Tăng cường giáo dục pháp luật cho các đối tượng tù và lang thang cơ nhỡ
- Hải Phòng: Đưa 100% người lang thang cơ nhỡ về cơ sở bảo trợ xã hội
- Mái nhà của những mảnh đời lang thang, cơ nhỡ
- Công an Quảng Nam tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng từ cơ sở
Bộ Công an đang xây dựng Dự thảo “Đề án Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2017-2021” trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến. Đề án được thực hiện trên tinh thần Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Đối với nhóm đối tượng đang chấp hành hình phạt tù, người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc: Từ năm 2013 đến nay, các trại giam đã tổ chức được 13.458 lớp với 4.785.653 lượt phạm nhân tham gia học tập, giáo dục pháp luật; các cơ sở giáo dục bắt buộc tổ chức được 221 lớp cho 14.526 lượt trại viên tham gia; các trường giáo dưỡng đã tổ chức 221 lớp với 3.563 lượt học sinh tham gia học tập Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là phạm nhân trong các trại giam, trại viên ở các cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh ở các trường giáo dưỡng đã được Bộ Công an tập trung chỉ đạo và được Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc.
Phổ biến pháp luật cho phạm nhân luôn được cơ quan Công an chú trọng. |
Ngoài ra, các đơn vị Công an cũng đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức các lớp học tuyên truyền pháp luật cho những đối tượng đang chấp hành hình phạt độ tuổi thanh niên sắp chấp hành xong hình phạt, phối hợp với các tổ chức Đoàn cơ sở tổ chức các buổi giao lưu, nói chuyện cho phạm nhân với các chủ đề “sống có ích”, “thắp sáng ước mơ hoàn lương”; kết hợp với Trung tâm xúc tiến việc làm tư vấn hướng nghiệp, tìm kiếm việc làm và một số ngành, nghề lao động đơn giản cho phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam.
Mở các lớp tư vấn, giáo dục dạy nghề cho số phạm nhân sắp chấp hành xong hình phạt, đảm bảo các điều kiện tái hòa nhập cộng đồng theo Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Các đối tượng phạm nhân, trại viên, học sinh trong các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng có cơ cấu rất đa dạng và mang những nét đặc thù riêng dẫn đến một thực tế là mặt bằng nhận thức của các phạm nhân trong trại giam không đồng đều, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục pháp luật, dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Đối với nhóm đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn: Thời gian qua, chính quyền địa phương mà nòng cốt là Công an các địa phương đã tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật đối với nhóm đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bao gồm cả người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, người bị phạt tù được hưởng án treo, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng như: Cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, Câu lạc bộ người hoàn lương… nhằm nhân rộng các điển hình là người lầm lỗi hoàn lương tích cực tham gia hoạt động xã hội, làm kinh tế giỏi, tổ chức cho các hộ gia đình, các đối tượng ký cam kết không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhóm đối tượng này vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định.
Việc phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, gia đình còn hạn chế; vẫn có trường hợp cơ quan, đoàn thể, gia đình được giao nhiệm vụ quản lý, giáo dục đối tượng nhưng chưa nhận thức được trách nhiệm của mình nên thực hiện còn hình thức, thiếu trách nhiệm; có những đối tượng không có mặt tại địa phương nên cơ quan chức năng không thể tiếp xúc để phổ biến, giáo dục pháp luật; có đối tượng còn e ngại, tự ti, không muốn tiếp xúc với cơ quan Công an, chính quyền địa phương, cộng đồng xung quanh nên việc phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đạt hiệu quả cao.
Đối với nhóm đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ đã được đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội: Bộ Lao động-Thương binh và xã hội với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, giáo dục nhóm đối tượng trên đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương ban hành nhiều văn bản để thống nhất thực hiện, các hoạt động tuyên truyền được triển khai đến các quận, huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, thôn, bản.
Nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi, tổ chức phân công giúp đỡ, hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn dạy nghề, việc làm để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm góp phần tích cực trong chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, vừa tạo nên phong trào thi đua có ý nghĩa lan tỏa tích cực trong các địa bàn dân cư. Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhóm đối tượng trên vẫn còn những hạn chế nhất định.
Vì đối tượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ là nhóm đối tượng đặc thù, vì vậy công tác quản lý, chăm sóc, trợ giúp đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội gặp nhiều khó khăn dẫn đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với nhóm đối tượng này chưa mang lại hiệu quả cao.
Mục tiêu của dự thảo Đề án này nhằm tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng của Đề án. Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương nhận thức đúng vai trò của phổ biến, giáo dục pháp luật, quan tâm, chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật được phân công.
Hoàn thiện về chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi của Đề án, bảo đảm các mối quan hệ phối hợp được duy trì và đi vào nề nếp. Xây dựng bộ tài liệu chuẩn để phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng của Đề án.
Trên cơ sở quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và yêu cầu thực tế, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm biên soạn, biên dịch tài liệu ra các ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là tiếng của các dân tộc thiểu số và cấp phát tài liệu phục vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức đánh giá hiệu quả của các mô hình và triển khai, nhân rộng những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực.