Quyết liệt xử lý hoạt động “tín dụng đen”

Thứ Hai, 21/01/2019, 09:12
Sau một tháng mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, Công an tỉnh Sóc Trăng đã phát hiện 12 vụ cho vay lãi theo kiểu “tín dụng đen” với 22 đối tượng cho vay. Số người vay lên đến 450 người và số tiền vay trên 4,2 tỷ đồng, với lãi suất từ 10-70%/tháng.


Riêng ở TP Sóc Trăng phát hiện 1 vụ, 3 đối tượng cho 45 người vay số tiền 1,4 tỷ đồng, lãi suất từ 10%-70%/tháng. Tại tỉnh Bạc Biêu, Công an huyện Đông Hải vừa bắt quả tang Trần Văn Hợp (28 tuổi, ngụ Ninh Bình), khi đang phát tờ rơi cho vay lãi nặng theo hình thức “tín dụng đen”.

Trước đó, tiểu thương chợ thị trấn Gành Hào (Đông Hải) đến cơ quan Công an trình báo, có một thanh niên lạ mặt vào khu vực chợ phát tờ rơi cho vay không cần giấy tờ. Xác định đây là đối tượng có hành vi cho vay tiền theo kiểu “tín dụng đen” nên Công an thị trấn Gành Hào đến hiện trường xác minh vụ việc. Thấy Công an xuất hiện, Hợp bỏ chạy nhưng bị khống chế.

Tại cơ quan Công an, Hợp khai nhận, có người đàn ông ở Cà Mau đưa cho 1.000 danh thiếp và hàng trăm tờ rơi với nội dung “Hỗ trợ tài chính - vay trả góp - không giữ giấy tờ”, yêu cầu Hợp đi phát hết sẽ được trả 150.000 đồng. Hợp mới phát được khoảng 200 danh thiếp cho tiểu thương thì bị Công an thị trấn Gành Hào phát hiện.

Các cán bộ Công an cơ sở phối hợp các tổ chức quần chúng bóc tờ rơi quảng cáo cho vay tín dụng dán tại các địa điểm công cộng.

Trước đó, lúc 18h ngày 15-1, Phòng CSHS, Công an tỉnh Bạc Liêu, kết hợp với Công an huyện Vĩnh Lợi tiến hành mời 2 đối tượng là Vũ Hoàng Phúc (20 tuổi) và Vũ Trấn Hưng (26 tuổi, cùng ngụ tỉnh Thái Bình) đến làm việc về hành vi cho vay nặng lãi theo kiểu “tín dụng đen”.

Tại cơ quan Công an, 2 đối tượng thừa nhận cho vay nặng lãi theo kiểu “tín dụng đen” trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi từ tháng 10-2018 đến nay. Tiến hành khám xét, cơ quan Công an tạm giữ số tiền gần 9 triệu đồng, 1 điện thoại di động và một số tang vật khác có liên quan.

Cũng liên quan tới hoạt động “tín dụng đen”, lúc 10h30 ngày 13-1, Công an huyện Hoà Bình (Bạc Liêu) bắt quả tang đối tượng Ngô Văn Sơn (27 tuổi, ngụ Hải Phòng, tạm trú TP Bạc Liêu), đang có hành vi cho vay tiền lãi suất cao tại thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình.

Tiến hành khám xét nơi tạm trú của Sơn, cơ quan chức năng thu giữ 94 triệu đồng, 1 dây chuyền, 1  nhẫn, 1 lắc đeo vàng và một số tang vật có liên quan… Hiện, các vụ việc trên đang được Công an tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu điều tra mở rộng.

l Ngày 15-1, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, vừa bắt quả tang đối tượng cho vay lãi nặng; có bị hại khi vay số tiền 150 triệu đồng, nhưng chỉ trong vài tháng đối tượng này đã ép phải trả cả gốc lẫn lời lên đến 300 triệu đồng.

Trước đó, chiều 14-1, tại một quán cà phê trên địa bàn thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn, Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt quả tang đối tượng Đào Xuân Lâm, sinh năm 1975, ở xã An Nông, huyện Triệu Sơn, đang có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Tại hiện trường, tổ công tác đã thu giữ số tiền 270 triệu đồng và toàn bộ hồ sơ, giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến việc vay và cho vay nặng lãi. Khám xét nơi ở của đối tượng Đào Xuân Lâm, lực lượng Công an thu giữ hàng chục bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc cầm cố, cho vay nặng lãi.

Theo kết quả điều tra ban đầu được biết: Ngày 6-7-2018, bà Đ.T.K, ở xã Xuân Khang, huyện Như Thanh, có vay của Đào Xuân Lâm số tiền 150 triệu đồng với mức lãi suất 3 triệu đồng/1 triệu/ngày và thế chấp 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 Đến 14-1, Đào Xuân Lâm yêu cầu bà K phải trả cả gốc lẫn lãi lên đến 292 triệu đồng. Do chậm trả so với hợp đồng, bà K đã bị Lâm phạt lãi gấp đôi (từ 3.000đ lên 6.000đ/triệu/ngày).

Căn cứ các quy định của pháp luật, Đào Xuân Lâm đã cho bà K vay với mức lãi suất dao động từ 109 – 160%/ năm. Ngoài trường hợp của bà K, lực lượng Công an phát hiện tại cửa hàng cầm đồ của đối tượng này nhiều hồ sơ, giấy tờ liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng khác.

l Mới đây, ổ nhóm 11 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi đã bị Công an huyện Lý Nhân (Hà Nam) khởi tố về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Nhóm đối tượng này đã hành hung ông Trần Văn Anh, anh Trần Văn Thắng (cháu ông Anh) ngay tại nhà, do mâu thuẫn liên quan đến việc đòi nợ.

Sự việc xuất phát từ việc con trai ông Trần Văn Anh là anh Trần Văn Dũng có vay nợ lãi suất cao của Nguyễn Văn Việt (trú tại Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, Nam Định) 35 triệu đồng, sau đó anh Dũng bỏ vào miền Nam làm ăn, chưa trả tiền.

Để đòi được số nợ trên, Việt đã nhờ các đối tượng: Nguyễn Xuân Đồng (trú tại Mỹ Tiến, Mỹ Lộc, Nam Định); Nguyễn Anh Tú (trú tại phường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định); 3 đối tượng người địa phương Trương Duy Thoan, Trần Văn Dân, Nguyễn Tuấn Anh (cùng trú tại Lý Nhân ) đến nhà ông Anh yêu cầu trả nợ thay con trai.

Trước áp lực của nhóm này, gia đình ông Anh đã đồng ý trả trước 10 triệu đồng, số tiền còn lại xin “khất”, hẹn 2 tháng sau trả nốt, cả bọn đồng ý ra về. Tuy nhiên, vụ việc trở nên phức tạp, khi một lúc sau 2 đối tượng Ngô Thành Tâm, Ngô Thanh Bình chở nhau đi xe máy qua cổng nhà ông Anh thì gặp anh Thắng (cháu ông Anh), và xảy ra lời qua tiếng lại liên quan đến việc đòi nợ nói trên. Bực tức, Bình gọi điện cho đồng bọn quay lại.

Lần này cả nhóm gồm 11 đối tượng mang theo hung khí tấn công ông Anh và anh Thắng khiến 2 anh bị thương rồi bỏ trốn. Vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Hà Nam đã kịp thời truy bắt được các đối tượng khi đang lẩn trốn sang địa bàn tỉnh Nam Định. Khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan Công an thu giữ 8 thanh kiếm, 3 gậy đánh bóng chày bằng kim loại, 2 dao bầu và nhiều hung khí nóng.

Thượng tá Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng CSHS, Công an tỉnh Hà Nam cho biết, công tác đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm liên quan đến “ tín dụng đen” ở Hà Nam đang được các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố triển khai quyết liệt.

Trong đó, chú trọng rà soát, chủ động nắm chắc địa bàn, đối tượng, nhằm phát hiện và triệt phá các đối tượng, ổ nhóm lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính để vi phạm pháp luật; các ổ nhóm, đối tượng có biểu hiện bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê.

