Sắc vàng trước thềm xuân

Thứ Năm, 19/02/2015, 11:42
“Ngoài nhiệm vụ chính, phải chú ý quan sát, phát hiện các cụ già, trẻ em, khách nước ngoài chưa thông thuộc đường phố... để giúp đỡ, hướng dẫn họ đi lại thuận tiện. Như thế vừa giúp được người dân và du khách, vừa bảo đảm an toàn giao thông tại địa bàn được giao… Làm được như vậy, không chỉ đẹp hình ảnh Công an, mà còn góp phần làm đẹp Thủ đô”. Đó là lời nhắn nhủ, tâm sự của Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội với anh em lính trẻ trước lúc họ ra hiện trường bảo đảm an toàn giao thông dịp cao điểm cuối năm...

Chứng kiến những lời mộc mạc, không hề “lên gân” nêu trên của vị “đầu lĩnh” Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội trong một buổi chiều cuối năm, anh em báo chí chúng tôi không khỏi ngẫm ngợi. Trong vài năm gần đây, bên cạnh “điểm nổ” là hiệu quả lớn của các tổ công tác 141, hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát giao thông (CSGT) Thủ đô đã được cải thiện đáng kể trong con mắt người dân. Không hề chủ quan khi nói vậy.

Trên đường phố Hà Nội hằng ngày, không hiếm khi chúng ta tận mắt thấy hình ảnh các chiến sĩ CSGT tận tình đưa các cụ già, em nhỏ sang đường, đưa thí sinh đi thi. Một chiếc xe tải để rớt bùn, đất, phế thải xây dựng,  tuy không phải nhiệm vụ, nhưng CSGT nhiều khi phải xắn tay cùng anh chị em lao công quét dọn, giải phóng mặt đường. Những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đường, hầu hết đều có ngoại hình khá, cao ráo, giữ đúng lễ tiết tác phong. Đó là những nét đẹp dễ nhận thấy.

Với gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (27 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), đêm Noel 2014 niềm vui thêm trọn vẹn khi mà chị được trao trả chiếc túi xách bị thất lạc giữa biển người quanh Hồ Gươm. Tối 24/12/2014, gia đình chị Hoa đi chơi Noel tại khu vực Nhà thờ Lớn thì chị đánh rơi chiếc túi xách, bên trong có một điện thoại di động iPhone 4, tiền mặt khoảng 1 triệu đồng, cùng một số giấy tờ tùy thân.

Chị Nguyễn Thị Hoa vui mừng nhận lại tài sản.

Tuy tài sản trong túi không lớn nhưng chị Hoa rất lo lắng vì mất toàn bộ danh bạ điện thoại, đặc biệt là giấy tờ tùy thân không dễ nhanh chóng được cấp lại. Cả gia đình chị Hoa định bỏ dở cuộc đi chơi thì bất ngờ chồng chị nhận được điện thoại của cán bộ Đội CSGT số 1. Sau khi xác minh thông tin, vợ chồng chị Hoa được vị cán bộ này mời đến trụ sở. Tại đây, chị được biết, trong khi làm nhiệm vụ, một chiến sỹ trong Đội đã nhặt được chiếc túi, đem về trụ sở báo cáo lãnh đạo để xác minh trả chủ nhân…

Nhận lại tài sản bị đánh rơi, chị Hoa và gia đình xúc động gửi lời cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT số 1 đã nêu cao trách nhiệm và tinh thần vì dân phục vụ… Với chị Hoa và những người thân trong gia đình, đó là một kỉ niệm đẹp, không chỉ vì niềm vui nhận được lại tài sản, mà còn là tình cảm và cái nhìn của họ về những người chiến sĩ CSGT.

Là người quảng giao với anh em báo chí nên Đại tá Đào Vịnh Thắng luôn sẵn sàng tạo điều kiện để chúng tôi được “mục sở thị” công việc của lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô. Mồ hôi đẫm lưng áo vẫn phải “phơi” mình trong cái nắng gay gắt của mùa hè, trong bầu không khí ngột ngạt đậm đặc khí thải của xe máy, ôtô. Giữa cái rét căm căm cũng chẳng nề hà dầm mình trong mưa phùn, đứng giữa dòng người xe để điều tiết giao thông… Ngày lễ, ngày Tết, là lúc nhà nhà sum họp thì hầu hết họ phải ứng trực, như dịp Noel và Tết Dương lịch 2015 vừa rồi, có những tổ, đội công tác ứng trực 100% quân số…

Lại nhớ về mùa thi đại học 2014. Trong cái nắng tháng 7 gay gắt sáng hôm ấy, khi chiếc xe môtô đặc chủng của Cảnh sát giao thông vừa dừng bánh trước cổng Đại học Thương mại, từ trên xe, em Đỗ Thị Hương (quê ở Hải Dương) vội vã đưa trả chiếc mũ bảo hiểm cho một chiến sĩ CSGT rồi chạy vào phòng thi, vừa kịp thời gian trước khi tiếng trống trường báo hiệu giờ thi bắt đầu… Trước đó, Hương bị lạc đường đến trường thi.

