“Rèn luyện” cùng Báo Công an nhân dân

Thứ Hai, 31/10/2016, 16:36
Hơn 4 thập kỷ gắn bó với Báo CAND, những tình cảm như ruột thịt của đồng chí, đồng đội và nghĩa cử cao đẹp của bạn đọc và cộng tác viên, trong đó có những họa sỹ tài ba hàng đầu của Việt Nam mãi mãi khắc ghi trong tâm khảm của tôi…


Từ học sinh phổ thông được tuyển chọn vào đào tạo tại trường Cán bộ Công an, sau khi tốt nghiệp, tổ chức điều động tôi về Báo CAND. Biết bao bỡ ngỡ, tôi bắt đầu học từ cách bố trí sắp xếp đến các công việc “nội trợ” cho tờ báo mới in ra trong thời kỳ phát hành nội bộ nhiều gian khó.Tôi đã rèn luyện và trưởng thành cùng những trang báo. 

Hơn 4 thập kỷ gắn bó với Báo CAND, những tình cảm như ruột thịt của đồng chí, đồng đội và nghĩa cử cao đẹp của bạn đọc và cộng tác viên, trong đó có những họa sỹ tài ba hàng đầu của Việt Nam mãi mãi khắc ghi trong tâm khảm của tôi… 

Từ duyên nghề thư ký tòa soạn

Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ nghề báo đến với tôi như duyên trời định. Tháng 1-1976, sau hai năm rèn luyện tại Trường Đào tạo cán bộ Công an (E1171), tôi được phân công về Cục Công tác Chính trị. Và sau gần một tháng nghiên cứu tài liệu, sách báo tại phòng thư viện (số 15 Trần Bình Trọng, Hà Nội), tổ chức điều động tôi về Báo CAND - một đơn vị cấp phòng thuộc Cục Công tác Chính trị.

Tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì thích làm phóng viên nhưng lo vì chưa hiểu công việc thế nào. Những ngày đầu, công việc chính là đọc lại những trang báo cũ; tới bữa thì ăn cơm ở bếp tập thể của Bộ tại số 10 phố Nguyễn Quyền, tối về ngủ trên bàn làm việc. 

Tôi được Ban Biên tập phân công “tháp tùng” anh Nguyễn Ngọc Khiêm (phóng viên viết rất “cứng tay” lúc bấy giờ). Hội nghị đầu tiên tôi được dự về công tác quản lý hộ khẩu; họp xong viết cả ngày mà không xong mẩu tin; viết đi viết lại 3 lần vẫn không đạt yêu cầu. Cuối cùng anh Nguyễn Ngọc Khiêm phải viết lại mới được in báo.

Cũng năm này, Báo CAND được lãnh đạo Cục Công tác Chính trị giao thực hiện cuốn sách ảnh “Lực lượng CAND 30 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành”. Khi sách in xong từ miền Nam chuyển ra, đến công đoạn ghi biếu Công an các đơn vị, địa phương, cả Tòa soạn “thử tài” nét chữ, thấy anh em viết bút bi không đẹp, tôi ra phố mua chiếc bút sắt và cục mực Tàu về thể hiện. 

Đồng chí Trần Tuấn Anh (lúc đó là Tổ trưởng Trị sự) nói: “Cậu này viết đẹp!”. Chỉ thế thôi, tôi được “ưu ái” chuyển ngay sang công việc mới, đó là trình bày báo (làm ma-két) và công việc này gắn với tôi liên tục gần một phần tư thế kỷ.

Tác giả và nữ cán bộ, chiến sĩ Ban Trị sự, Báo CAND thăm nhà in Rèn Luyện tại Di tích Nha Công an Trung ương. Ảnh: Thiện Hoàng

Từ lúc được giao nhiệm vụ trình bày báo, Ban Biên tập cử tôi đến Xưởng in 1 của Bộ Công an tại Thanh Xuân - Hà Nội, để tìm hiểu công nghệ in báo. Nói vậy, nhưng thực chất là tôi đi học anh chị em công nhân từng con chữ (chì), cách sắp chữ, mi trang và lên khuôn in... Sau khi nắm được quy trình, tôi bắt đầu đếm chữ, tính toán chia cột, trình bày trang báo. 

