“Tiếng hát tình đời” thắp sáng ngọn lửa hoàn lương

Thứ Ba, 27/09/2016, 07:49
Hội thi "Tiếng hát tình đời" lần thứ III được tổ chức tại Trại giam Hoàng Tiến với sự tham gia của 7 đội văn nghệ thuộc Cụm trại giam số 2, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là hội thi đặc biệt dành cho những người đang chấp hành án phạt tù.

Ở đó, họ được nói lên tiếng nói của mình, được thể hiện quyết tâm hoàn lương, được có động lực tiếp tục vượt qua tội lỗi để sớm có ngày về.

Tham gia cuộc thi có gần 130 diễn viên không chuyên là các phạm nhân cùng sự hỗ trợ của CBCS Cụm trại giam số 2 gồm: Trại giam Hoàng Tiến, Trại giam Quảng Ninh, Trại giam Xuân Nguyên, Trại giam Nam Hà, Trại giam Thanh Xuân, Trại giam Suối Hai và Trại giam Ngọc Lý.

Trên sân khấu rực rỡ đèn hoa, không mấy ai nhận ra những người từng một thời lầm lỡ, họ khoác trên mình những bộ trang phục biểu diễn sặc sỡ.

Những "nghệ sĩ đặc biệt" này hát hết mình và cháy hết mình với những ca khúc ca ngợi đất nước - con người, những ca khúc thay lời biết ơn chân thành của phạm nhân đối với những cán bộ quản giáo đã không quản vất vả, khó khăn giúp họ hoàn lương, phục thiện.

Một tiết mục đặc sắc tại hội thi.

Đặc biệt hơn nữa, đa phần các tiết mục văn nghệ do chính các phạm nhân tự biên, tự diễn. Những ca khúc đầy sự ăn năn, hối hận của những người một thời lầm lỗi, song cũng sáng lên niềm tin và quyết tâm hoàn lương.

Phạm nhân Nguyễn Thị Hồng, 33 tuổi, trú tại Mạo Khê (Quảng Ninh), cán bộ của ngành than, học 3 năm khoa đạo diễn của trường Cao đẳng Văn hóa - nghệ thuật Quảng Ninh phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, án 4 năm, bắt ngày 3-5-2015.

Đóng nhân vật người mẹ có đứa con bị rủ rê vào con đường tội lỗi, bị bắt và được các cán bộ quản giáo cảm hóa, giáo dục trong vở kịch ngắn "Vết trượt".

Câu cuối, kết thúc vở kịch, Hồng nói: "Đã có lúc mẹ đã sợ trời mưa. Nhưng nếu chúng ta cứ sợ trời mưa thì làm sao thấy được những ngày nắng đẹp đúng không con?". Đó cũng là tâm sự nữ phạm nhân này gửi gắm với mọi người, nếu đã trượt ngã phải nỗ lực đứng lên bằng chính đôi chân của mình.

Còn phạm nhân Trần Đình Trọng, SN 1997, trú ở phường Bãi Cháy, Hạ Long dường như hoá thân vào nhân vật đứa con trong vở kịch “Đứa con lầm lỗi” bởi đứa con đó chính là Trọng – một người từng học giỏi, ngoan ngoãn, là niềm tự hào của gia đình, thầy cô.

Thế nhưng, vì ham chơi, đua đòi, Trọng đã sa ngã. Hậu quả là Trọng phải trả giá 6 năm tù giam cho tội cướp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đến lúc bị bắt, Trọng mới nghĩ đến gia đình, đến tương lai của mình.

Vì thế, khi được tham gia vở diễn, Trọng đã diễn bằng cả trái tim, bằng sự ân hận, tiếc nuối và quyết tâm làm lại cuộc đời. Vở kịch đã đem lại cho khán giả sự lay động, đã truyền lửa cho các phạm nhân khác trong hành trình vượt qua chính mình.

Tiếng hát, tiếng cười khiến những phạm nhân quên đi mặc cảm tội lỗi, họ bắt tay nhau, chuyện trò với nhau như như thân thiết từ lâu lắm rồi. Bên dưới hội trường, ngoài các cán bộ, khách mời thì phạm nhân cũng chính là những khán giả. Họ reo hò hồ hởi khi tiết mục kết thúc, khi nghe câu nói hay, phần diễn tốt.

Ngoài các đại biểu, CBCS của các trại giam vừa xem văn nghệ, vừa quản lí, giám sát phạm nhân của mình, không để xảy ra bất cứ tình huống đáng tiếc nào. Họ cũng hào hứng cổ vũ đội thi của mình, cho các tiết mục xuất sắc.

Không có sự phân biệt, mà chỉ có tình người thân ái. Phạm nhân diễn hào hứng, cán bộ cũng rất vui vì đây chính là động lực tốt nhất giúp họ xóa bỏ mặc cảm tội lỗi, cải tạo tốt để có cơ hội trở về.

Được biết, hoạt động văn nghệ vốn là món ăn tinh thần không thể thiếu ở tất cả các trại giam. Bình thường, vào các dịp ngày lễ, Tết, các trại giam vẫn thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ để tuyên truyền, động viên, giáo dục những người đang thi hành án phạt tù.

Để tổ chức được hội thi này là nỗ lực lớn của lãnh đạo, cán bộ Tổng cục VIII và đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các trại giam, trong đó có nhiều công sức của CBCS Trại giam Hoàng Tiến – đơn vị cụm trưởng đứng ra tổ chức cuộc thi.

Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến cho biết việc tổ chức Hội diễn tiếng hát tình đời lần này có ý nghĩa lớn trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân.

Thông qua hoạt động này, góp phần duy trì và đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ trong phạm nhân ở các trại giam, nâng cao đời sống tinh thần, động viên, khích lệ phạm nhân tích cực lao động, học tập tiến bộ, sớm trở thành người có ích cho xã hội.

Kết thúc hội thi, Ban Tổ chức đã trao giải nhất toàn đoàn tặng Trại giam Hoàng Tiến; Trại giam Xuân Nguyên và Trại giam Suối Hai đồng giải nhì; Trại giam Xuân Nguyên; Trại giam Ngọc Lý, Trại giam Nam Hà và Trại giam Thanh Xuân được đồng giải ba. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao giải cho các tiết mục xuất sắc nhất các phần thi: kịch, tốp ca, đơn ca.
Thu Hoà – Phương Thuỷ
.
.