Tăng cường cán bộ đảm bảo an ninh trật tự tại trọng điểm bùng phát dịch
- Quảng Nam thành lập gần 5.500 tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng
- Thêm 3 ca mắc mới nhập cảnh, 61 bệnh nhân COVID-19 đã xét nghiệm âm tính
- Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó trước đại dịch COVID-19
Xung kích về cơ sở…
Ngay sau khi có chỉ thị của Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, Trung uý Nguyễn Bá Nhật, cán bộ Phòng Công tác Đảng và Công tác Chính trị, là một trong những CBCS xung phong về tăng cường cho cơ sở, tham gia trực chốt cùng lực lượng Công an phường Thọ Quang, quận Sơn Trà và lực lượng phối hợp nơi đây. Nhiệm vụ hàng ngày của anh là ngoài việc kiểm soát, đo thân nhiệt người qua lại trong khu vực, thì còn kết hợp lồng ghép tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, ý thức phòng chống dịch bệnh và phòng, chống tội phạm cho người dân.
“Được tham gia cùng anh em ở cơ sở, bản thân thấy rất vinh dự, tự hào khi được đóng góp một phần sức lực cho công tác chống dịch. Hy vọng TP Đà Nẵng sẽ sớm dập được dịch bệnh, trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân”, Trung uý Nhật bày tỏ.
Trung uý Nguyễn Bá Nhật tham gia trực, đo nhiệt độ người qua lại tại chốt kiểm soát trên địa bàn phường Thọ Quang. |
Được biết, Trung uý Nhật là phóng viên Chương trình truyền hình Vì An ninh Tổ quốc, vốn dĩ đôi tay đã quen với việc cầm máy quay, máy ảnh; giờ chuyển qua cầm máy đo thân nhiệt, anh cũng cảm thấy khá lạ lẫm.
“Với tôi, cầm máy quay phim đã thấm vào máu, giờ đi làm mà không có máy quay bên cạnh cảm giác thật trống vắng. Thế nhưng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, làm bất cứ việc gì được phân công thì tôi cũng sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể”, Trung uý Nhật nói.
Anh cho biết thêm, chỉ mới ít ngày “3 cùng” với anh em ở cơ sở nhưng anh cũng đã thấu hiểu phần nào những khó khăn, vất vả mà các đồng đội phải gánh vác. Ngoài việc đảm bảo các chốt kiểm soát, họ còn phải chú tâm vào nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát hằng ngày, hằng đêm nhằm bảo đảm ANTT trên địa bàn…
Khi anh xung phong “chi viện” cho cơ sở, cũng đồng nghĩa với việc anh phải chấp nhận xa gia đình, vợ con, đặc biệt là cô con gái nhỏ trong thời gian dài; nhưng bù lại, niềm an ủi, động lực lớn nhất lại chính là sự ủng hộ về mặt tinh thần từ gia đình, nhất là con gái.
Những lúc rảnh rỗi, anh thường đưa “bức thư” với những dòng chữ nguệch ngoạc do con gái viết cho bố, được mẹ chụp gửi qua điện thoại, trong đó nội dung “thư” chỉ vỏn vẹn vài câu nhưng chất chứa đầy sự yêu thương: “Đà Nẵng cố lên. Ba Nhật, cô Mỹ đang ở tuyến đầu chống dịch. Con cầu mong ba Nhật và cô Mỹ bình yên, mong mọi người bình yên. Con Khánh Hà”. (Cô Mỹ là em gái ruột của Nhật, hiện đang công tác, trực chiến 24/24 giờ tại Bệnh viện 199, Bộ Công an).
Sẵn sàng “chia lửa” nơi tuyến đầu…
Cùng tăng cường cho cơ sở trong đợt này nhưng Trung tá Nguyễn Văn Đảng, Phó đội trưởng Phòng Công tác Đảng và Công tác Chính trị Công an TP Đà Nẵng, được phân công về Công an phường Nại Hiên Đông, địa bàn khá trọng điểm, phức tạp liên quan đến dịch bệnh tại quận Sơn Trà.