Song song với đó, Công an cơ sở tăng cường công tác quản lý cư trú, kiểm tra và quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh nghành nghề có điều kiện về ANTT, tập trung vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính, tư vấn tài chính, cho vay lãi; chủ động phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến cho vay nặng lãi.

Qua kiểm tra, rà soát của Phòng CSHS cho thấy, số lượng cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính trên toàn địa bàn hiện nay không hề nhỏ. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh về tăng cường đấu tranh với tội phạm liên quan hoạt động “tín dụng đen”, Phòng CSHS đang tập trung phối hợp với Công an các địa bàn tiến hành rà soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở kinh doanh, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

Tuy nhiên, một khó khăn của lực lượng Công an trong quản lý trong kinh doanh tài chính, cầm đồ hiện nay đó là hiện vẫn chưa có chế tài cụ thể để xử lý các đối tượng, ổ nhóm kinh doanh tài chính kiểu “tín dụng đen”.

Trong khi đó, hiện nay lĩnh vực kinh doanh tài chính lại chưa được quản lý như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chính vì vậy việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các đối tượng dạng này còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc phát hiện các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” do các ổ nhóm tội phạm gây ra cũng gặp nhiều khó khăn, do ban đầu các bên vay mượn, cầm cố có sự thỏa thuận dân sự tự nguyện. Khi người vay không có khả năng trả nợ và bị các đối tượng bắt giữ, đánh đập gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, nhưng nhiều khi cũng không dám trình báo vì sợ các đối tượng đe dọa, khống chế”.

Để giúp người dân phòng tránh, nhận diện rõ hơn thủ đoạn hoạt động của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, tích cực tố giác tội phạm và phối hợp với cơ quan Công an đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động này, Thượng tá Đỗ Hoài Nam chia sẻ: Đối tượng cho vay “tín dụng đen” là các cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động cho vay trái phép với lãi suất cao.

Đa số đối tượng mà bọn chúng hướng đến là các tiểu thương, công nhân, nông dân lao động nghèo, thiếu hiểu biết, người có khó khăn tài chính và các đối tượng ăn chơi, lêu lổng, cờ bạc. Bằng thủ đoạn mời chào cho vay với thủ tục  đơn giản, chỉ cần có giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc chỉ cần cung cấp họ tên, địa chỉ nhà ở là có thể cho vay không cần thế chấp tài sản, nhưng với mức lãi suất “cắt cổ”,  nhiều khi lên tới 30% - 50%/tháng khiến con nợ dễ dàng rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi phải trả thậm chí gấp nhiều lần tiền gốc, dẫn đến khó có khả năng trả được nợ.

Để ép nợ, các chủ nợ sẵn sàng thuê các đối tượng côn đồ, có tiền án, tiền sự, người nghiện ma tuý đến đe dọa và sẵn sàng dùng vũ lực hành hung gây sức ép như đến tận gia đình, cơ quan để đòi nợ. Không hiếm trường hợp bọn chúng đến nhà đổ chất bẩn, thậm chí bôi nhọ danh dự người vay và người thân, hoặc bắt giữ con nợ, buộc gia đình tới chuộc, gây ảnh hưởng phức tạp đến tình hình ANTT ở các địa bàn.

Đối với những trường hợp có nhu cầu vay vốn làm ăn hoặc giải quyết những vấn đề liên quan đến tài chính, người dân nên xem xét thận trọng với các hình thức vay vốn. Tốt nhất nên tiếp cận các nguồn vốn của Nhà nước, các ngân hàng thương mại hay các tổ chức tín dụng có uy tín...

Tuyệt đối không vay tiền của các tổ chức, cá nhân không rõ nguồn gốc “núp bóng” cầm đồ, cho vay lãi suất thấp, hỗ trợ tài chính... Khi phát hiện những hành vi cho vay lãi suất cao, siết nợ cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

Nhóm PV
.
.