Phát triển an ninh cơ sở nhờ Công an chính quy về xã

Thứ Ba, 06/10/2020, 17:12
Tính đến hết tháng 9, Công an tỉnh Điện Biên đã hoàn thành việc bố trí cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 100% các xã, đảm bảo số lượng, yêu cầu chất lượng đối với cán bộ chiến sĩ.


Theo đánh giá của các cấp chính quyền và cả người dân, việc triển khai công an chính quy về xã trên toàn tỉnh đã đạt hiệu quả cao, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân địa phương.

Những chuyển biến tích cực
Đại tá Tráng A Tủa, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên. 

Nằm ở vùng miền núi Tây Bắc Bộ, Điện Biên là nơi trọng điểm về an ninh với vị thế ngã ba biên giới: phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; phía Tây và Tây Nam giáp Lào. Tuy nhiên, từ khi triển khai Công an chính quy xuống xã, tình hình an ninh trật tự (ANTT) đã có nhiều chuyển biến tích cực. 

Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, Đại tá Tráng A Tủa cho hay, ngay trong quý 1/2020, Công an tỉnh Điện Biên đã thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an về bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã và sớm hoàn thành việc bố trí cán bộ Công an chính quy tại 100% các xã, bảo đảm cả số lượng và yêu cầu chất lượng. 

“Đến nay, từ những kết quả bước đầu, có thể khẳng định về hiệu quả tốt của chủ trương này, giúp giữ vững ANTT cơ sở và phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của địa phương”, Đại tá Tráng A Tủa nhấn mạnh.

Cụ thể, theo thống kê, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật được kiềm chế, làm giảm so với năm 2019 như: tội phạm về trật tự xã hội (TTXH) giảm 14,7%; tai nạn giao thông giảm 46,7%. 

Riêng tội phạm về ma túy phát hiện, bắt giữ 383 vụ, 432 đối tượng (tăng 90 vụ so với cùng kỳ năm 2019), điển hình nhất là vụ Công an xã Hua Thanh, huyện Điện Biên trực tiếp phát hiện, bắt quả tang 2 đối tượng mua bán trái phép 20 bánh heroin; Công an xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ trực tiếp phát hiện, bắt quả tang 1 đối tượng, thu giữ 6 kg thuốc phiện hồi tháng 8. 

Đồng thời, lực lượng Công an xã chính quy cũng phát hiện, tham gia giải quyết ổn định 8/8 vụ tranh chấp, khiếu kiện, từ đó tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở giải quyết dứt điểm không để phát sinh "điểm nóng" phức tạp về ANTT, làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, đấu tranh hiệu quả các loại tội phạm (tiếp nhận, xử lý 251 tin báo về ANTT trong đó có 16 vụ việc liên quan đến an ninh chính trị, 235 vụ việc về trật tự an toàn xã hội; đưa ra kiểm điểm trước dân 63 đối tượng; lập hồ sơ đưa 46 đối tượng đi cơ sở giáo dục bắt buộc, 30 người nghiện đi cơ sở cai nghiện bắt buộc, 5 trường hợp đi trường giáo dưỡng; giáo dục tại xã 143 người; bắt 18 đối tượng truy nã; vận động nhân dân giao nộp 456 khẩu súng các loại…).

Chưa hết, công tác quản lý cư trú, quản lý dân cư cũng tốt hơn, chặt chẽ hơn nhất là trong thời gian diễn ra dịch COVID-19. Công an xã chính quy chính là lực lượng tuyến đầu trực tiếp làm công tác rà soát, phát hiện hơn 10.000 người đến từ hoặc đi qua vùng dịch, người nhập cảnh trái phép về địa bàn để phối hợp với lực lượng y tế cùng cấp đưa đi cách ly theo quy định.

Trưởng Công an xã Nậm Kè, Thiếu tá Lý A Tung (ngoài cùng bên trái) và Công an xã viên thăm một gia đình ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Ngoài ra, lực lượng Công an chính quy xã đã phát huy tốt, có chất lượng trong công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các xã về việc nâng cao ANTT; hỗ trợ xã đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án trọng điểm về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Đề án 79 về sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé; Chương trình 30a, 135, Chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Kế hoạch triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an về hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo huyện Mường Nhé... 