Anh cho biết, khi xuống địa bàn, tuỳ theo nhiệm vụ được chỉ huy Công an phường phân công, mỗi CBCS sẽ theo kế hoạch thực hiện. Đa số nhiệm vụ vẫn là tham gia phối hợp với các đoàn viên thanh niên, Bí thư các tổ dân phố, dân quân tự vệ trực tại các chốt kiểm soát, mỗi ca từ 5-6 tiếng để kiểm soát người dân ra vào địa bàn. Riêng đối với phường Nại Hiên Đông, ngoài nhiệm vụ trực chốt, các CBCS được tăng cường còn hỗ trợ cùng Công an phường đi tuần tra theo Kế hoạch 8394 vào mỗi đêm nhằm đảm bảo ANTT tại địa phương…
“Bản thân tôi đã xác định, là người lính trong lực lượng CAND, tôi luôn luôn thực hiện phương châm đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân cần đến. Với tinh thần ấy, chúng tôi sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được phân công khi về cơ sở”, Trung tá Đảng nói.
Bắt đầu từ ngày 12/8, để đảm bảo an toàn giãn cách xã hội và phòng chống COVID-19 lây lan trong cộng đồng, chính quyền TP Đà Nẵng sẽ thực hiện phân chia tần suất đi chợ của người dân trên địa bàn các quận, huyện. |
Đại uý Hồ Đình Trí, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an TP Đà Nẵng cũng là người xung phong tham gia tăng cường cho cơ sở. Về “cắm chốt” tại địa bàn phường An Hải Bắc, anh cho biết, bản thân cảm thấy rất vinh dự, tự hào khi được đóng góp một phần công sức cùng anh em Công an phường trong phòng, chống dịch bệnh.
“Sau khi về nhận nhiệm vụ, nhận thấy anh em ở cơ sở trong thời gian này thực sự quá tải. Bởi, một mặt phải thực hiện công tác chuyên môn, mặc khác phải tăng cường tham gia trực tại các chốt kiểm soát dịch bệnh… Vì lực lượng quá mỏng, trong khi cường độ làm việc lại quá cao nên đa số anh em đều quá tải”, Đại uý Trí tâm sự.
Anh còn cho hay, khi về tăng cường tham gia trực chốt, tham gia vào tổ phòng chống tội phạm, tuần tra ban đêm… mới thấy hết được những khó khăn, vất vả mà anh em ở cơ sở thường phải đối mặt.
Thiếu tá Đoàn Hoàng Linh, Trưởng Công an phường An Hải Bắc cho biết, cùng với lực lượng tại chỗ, thì Công an TP và Công an quận Sơn Trà đã tăng cường thêm 8 CBCS cho Công an phường. Do vậy khối lượng công việc của anh em CBCS Công an phường trước và sau khi được tăng cường đã giảm đi rất nhiều, đảm bảo cho anh em vừa làm việc, vừa sinh hoạt, vừa có thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức.
Bên cạnh đó, rất may là khi Giám đốc Công an TP có chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện Dự án thu thập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn địa bàn thành phố, vì vậy trong 10 ngày tới sẽ rất căng thẳng. Thế nhưng khi có lực lượng chi viện thì sẽ góp phần “chia lửa” bớt công việc, nhiệm vụ của anh em Công an phường.
“Qua những ngày có sự hỗ trợ của các đồng nghiệp từ thành phố, từ quận, nhiệm vụ của Công an phường đã phần nào thuận lợi, trôi chảy hơn. Ngoài đảm bảo tốt công tác kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh thì tình hình ANTT trên địa bàn cũng được đảm bảo tốt, nhất là việc Công an phường đã khám phá thành công một số vụ vi phạm pháp luật trên địa bàn như trộm cắp, sử dụng trái phép chất ma tuý, đánh bạc…”, Thiếu tá Linh cho hay.
Có thể nói, với chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn của Đảng uỷ, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, việc tăng cường “chi viện” lực lượng ở cơ sở, nhất là tại địa bàn trọng điểm như quận Sơn Trà đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Và, với sự vào cuộc kịp thời này, công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ANTT tại các địa phương trên địa bàn quận Sơn Trà nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung sẽ đạt nhiều thành quả, khởi sắc hơn.