Nói đến in báo bằng công nghệ in ty-pô máy phẳng bấy giờ vô cùng vất vả với những thiếu thốn vật tư: chữ mòn, kiểu chữ nghèo nàn, nhiều công đoạn toà soạn phải đi thuê ngoài như làm ảnh kẽm, khắc gỗ... chưa nói đến chuyện mất điện như cơm bữa. Những công đoạn ấy hầu hết người làm báo bây giờ trong thời đại thông tin bùng nổ, máy tính với cấu hình cao, chế bản điện tử và in ốp-sét... khó hình dung được.

Tôi bắt đầu học nghề với những công việc tại tòa soạn và xưởng in. Không có bất cứ bài giảng lý thuyết nào sinh động, nhớ lâu bằng những bài học trực tiếp sau mỗi số báo mới in ra, khen thì ít mà chê thì nhiều! 

Trình bày báo với công nghệ in ty-pô thì yêu cầu trước tiên là bố trí bài chính xác, chuyện đẹp xấu tính sau. Nếu thừa chữ thì phải cắt bài, nhưng nếu thiếu chữ thì khoảng trống không biết thêm gì cho đủ. Việc đếm chữ thì chính xác bài có bao nhiêu chữ vẫn chưa đủ, mà phải tính rằng là văn xuôi hay văn vần, có nhiều đoạn đối thoại hay không… để bố trí cột báo cho thích hợp. 

Tôi được toà soạn và anh chị em xưởng in tín nhiệm bởi sự tính toán chính xác. Để có một lời khen đơn giản thế thôi, là phải qua quá trình rèn luyện rất kỹ, nhất là đức tính cẩn thận làm “nữ công gia chánh” mà người làm công tác trình bày không thể thiếu được. Đó cũng là bài học rèn sự cẩn trọng trong suy nghĩ cũng như trong công việc hằng ngày. Chính nó đã tạo nên thương hiệu “Lân cẩn thận” từ đó đến bây giờ.

Thời ấy, để có những trang báo đẹp, các chuyên mục “Trinh sát kể chuyện”, “Tường thuật vụ án”, “Câu chuyện pháp luật”… thường có tranh minh họa, trong khi tòa soạn không có họa sỹ, nên báo phải đặt hoạ sĩ vẽ. Và cũng từ đó, tôi có dịp tiếp xúc những tao nhân mặc khách, những người được coi là họa sĩ hàng đầu của hội họa Việt Nam. 

Tôi làm công tác trình bày gần 25 năm thì có bấy nhiêu năm hoạ sĩ Lê Văn Hiệp (Báo Hànộimới) cùng tôi làm nên những trang báo đẹp. Tranh minh hoạ của Lê Văn Hiệp có bố cục chặt, giúp bài báo hấp dẫn hơn; tranh vui, biếm hoạ hóm hỉnh, mang ý châm biếm sâu sắc. Nhưng Lê Văn Hiệp cũng là người “giả vờ lơ đãng”. Ông từng làm cho tòa soạn nhiều phen hú vía vì cái tội “ngủ nướng”. 

Dịp chuẩn bị cho số báo đặc biệt Tết Nguyên đán 1979, tôi và cố nhà báo Phạm Hữu Chí (Hoài Nam) bàn với nhau: “Ông Hiệp nếu không “quản chặt” thì không biết đường nào mà tìm. Tốt nhất là buổi tối Lê Văn Hiệp đến toà soạn (tại số 3 ngõ Chiến Thắng, phố Khâm Thiên, trụ sở của toà soạn từ năm 1975 đến 1979) để vẽ minh hoạ, anh em mình sẽ khóa cửa “nhốt” trong phòng, không cho ông anh có cơ hội ra ngoài cho đến khi vẽ xong”... 

Mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch, nào ngờ sáng hôm sau tôi mở cửa phòng, vẫn thấy Lê Văn Hiệp gục xuống bàn ngáy phe phe rung cả phòng, dù hôm đó tiết trời rất lạnh. Buồn hơn, không có bức minh họa nào cả! Tôi buộc phải vào TP Hồ Chí Minh làm báo Tết với ngổn ngang những trang báo còn thiếu minh họa và thấp thỏm chờ Lê Văn Hiệp minh họa xong tòa soạn sẽ gửi bưu điện vào sau để “chữa cháy” trang báo Xuân.             