“Lực lượng Công an xã là chủ công trong việc rà soát các đối tượng nghèo phù hợp với những chương trình hỗ trợ trên và còn tham gia trong quá trình xây dựng 1.149 căn nhà theo chương trình làm nhà cho người nghèo của Bộ Công an. Đồng thời, công an xã còn tham gia giúp bà con chuyển đổi kinh tế, phát triển chăn nuôi, tăng gia sản xuất”, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên chia sẻ.

Thiết thực với người dân

Nói thêm về hiệu quả của việc đưa Công an chính quy về xã, chị Lý Thị Dủ, SN 1977 tại bản Huổi Khon 1, xã Nậm Kè - người từng bị lừa bán sang Trung Quốc năm 2015 nhưng may mắn được lực lượng Công an giải cứu trước khi qua biên giới chia sẻ, hiện tại, chị yên tâm lắm vì ở bản đã có công an xã đảm bảo an ninh cho cuộc sống người dân, không sợ bị bọn xấu dụ dỗ hoặc bắt đi nữa. 

Bản thân chị thì giờ chỉ chuyên tâm làm ăn cùng chồng và nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, có gì không hiểu hoặc chưa biết gia đình chị có thể tìm đến công an xã để xin lời khuyên đúng. 

Trong khi đó, ông Hù Văn Đào, người dân tộc Cống ở bản Nậm Kè và là Chủ tịch Hội nông dân xã Nậm Kè đánh giá: “Trước đây, khi chưa có công an chính quy về xã thì trình độ của công an bán chuyên trách ở xã còn hạn chế, chưa tuyên truyền được tốt và thường xuyên cho dân về chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 
Địa hình tỉnh Điện Biên là vùng núi, suối chảy xiết, đi lại khó khăn nên ở nhiều bản, xã, các CBCS công an phải cuốc bộ đến gặp dân. Ảnh: Nhật Anh

Nhưng trong 6 tháng qua, khi Công an chính quy được đưa về xã, các Trưởng, Phó Công an xã và Công an xã viên đã tiếp xúc nhiều hơn với người dân, chịu khó đi cơ sở để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó bà con cũng rất phấn khởi, yên tâm hơn trong lao động sản xuất. 

Như với bản Nậm Kè tôi đang ở, Công an xã đã tuyên truyền cho dân biết rõ hơn pháp luật và giúp dân có thêm nhiều hiểu biết về kinh tế xã hội. Cái được nhất, như tôi thấy đó là sự tin tưởng của người dân”.

Trao đổi thêm với chúng tôi sau khi vừa có chuyến thực tế kiểm tra công tác của lực lượng Công an xã trên toàn tỉnh, Đại tá Vũ Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: “Việc triển khai công an chính quy về xã tại Điện Biên tuy gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã hoàn thành và thực hiện thêm được nhiều đầu việc khác như cung cấp phương tiện (xe máy), các trang thiết bị khác cho công an xã như máy vi tính, máy in... Mỗi xã đều được trang bị 1 xe máy. Chúng tôi cũng ưu tiên bố trí cán bộ xã thuộc dân tộc nào thì bố trí làm việc tại vùng của dân tộc đó. Các cán bộ chiến sĩ công an về xã đều biết tiếng dân tộc và hàng năm, Công an tỉnh cũng mở các lớp đào tạo, tăng cường tiếng dân tộc”. 

Được biết, trong thời gian tới, Công an tỉnh Điện Biên cũng có kế hoạch tập huấn thêm cho lực lượng Công an xã về kinh nghiệm và cách thức làm việc với người dân. Các đợt tập huấn sau này theo chuyên đề, lĩnh vực, nghĩa là công an tỉnh sẽ cử người xuống tận xã hỗ trợ công an xã từng phần việc chuyên môn, tập huấn trên thực tế công việc chứ không chỉ là những lớp học lý thuyết.

Huyền Chi
.
.