.

Các đại biểu là thân nhân liệt sỹ, thương binh tham gia giao lưu

Không chỉ có nước mắt của “người trong cuộc” rơi xuống, hơn 300 đại biểu ngồi dưới khán phòng xúc động rưng rưng, đôi mắt cay nhòe khi nghe thân nhân liệt sỹ, thương binh chia sẻ về những hy sinh mất mát trong cuộc truy bắt ĐTTN, bảo vệ sư bình yên cho nhân dân.

Bà Đoàn Thị Sửa, ngụ tại huyện Định Quán (Đồng Nai) là mẹ của liệt sĩ Lê Thanh Tâm, học viên trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2 đã không thể cầm được nước mắt khi nhắc đến tên con trai mình. Liệt sĩ Tâm ngã xuống khi tuổi đời rất trẻ, với bao ước mơ, hoài bão và dự định còn dang dở sớm tự lập và giúp đỡ gia đình.

Bà Đoàn Thị Sửa nghẹn ngào kể lại , trước lúc hi sinh, Tâm thực tập tại Công an tỉnh Đồng Nai, có về nhà thăm mẹ, Tâm nói lên cơ quan làm xong việc sẽ về nhà giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, chặt bớt tán lá cây bàng trước ngõ và gói bánh cho bà Sửa bán kiếm tiền chữa bệnh cho bố (bố Tâm mắc chứng bệnh thần kinh từ năm 1990) và nuôi các em ăn học, nhưng anh đã vĩnh viễn không thể thực hiện được lời hứa với gia đình mình.

Các đại biểu tham dư buổi giao lưu chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức

Với chị Huỳnh Thị Ly (35 tuổi), ngụ huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, là vợ của liệt sĩ Phan Công Việt, cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Đà Nẵng.  Chia sẻ với đại biểu tham gia giao lưu, chị Ly nghe ngào nhớ lại thời điểm cách đây 10 năm-2006, khi anh chị lần đầu tiên đến Đà Lạt hưởng tuần trăng mật với bao mơ ước về tương lai.

Lúc anh Việt ngã xuống trong quá trình truy bắt tội phạm truy nã, con gái Phan Hoàng Nhung của họ mới 13 tháng tuổi và bị dị tật. “Hay tin chồng hi sinh, lúc đó cuộc sống đối với tôi không còn ý nghĩa gì, tôi muốn đi theo anh nhưng nghĩ về con không thể cho phép tôi làm điều đó. Tôi đã đứng dậy với tư cách của một người vợ đầy tự hào khi nghĩ về chồng đã hi sinh vì nhân dân, đất nước, vì sự bình yên của dân tộc!..”-chị Huỳnh Thị Ly chia sẻ trong buổi giao lưu.

Đây là lần thứ 2 trở lại Đà Lạt, dù đau thương mất mát nhưng chị và con gái ấm lòng hơn vì có đồng đội của anh, những người luôn bên cạnh chia sẻ, động viên mẹ con chị.

Tại buổi giao lưu, các đại biểu còn được nghe các thương binh: Đại tá Lê Trọng Phúc, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Đại tá Trần Quốc Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát TNTP Công an tỉnh Thanh Hóa; Thượng úy Phà Mò Giờ, Công an huyện Bát Xát, Lào Cai với những câu chuyện cụ thể, dũng cảm đối mặt với hiểm nguy khi truy bắt ĐTTN; nghe Đại tá Lê Văn Tiền, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang-đơn vị điển hình trong truy bắt, vận động ĐTTN ra đầu thú.

Xúc động phát biểu tại Chương trình giao lưu, đồng chí Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã gửi lời chia sẻ những mất mát với các thương binh, thân nhân liệt sĩ trong lực lượng Cảnh sát TNTP; đồng thời nhấn mạnh, qua buổi gặp mặt này, lực lượng Công an địa phương có dịp giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực truy bắt, vận động các đối tượng truy nã ra đầu thú, lĩnh hội những kinh nghiệm hay và vận dụng có hiệu quả vào công tác TNTP trong thời gian tới, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân.

Quỳnh Bách– Kim Ngân
.
.