Từ 0h ngày 11/8, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã phong tỏa, cách ly tạm thời các khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 trong 14 ngày, gồm tổ 19, khối phố 2, phường Phước Hòa với 17 hộ, 54 khẩu và chợ Vườn Lài khối phố 5, phường An Sơn, với 20 hộ dân và 195 hộ kinh doanh, buôn bán. Đây là 2 khu vực có liên quan đến ca mắc COVID-19 đầu tiên tại TP Tam Kỳ là bệnh nhân (BN) 841 (nam, SN 2009, trú khối phố 1, phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ).
Về việc hỗ trợ người dân trong vùng bị phong tỏa, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam cho biết, HĐND tỉnh đã thống nhất về nguyên tắc quy định chế độ hỗ trợ tiền ăn cho nhân dân khu vực phong tỏa, cách ly theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam (trừ đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước) với mức hỗ trợ mỗi người 40.000 đồng/ngày trong thời gian bị phong tỏa. Nguồn kinh phí thực hiện được trích từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân, các nguồn hợp pháp khác.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, liên tục trong 2 ngày 10 và 11/8, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới. Tỉnh đã cách ly tập trung 1.225 trường hợp F1 là người đã đi, đến vùng dịch và có lịch sử tiếp xúc gần với các F0.
Sở Y tế tỉnh cho biết, riêng 6 ca mắc COVID-19 đang được theo dõi, chăm sóc, điều trị tại Cơ sở 2, Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn (các BN 787, 786, 621, 590, 419 và 370), trong đó có BN 370 (nam, SN 1991, người Serbia, nhập cảnh, công bố dương tính ngày 11/7) và BN 419 (nam, SN 2003, trú tổ 9, phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi, công bố dương tính ngày 26/7) có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính liên tiếp; dự kiến được công bố khỏi bệnh và cho xuất viện vào ngày 12/8. Các bệnh nhân còn lại đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Sở GTVT tỉnh đã huy động 4 giáo viên dạy thực hành lái xe tham gia phòng, chống dịch COVID-19, tình nguyện hỗ trợ ngành Y tế tham gia vận chuyển công dân hết thời hạn cách ly y tế tập trung trở về chỗ ở cũ. Các giáo viên này đang được Sở Y tế tập huấn các nhiệm vụ, giải pháp chuyên môn phòng, chống dịch.
Đáng chú ý, các trạm kiểm soát y tế có hiện tượng một số đối tượng vượt trạm, trốn cách ly nên Công an tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị gắn camera giám sát để thực hiện phạt nguội. UBND tỉnh Quảng Ngãi, cũng đã yêu cầu tất cả công dân trở về từ Đà Nẵng từ ngày 15/7 đến nay bắt buộc phải thực hiện khai báo y tế và cách ly tập trung.
Cơ quan chức năng tiếp tục nỗ lực truy vết F1, F2 của các bệnh nhân, đặc biệt là BN 786 và 787 mới công bố. Ngành Y tế tập trung thiết bị, nhân lực, quy chế hoạt động, đảm bảo bệnh viện dã chiến hoạt động, điều trị F0, quản lý theo dõi F1 có dấu hiệu chặt chẽ nhất. Các khu cách ly do Quân đội quản lý siết chặt đảm bảo tuyệt đối không cho các F1 giao tiếp với nhau và chủ động hợp tác với y tế trong việc lấy mẫu bệnh phẩm.
Ngày 11/8, Công an TP Huế cho biết, thực hiện công điện khẩn số 06 của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, từ ngày 30/7 đến nay, đơn vị đã tăng cường kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý 35 trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch, xử phạt hành chính gần 30 triệu đồng. Các hành vi vi phạm như không mang khẩu trang nơi công cộng; tập trung quá 20 người tại nơi công cộng; kinh doanh karaoke, trò chơi điện tử; không thực hiện giãn cách xã hội…
Ngoài ra, Công an TP Huế và Công an 27 phường đóng trên địa bàn còn kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở đến hàng trăm cơ sở kinh doanh, yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.