Thay vì có mặt ở điểm thi Đại học Thương mại, em lại đến điểm thi Đại học Giao thông Vận tải – hai điểm trường cách nhau vài cây số giữa giờ cao điểm. Nhận được tin báo, Trung tá Phạm Văn Tuyến (Đội phó Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt, Công an TP Hà Nội) đã chỉ đạo anh em làm nhiệm vụ gần khu vực Đại học Giao thông Vận tải dùng môtô đưa em Hương tới địa điểm thi an toàn, đúng giờ. 

Không chỉ được đưa đến trường thi, có thi sinh còn nhận được sự giúp đỡ nơi ăn, nghỉ. Hôm đó trời nắng gắt, tại cổng Trường Đại học Lâm nghiệp ở thị trấn Xuân Mai, Trung tá Vũ Văn Ngoại (Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 12) cùng tổ công tác đi kiểm tra các chốt bảo vệ thi, bắt gặp 2 thí sinh sau giờ thi vẫn… lang thang giữa trưa hè. Khuôn mặt các em ướt đẫm mồ hôi, dắt tay nhau đi tìm gốc cây để tránh nắng.

Trung tá Ngoại đã thân tình hỏi thăm, được các em cho biết là Nguyễn Huy Hiên (19 tuổi, ở Thường Tín) và Lê Quang Đài (19 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội). Nhà xa và gia đình không có điều kiện thuê phòng trọ, sáng sớm các em tự đi xe buýt từ nhà đến địa điểm thi, dự kiến chiều thi xong thì bố mẹ đến đón. Trung tá Ngoại đã đưa hai thí sinh về trụ sở cùng ăn cơm với cán bộ, chiến sĩ đơn vị và sắp chỗ nghỉ ngơi cho Hiên và Đài để bước vào môn thi buổi chiều…

Có người sẽ đặt câu hỏi: “Việc đó đâu phải là nhiệm vụ của CSGT? Câu trả lời là, nếu các bạn lâm vào hoàn cảnh đưa con em mình đi thi đại học mà xe bị hỏng, bị lạc đường hay bất cứ lí do nào khác mà có thể trễ giờ thi thì mới thấy hết ý nghĩa của những việc làm “không phải nhiệm vụ” ấy…

Cảnh sát giao thông Hà Nội triển khai phương án bảo đảm ATGT dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Ở các nước phát triển và văn minh, khi gặp sự cố hoặc cần sự giúp đỡ, người dân luôn nghĩ tới và gọi “Police” đầu tiên. Dân ta cũng vậy, dù đất nước còn chưa đạt đến trình độ mơ ước ấy. Chuyện dưới đây cũng được chúng tôi ghi nhận là một minh chứng mà người được giúp đỡ đã tâm sự: “Nếu không có Thiếu tá Nguyễn Văn Khánh và tổ công tác Đội CSGT số 14, mẹ con tôi sẽ bị lạc, chẳng biết lúc nào mới có thể về nhà được an toàn”.

Hôm đó vào hồi 15h ngày 30/6/2014, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 14, gồm: Thiếu tá Nguyễn Văn Khánh và Trung úy Hoàng Ngọc Khánh làm nhiệm vụ tuần lưu trên tuyến Pháp Vân - Giải Phóng, đã phát hiện một người phụ nữ điều khiển môtô, tay ôm con nhỏ đi loạng choạng như muốn ngã xuống đường. Để đảm bảo an toàn giao thông, tổ công tác đã đến đưa xe môtô và hai mẹ con người phụ nữ này vào chốt Cảnh sát giao thông để nghỉ ngơi. Người phụ nữ cho biết tên là Nguyễn Thị Chăm (36 tuổi) và con gái Trần Khánh Linh (trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm).

Sáng cùng ngày, chị Chăm đèo con gái trên xe môtô từ nhà lên chợ Đồng Xuân mua hàng. Đến đầu giờ chiều, hai mẹ con ra về nhưng do không nhớ đường nên đi lạc ra đường Pháp Vân, Giải Phóng hướng về Hà Nam. Trong khi cháu bé khóc lóc, chị Chăm tinh thần hoảng loạn thì nhận được sự giúp đỡ kịp thời của CSGT. Ngay sau đó, tổ công tác đã báo cáo chỉ huy đơn vị và nhận được chỉ đạo dùng xe môtô đưa hai mẹ con về tận nhà. Sau khoảng 1 giờ nghỉ ngơi ở chốt CSGT, sức khỏe của hai mẹ con chị Chăm đã dần hồi phục và được đưa về nhà an toàn. 

Xuân về ngẫm chuyện nhân gian, càng nhận thấy giá trị của sự bình yên mà mỗi chúng ta đang được hưởng, dù cuộc sống còn bao bộn bề, lo toan và trăn trở. Có những lúc chúng ta dễ bức xúc, định kiến về việc này, việc khác mà chưa nhận ra bao điều tốt đẹp của cuộc sống vẫn luôn hiện hữu.

An Khang - Gia Bách
.
.