Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an:

Sẽ tập trung kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư, trung tâm thương mại

Thứ Hai, 29/06/2015, 08:15
Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ra Chỉ thị số 47 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, Tiến sĩ Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) - Bộ Công an xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa đồng chí Thiếu tướng, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ triển khai Chỉ thị 47 như thế nào?

Thiếu tướng, Cục trưởng Đoàn Việt Mạnh: Từ năm 2002 đến nay, cả nước xảy ra 27.249 vụ cháy ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, nhà dân.., làm chết và bị thương 3.436 người, thiệt hại ước tính 8.501 tỉ đồng. Riêng năm 2014, cả nước xảy ra 2.375 vụ cháy, làm chết 90 người, bị thương 143 người, thiệt hại ước tính 1.307 tỉ đồng. Những con số này cho thấy, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Có một quy luật là, kinh tế xã hội càng phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, cộng với đó là tình hình biến đổi khí hậu, thì vấn đề cháy nổ ngày càng gia tăng. Việt Nam đang trong quá trình phát triển, nên cũng không thể tránh khỏi quy luật này.

Ngày 4/10/1961, Bác Hồ ký lệnh ban hành Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC. Từ đó đến nay, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công an luôn dành những quan tâm lớn nhất, cụ thể nhất cho công tác PCCC. Vì vậy, Chỉ thị số 47 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về công tác PCCC nói chung và sự quan tâm của Đảng đến tính mạng, tài sản của nhân dân trước nguy cơ đe dọa của tình hình cháy, nổ nói riêng. Ngay sau đây, chúng tôi sẽ tập trung tham mưu cho Bộ Công an tổ chức triển khai đồng bộ các yêu cầu, nhiệm vụ mà Chỉ thị của Ban Bí thư đã đặt ra.

- Chỉ thị yêu cầu phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC&CNCH. Cục Cảnh sát PCCC&CNCH có giải pháp gì để nâng cao ý thức của người dân?

- Ngày 1/1/1955, khi Đại đội chữa cháy Hà Nội được cử một tiểu đội 7 người, do đồng chí Lục Văn Giỏi chỉ huy tham gia bảo vệ lễ đài trên Quảng trường Ba Đình nhân dịp mít tinh chào mừng Đảng và Chính phủ sau 9 năm kháng chiến trở về Thủ đô. Sau cuộc mít tinh, Bác đã đi từ lễ đài xuống, rẽ qua thăm đơn vị chữa cháy đang làm nhiệm vụ.

Bác ân cần bắt tay từng người và chúc: “Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp”. Thấm nhuần tư tưởng đó của Người, và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát PCCC luôn xác định, công tác phòng cháy phải được đặt lên hàng đầu. Để kiềm chế cháy, nổ xảy ra bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, trang bị kĩ năng về phòng cháy cho người lao động, người dân giữ vai trò quan trọng.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra công tác PCCC tại Khu công nghiệp Yên Phong 1, tỉnh Bắc Ninh.

Cùng với sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của lực lượng Cảnh sát PCCC, đặc biệt là các cơ quan báo, đài trong và ngoài ngành Công an như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo CAND, Truyền hình CAND…, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức PCCC được tổ chức thường xuyên, sâu rộng;… Thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành, các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục quan tâm, phối hợp nhiều hơn nữa nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó tập trung hướng dẫn biện pháp PCCC phổ thông, kỹ năng xử lý và thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra;…

Chúng tôi cũng tập trung xây dựng phong trào toàn dân PCCC&CNCH gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhiều mô hình được nhân rộng và có hiệu quả như mô hình “Cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn PCCC”, “Cụm, khu, tuyến dân cư an toàn PCCC”…;  quán triệt và vận dụng tốt phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ)… nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác PCCC.

- Thời gian qua đã xảy ra những vụ cháy tại các chung cư cao tầng, chợ, trung tâm thương mại gây thiệt hại rất lớn. Vậy sắp tới, công tác kiểm tra PCCC tại các nơi này sẽ được triển khai như thế nào?

- Trong Chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC; xây dựng chiến lược PCCC và CNCH, nhất là đối với các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, các khu công nghiệp, thương mại… có nguy cơ cháy, nổ cao; có phương án chuyển khu công nghiệp, khu chế xuất không bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC, các cơ sở sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất đã cũ, lạc hậu hoặc đã sử dụng nhiều năm, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như sản xuất, chế biến gỗ, sang chiết gas, xăng dầu, hóa chất... ra khỏi khu dân cư.

Do vậy, trong thời gian tới, ngoài các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC cả nước đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đôn đốc, giúp các đơn vị cơ sở, doanh nghiệp sớm phát hiện và có biện pháp hữu hiệu để khắc phục, sửa chữa những sơ hở, thiếu sót có thể dẫn đến cháy, nổ; đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân cố tình vi phạm quy định của pháp luật về PCCC.

- Xin cảm ơn đồng chí Thiếu tướng về cuộc trao đổi này.

Vũ Cảnh (thực hiện)
.
.