Với hoạ sĩ Văn Cao thì khác. Lúc đầu tôi không dám tự đến gặp “cây đa, cây đề” lừng lững ấy. Tôi có nói với Lê Văn Hiệp, anh giới thiệu cho tôi một vài hoạ sĩ tên tuổi, vừa là nâng uy tín của báo, vừa là thay đổi phong cách. Lê Văn Hiệp cũng bảo, nếu mình anh vẽ thì cách gì cũng sẽ bị mòn và gây sự nhàm chán. Lê Văn Hiệp tận tình đưa tôi đến gặp những hoạ sĩ nổi tiếng như Văn Cao, Nguyễn Thụ, Sĩ Ngọc, Mai Văn Hiến, Bùi Xuân Phái. 

Khi đến căn phòng nhỏ tầng 2, số nhà 108 phố Yết Kiêu, tôi thường bắt gặp hình ảnh họa sĩ Văn Cao ngồi trên ghế và nhắm rượu trắng (rượu quê nút lá chuối) với lạc rang. Nhiều lần qua lại đặt ông vẽ tranh minh họa, hai bác cháu trở nên thân tình. Có lần ông nói với tôi: “Cái khoản nhuận bút minh họa, cháu đừng đưa tiền; cứ quy đổi ra “chất cay” cho bác là tiện nhất!”. Hai bác cháu cùng cười. Thế là từ đó tôi mang nhuận bút đến cho ông bằng chai, cố nhiên phải là rượu xịn nhất men quê.

Với họa sĩ Mai Văn Hiến, ông trú tại căn phòng nhỏ của ngôi biệt thự cổ số 65 phố Nguyễn Thái Học. Ông nghiện trà và thuốc lào, nói chuyện rất dí dỏm. Khi rảnh ông bảo tôi, cháu làm ma-két báo phải tạo ra phong cách riêng, nếu người ta thấy một góc tờ báo thì cũng nhận ra đây là Báo CAND, đó là cách chọn kiểu chữ tít, chữ nội dung, cách kê chữ đầu dòng của một bài, cách bố trí ảnh, chia cột… 

Nhưng Mai Văn Hiến cũng hay sai hẹn lắm, đến lấy tranh của ông, thường cũng phải đi lại nhiều lần. Tôi hay đi chiếc xe môtô Va-skhốt của Nga (xe Con thỏ). Nghe tiếng xe máy là họa sĩ biết tôi đến. Họa sĩ hay gọi tôi là “Ông xe to”. Lỡ hẹn, ông thường bảo: “Mình lỡ! Cho mình ngày mai”. Ông thì cười, tôi thì lại tiu nghỉu quay về.

Hôm nay nhắc lại những kỉ niệm đặt tranh minh họa của Báo CAND một thời, tôi không khỏi bùi ngùi khi các họa sỹ tài hoa - cộng tác viên ngày đó, đã thành thiên cổ! Dù đó là quy luật của cuộc sống nhưng tôi vẫn bâng khuâng cảm nhận những mất mát của thời gian.

Đến tình yêu nghề và tình nghĩa phu thê

Báo CAND thời kỳ phát hành nội bộ chủ yếu in tại Hà Nội. Những số đặc biệt hoặc những số phục vụ hội nghị quan trọng được chuyển vào in tại TP Hồ Chí Minh (từ năm 1978 trở đi). In báo đã thiếu đủ thứ, đến phát hành còn nan giải hơn. Toà soạn có một chiếc môtô ba bánh vừa phục vụ phóng viên đi công tác, vừa dùng chở báo từ xưởng in về toà soạn. Xe thiếu xăng lại hay hỏng vặt, nhiều lần không có phương tiện phải thuê xích lô. 

Một hôm tôi thuê xích lô chở báo, không may trên đường xe đạp bị thủng săm. Tôi dặn bác xích lô, có cái tên rất ấn tượng là Bạch Văn Đen về địa chỉ tòa soạn và nhắc tuyệt đối không cho ai động đến báo, chờ tôi về. Vá xong chiếc săm, tôi mướt mải đạp xe đuổi theo bác Đen nhưng không thấy bóng dáng đâu. Đến tòa soạn, thấy cả cơ quan đứng ở sân để xem báo mới, nhưng bác xích lô kiên quyết không cho ai động đến và nói: “Cậu thuê tôi bảo vậy!”. Tôi cảm ơn bác đã “bảo mật tốt” và chuyển báo cho anh em trong đơn vị.  

