Tấn công mạnh tội phạm trên không gian mạng

Thứ Hai, 11/01/2021, 08:46
Nói về một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công an TP Hồ Chí Minh trong năm 2021, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện dù tội phạm ở lĩnh vực nào cũng chủ yếu dùng không gian mạng để thực hiện hành vi.


“Do vậy mà Công an thành phố đang đề xuất cấp trên cho phép thành lập Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để làm chủ công khám phá án trên không gian mạng”, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang nói. 

Thực tiễn trong nhưng năm qua, trên thế giới thực có loại tội phạm gì thì trên không gian mạng có đầy đủ các loại tội phạm đó. Tội phạm đang chuyển dịch từ thế giới thực sang không gian mạng. Chính vì sự chuyển dịch đó nên việc đẩy mạnh tấn công tội phạm trên không gian mạng là phù hợp với xu thế hiện nay và trong tương lai.

Tiện ích mà mạng Internet mang lại là chuyện không có gì để bàn cãi. Riêng đối với lực lượng Công an, việc sử dụng mạng xã hội để phục vụ công tác phòng chống tội phạm cũng đạt được hiệu quả đáng khích lệ. 

Ở TP Hồ Chí Minh đến nay có hơn 80% số lượng phường, xã đã triển khai ứng dụng mạng xã hội Zalo và Facebook trong công tác phòng, chống tội phạm góp phần đảm bảo, kéo giảm số phạm pháp hình sự chung trên địa bàn thành phố… 

Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề từ góc độ tội phạm tận dụng không gian mạng để hoạt động, cũng lắm điều đáng bàn. Có rất nhiều đối tượng, băng nhóm khai nhận trước khi ra tay đã tham gia vào các nhóm kín. Nhiều đối tượng đã hẹn hò nhau trong nhóm kín để cùng đi đua xe, chém người, gây rối; mua bán dâm, ma túy; tuyên truyền chống phá Nhà nước, khủng bố…. 

Trong các vụ gây rối, đập phá với quy mô lớn diễn ra trong những năm vừa qua ở nhiều tỉnh, thành cũng được những kẻ phá hoại tập hợp, kêu gọi, chiêu dụ… từ các nhóm kín trên mạng xã hội.

Ngày 25/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đánh giá, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. 

Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn “rác”, tin nhắn trúng thưởng, xin việc làm, xuất khẩu lao động, “chạy” dự án, vay vốn; kêu gọi đầu tư, tài trợ, đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền, làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý; lợi dụng hoạt động họ, hụi, biêu, phường, phòng, chống dịch bệnh…

Tuy nhiên, cũng từ không gian mạng, một thực trạng nổi lên nữa đó là hoạt động cho vay lãi nặng và nó nguy hiểm ở chỗ, kẻ phạm tội có thể hoạt động trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước chứ không giới hạn ở một khu vực như cho vay lãi nặng truyền thống. 

Thượng tá Trần Văn Phú, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động “tín dụng đen” bằng hình thức cho vay qua app và trên các mạng xã hội gây khó khăn hơn cho công tác phát hiện và triệt xóa. Các đối tượng chủ mưu thường là người Trung Quốc, họ lập công ty bên nước họ nhưng móc nối với các đối tượng đòi nợ thuê ở Việt Nam để hoạt động cho vay.  Do số tiền vay ít lại thủ tục đơn giản nên nhiều người dễ dàng sập bẫy. Đến khi bị khủng bố đòi nợ thì mới tá hỏa, lúc này “lãi mẹ đẻ lãi con”, số tiền phải trả phình to, cao gấp nhiều lần so với số tiền vay ban đầu. 

Điển hình là vụ Công an TP Hồ Chí Minh bắt nhóm 5 đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi qua app với lãi suất lên đến 90%/tháng, gồm: Tu Long (SN 1992) Yuan Deng Hui (SN 1991; Quốc tịch Trung Quốc), Chề Ngọc Trinh (SN 1995; quê quán Định Quán, Đồng Nai), Lâm Cảm Quyền (SN 1990; ngụ quận 5, TP Hồ Chí Minh) và Lài Thế Hùng, SN 1994; ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. 

Hai đối tượng người Trung Quốc tên là Li và Miao thuê người Việt đứng tên thành lập 3 công ty gồm Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Vinfin, Công ty TNHH CNTT Beta Manning Vietnam và Công ty TNHH Tư vấn Tài chính Đại Phát vào khoảng tháng 4/2019. Để hoạt động cho vay qua app, hai người này thuê Tu Long và Yuan Dang Hui để làm quản lý với mức lương 35 triệu đồng/tháng. Hai đối tượng này có trách nhiệm quản lý nhân viên thẩm định hồ sơ và nhắc nợ, đòi nợ. 

Ở bộ phận phiên dịch Li và Miao thuê Chề Ngọc Trinh làm kế toán kiêm phiên dịch với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Còn Lài Thế Hùng và Lâm Cẩm Quyền được thuê mới mức lương 10 triệu đồng/tháng để làm phiên dịch riêng cho Tu Long và Yuan Deng Hui. Ngoài ra, Quyền còn được giao thẩm duyệt hồ sơ cho vay và Hùng đảm nhận nhiệm vụ quản lý danh sách người vay đến hạn thanh toán để giao cho bộ phận nhắc, đòi nợ.

Sau đó, Li và Miao tạo ra các ứng dụng trên ĐTDĐ hệ điều hành Android (app) để cho vay tiền mang tên “vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online”. Các app này được quảng cáo trên Internet, mạng Facebook để người vay tự liên lạc. 

Khi khách hàng có nhu cầu thì ứng dụng sẽ yêu cầu người vay tạo 1 tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân (hình ảnh, CMND, số tài khoản ngân hàng) và phải đồng ý theo 7 điều khoản, trong đó có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy ĐTDĐ.  Chính vì điều này mà kẻ cho vay nắm được hết các số điện thoại của người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay để sau này nhân viên gọi đòi nợ. 

Bộ phận thu hồi nợ gồm 30 người (đều là người Việt Nam) hoạt động tại nhà thuê ở số 148, đường  28, phường Bình Trị Đông, Bình Tân. Điều kiện để được nhận vào làm bộ phận này là không cần trình độ văn hóa, miễn sao chửi mắng, đe dọa người khác nghe kinh hoàng là được. 

Khi vào phỏng vấn số nhân viên này sẽ chửi xối xả cho Lài Thế Hùng nghe sao cho thấy “đã” là được nhận vào làm. Hầu hết người làm ở bộ phận này là nữ và người đồng tính nam. Mức lương ở hai bộ phận này bằng nhau là 6 điệu đồng/người/tháng. Chỉ sau gần 6 tháng hoạt động đã có đến 60.000 người vay qua 3 ứng dụng nói trên với tổng số tiền lên đến 100 tỷ đồng.

Để ngăn chặn hoạt động phạm tội phạm trên không gian mạng, bên cạnh việc tăng cường lực lượng tấn công, truy bắt, Công an TP Hồ Chí Minh rất cần sự hợp tác của người dân trong việc tố giác tội phạm cũng cảnh giác với những chiêu trò của các loại tội phạm mà cơ quan công an đã tuyên truyền sâu rộng trong thời gian vừa qua. 

“Riêng các đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng thường thuê các chung cư cao cấp, biệt thự để ẩn náu và hoạt động nên Ban giám đốc công an TP chỉ đạo Công an các quận, huyện cần tăng cường công tác kiểm tra hành chính nhằm phát hiện đối tượng khả nghi để có biện pháp xử lý ngay từ đầu”, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết.

Mã Hải
.
.