Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống lực lượng hồ sơ CAND (27/3/1957 - 27/3/2007)

Nơi giải mã bí mật của những vụ án lớn

Chủ Nhật, 25/03/2007, 08:30
Từ một tội phạm kinh tế, Nguyễn Thành Quang đã trở thành kẻ phản bội Tổ quốc. Đã gần chục năm trốn trại và sống ở nơi đất khách quê người, Nguyễn Thành Quang nghĩ rằng Công an Việt Nam sẽ chẳng bao giờ tìm thấy hắn nữa. Nhưng hắn đã lầm...

Tôi không biết bắt đầu từ đâu và lấy sự việc nào để làm minh chứng trong bài viết này, bởi tài liệu là hàng trăm vụ án lớn nhỏ, hàng ngàn đối tượng nguy hiểm bị phát hiện và bắt giữ nhờ công tác tra cứu hồ sơ nghiệp vụ. Chỉ biết rằng, trong biết bao chiến công oanh liệt của lực lượng Công an nhân dân có một lực lượng vẫn ngày đêm âm thầm, lặng lẽ góp phần mình vào trong chiến công chung đó.

Trở lại trại giam sau 8 năm lẩn trốn ra nước ngoài

Chuyến bay quốc tế từ sân bay Kai Tắc (Hồng Kông) trở về sân bay quốc tế Nội Bài có một người đàn ông đặc biệt với mái đầu bờm xờm, râu ria lởm chởm. Bầu trời trong xanh lồng lộng nhưng ông ta cứ cúi gằm mặt khi bước xuống mảnh đất quê hương. Ông ta chính là một tội phạm nguy hiểm lẩn trốn khỏi đất nước hàng chục năm trời nay đã phải quay lại thụ án.

Trở lại vụ án hơn chục năm về trước, dạo đó Nguyễn Thành Quang (ở phố Nguyễn Siêu, Hà Nội) là lái xe của một xí nghiệp vận tải ôtô. Trong một lần được giao nhiệm vụ cùng hai lái xe nữa chở gạo từ Nam ra Bắc, Quang đã cùng đồng bọn tẩu tán 45.000kg gạo. Sau đó ít lâu, anh ta lại nhận 27.200kg gạo nữa tại Hải Phòng nhưng không vận chuyển đến nơi đến chốn đã mang bán hết cho tư thương lấy tiền tiêu xài.

Sau phi vụ này Nguyễn Thành Quang bị bắt, lĩnh mức án tù chung thân, thụ án ở Trại giam Thanh Xuân, Hà Nội. ở trại giam, Quang là kẻ ương bướng thường xuyên vi phạm nội quy của trại, cho đến một ngày gã đã trốn trại sang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, thay tên đổi họ.

Theo dòng người vượt biển, hắn trốn sang Hồng Kông, bị bắt vào trại tị nạn. Suốt 7 năm ròng sống trong trại tị nạn, Quang đã trở thành "đại ca" chuyên trấn lột tiền của những người trong trại tích cóp để mưu đồ trốn sang CHLB Đức cùng vợ. Để được đi sang nước thứ 3, Quang đã tham gia vào một tổ chức phản động, giữ chức trưởng ban thông tin tuyên truyền, thường xuyên thu thập tài liệu chống cộng, viết bài xuyên tạc chính sách đổi mới ở Việt Nam, bôi nhọ đất nước.

Từ một tội phạm kinh tế, Nguyễn Thành Quang đã trở thành kẻ phản bội Tổ quốc. Đã gần chục năm trốn trại và sống ở nơi đất khách quê người, Nguyễn Thành Quang nghĩ rằng Công an Việt Nam sẽ chẳng bao giờ tìm thấy hắn nữa.

Nhưng hắn đã lầm, sau khi Quang trốn khỏi trại Thanh Xuân, CQĐT Bộ Công an phát hiện hắn đã vượt biên. Văn phòng Interpol tại Lyon (Pháp) đã phát lệnh truy nã Nguyễn Thành Quang đi 178 nước thành viên Interpol.

Cho dù đã thay hình đổi dạng, thay đổi họ tên nhưng nhờ tra cứu tàng thư căn cước và danh chỉ bản can phạm mà các chiến sĩ Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát đã phát hiện ra kẻ tội phạm đang lẩn trốn ở Hồng Kông chính là Nguyễn Thành Quang. Được sự giúp đỡ của bạn, Nguyễn Thành Quang bị cưỡng chế về nước.

Những kẻ không thoát khỏi lưới trời

Giống như Nguyễn Thành Quang, Đỗ Thị Thanh Thủy cũng bị phát hiện từ công tác tàng thư căn cước can phạm. Thủy là một người đàn bà chuyên cờ bạc bị thua quá nhiều nên cay cú, nảy sinh ý định cướp sòng bạc. Một lần Thủy cùng 2 đệ tử mang 2 dao chọc tiết lợn xông vào ổ bạc ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội khống chế cướp 14.000 USD và 45 triệu đồng.

Hai đệ tử bị bắt nhưng Thủy thì trốn thoát. Cơ quan Công an phát lệnh truy nã đối với Đỗ Thị Thanh Thủy ở đường Trường Chinh, Hà Nội về tội cướp tài sản và xử vắng mặt với mức án 11 năm tù giam. Thủy đổi tên là Cồ Thị Cúc đi bán ma túy bị bắt và thụ án. Cơ quan hồ sơ đã tra cứu dấu vân tay và phát hiện ra Cồ Thị Cúc và Đỗ Thị Thanh Thủy chỉ là một. Ả phải chịu hình phạt tổng hợp là 19 năm tù.

Lực lượng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát nhân dân đã phục vụ kịp thời những yêu cầu  công tác trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tham gia điều tra có kết quả nhiều vụ án lớn, phức tạp.

Đặc biệt 5 năm qua, lực lượng hồ sơ cảnh sát đã đăng ký lưu trữ gần 900 ngàn hồ sơ nghiệp vụ. Đến nay, 100% đối tượng trong các trại tạm giam đã được lập căn cước can phạm. Cũng 5 năm qua, lực lượng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát đã tra cứu phục vụ hơn 12 triệu lượt yêu cầu các loại, trong các chiến dịch tấn công truy nã tội phạm, công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Đơn vị đã tra cứu kết luận hơn 60 ngàn đối tượng nguy hiểm có nhiều tiền án tiền sự, thay đổi họ tên, khai man lý lịch... phát hiện hơn 2.000 đối tượng truy nã bị bắt lại, xác định được thủ phạm của hơn 300 vụ án bế tắc câu dầm suốt nhiều năm.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát đã được Nhà nước tặng thưởng 4 huân chương các loại, 1 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập lực lượng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, đơn vị đề nghị Nhà nuớc tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh

Kim Quý
.
.