Gần 25 năm gắn bó với công tác trình bày, tháng 7-2000, tôi được Tổng Biên tập Ngôn Vĩnh bảo: “Cậu chuẩn bị chuyển về Ban Trị sự”. Lại thay đổi vị trí công tác. Tôi chưa có kinh nghiệm gì ngoài một phần rất nhỏ trong công tác trị sự là chở báo, gói báo gửi cho Công an các đơn vị, địa phương.

Khi tiếp quản rồi, tôi được giao ngay phụ trách ban. Lúc này công tác tài chính-kế toán, phát hành đã đi vào nền nếp. Còn mảng công tác lớn là tham mưu, tổng hợp, tổ chức cán bộ, chế độ chính sách và Văn phòng Đảng ủy thì với tôi là một khó khăn rất lớn. 

Nhận nhiệm vụ nhưng thực sự công việc rối bời, chưa biết gỡ để làm việc gì trước, việc gì sau. Tôi đã mang kinh nghiệm từ Thư ký tòa soạn xuống với một tinh thần học hỏi, học từ Văn phòng Tổng cục (nay là Cục Tham mưu), đến từng lĩnh vực công tác với tiêu chí: Làm đâu chắc đấy, không để sai sót và phải khoa học.

Tháng 11 năm 2003, Báo An ninh Thế giới sáp nhập với Báo CAND, công việc của Ban Trị sự tăng thêm nhiều lần. Phần việc của các ban nội dung thì ít xáo trộn; nhưng công tác trị sự đòi hỏi phải thống nhất. Tổng Biên tập Hữu Ước lại hay nghĩ ra nhiều nội dung mới và yêu cầu phải luôn đổi mới trong cách nghĩ, cách làm với bộn bề công việc. 

Bàn bạc, đoàn kết cùng suy nghĩ tìm tòi sáng tạo trong đơn vị, đã tạo nên dấu ấn mới trong công tác trị sự của cơ quan và bản thân; tôi được một số đồng chí lãnh đạo gọi là “Ông Trị sự”, “Đổng lý”. Tôi xác định công tác trị sự phải biết tham mưu đúng và thực hiện đúng, phải “đi trước về sau” trong tất cả công việc. Cán bộ chiến sĩ vui, là cán bộ làm công tác trị sự vui và hơn thế nữa, luôn luôn nhớ đến công lao đóng góp của các thế hệ làm Báo CAND qua các thời kỳ.

Thời kỳ Báo CAND phát hành nội bộ, việc in ấn chỉ thực hiện ở Xưởng in của Bộ Công an (đặt tại Thanh Xuân, Hà Nội). Hằng ngày, hằng tuần, tôi lẽo đẽo trên chiếc xe đạp từ tòa soạn (lúc đầu ở ngõ Chiến Thắng, Khâm Thiên sau chuyển sang phố Hồ Giám) đến xưởng in để làm công tác trình bày, sửa bản in và chở báo về tòa soạn phát hành.

Từ duyên nghề Thư ký tòa soạn, ông trời đã xe duyên cho tôi nên vợ nên chồng với một nữ công nhân tại xưởng in. Thấm thoắt đã hơn 30 năm. Tình yêu, nghĩa vợ chồng càng thêm gắn bó. Ngẫm lại, tôi càng tin vào chữ “Duyên” của nhà Phật... Và tôi hạnh phúc vì từ Báo CAND, tôi có được cả tình yêu với nghề và tình nghĩa phu thê!

Vào dịp kỉ niệm 70 năm Báo CAND phát hành số đầu, cũng là tròn 40 năm 8 tháng tôi liên tục công tác ở tờ báo của Bộ Công an. Cùng với thời gian, càng có tuổi tôi càng thêm những hoài niệm với tờ báo. Thời gian vật đổi sao dời nhưng tình cảm trong tôi vẫn mãi mãi sâu nặng với đồng chí, đồng đội cũng như cộng tác viên và bạn đọc của Báo CAND…
Đặng Văn Lân
.
.