Lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước:

Những ngày ở R miền Đông Nam Bộ

Chủ Nhật, 19/04/2015, 08:46
Một sáng tháng 4, chúng tôi tới thăm gia đình ông Phạm Bạn, ở khu tập thể Bộ Tư lệnh Cảnh vệ ở phố Quán Thánh (Ba Đình -Hà Nội).

Ông là một trong những chiến sĩ An ninh đã từng một thời (1969-1975) trung dũng, kiên cường trước bom đạn địch, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí Ủy viên Trung ương Cục trong mọi tình huống. Ông và đồng đội như những lá chắn bền vững trước mũi súng quân thù vì sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ lực lượng cách mạng… Hôm nay, trong căn nhà nhỏ đơn sơ, ông Phạm Bạn bùi ngùi xúc động kể về những tháng ngày gian khổ mà hào hùng… 

Nhưng cũng còn may, chỉ có ba chiếc xe bị cháy đen thui, còn các ông vẫn được bình an vô sự. Khi đến được R, ông Thiện nói vui: lần này chúng tôi đi, đúng chỉ còn trên răng, dưới… dép. Câu nói khôi hài của ông cũng không xua được vẻ bơ phờ của mọi người. Mấy chiến sĩ cận vệ của ông, vũ khí đeo đầy người, vội dỡ bỏ ra cho khỏi mệt.

Đến lúc này nhà thơ Tố Hữu mới lên tiếng: Làm gì còn dép mà trên răng dưới dép hả ông? Thế là cả đoàn cùng cười vang, chuỗi cười như xóa đi bao nỗi mệt nhọc. Để minh chứng, nhà thơ Tố Hữu vội giơ cả hai chân đi đôi dép Trường Sơn nhưng lại cùng một phía, và tiếp: Khi nghe bom nổ, chú bảo vệ xô tôi ngã rồi ôm lấy, lăn mấy vòng xuống khe rãnh cạn gần đó. Thầy trò tôi nấp vội vào một gốc cây và chú bảo vệ nhanh như cắt lên đạn một lúc cả hai khẩu AK, đặt hướng mũi súng về phía trước.

Tôi cũng tưởng là đoàn mình bị thám báo, biệt kích mai phục. Nhưng khi bình tâm lại, mới hiểu ra chỉ bị máy bay địch chặn đánh. Tôi thì vô sự nhưng đôi dép Trường Sơn không biết tuột đâu mất. Chú bảo vệ dặn tôi nằm im rồi bò ra chung quanh nhặt được hai chiếc dép, nhưng khổ nỗi lại cùng phía. Chú nhường đôi dép chú ấy đang đi cho tôi, nhưng dép to quá, đi sao được. Đến dép cũng không còn thế mà ông Thiện lại bảo “chỉ còn trên răng dưới dép?”. Lại một trận cười ra nước mắt.

Phải mất gần ba ngày hành quân bộ theo đường giao liên mới đến được địa điểm cần đến. Ba ngày cuốc bộ đã có biết bao chuyện trên đường, các cụ không theo kịp giao liên, lại bị mắc trong đám dây leo bùng nhùng, người sau chẳng thấy người trước.

Đến khi các chiến sĩ cận vệ chặt dây, vạch lá ra được khoảng trống dễ đi, ông Thiện lại vỗ vai nhà thơ Tố Hữu dí dỏm cười thầm: Đúng là “Rừng che bộ đội, ông nhỉ”, rồi cả hai cùng cười, bước khỏe hơn. Nhà thơ Tố Hữu có nhiều kinh nghiệm đi đường rừng hơn. Khi lên dốc, ông tóm chặt cành cây đu người lên, khi xuống dốc ông choài chân xuống trước, còn tay thì lựa cành mà bám. Ông đi chẳng kém gì người chiến sĩ giao liên dẫn đường.

Các chiến sĩ cận vệ cũng phải biết cách đi. Khi lên dốc thì bao giờ cũng phải đi trước, cầm tay các ông cho chắc để lỡ có trượt chân còn kéo lên. Ngược lại khi xuống dốc lại phải đi sau, sát người đề phòng các ông trượt chân còn có cơ kéo lại. Nhà thơ Tố Hữu nói rằng, rừng miền Đông Nam bộ cũng đèo, dốc như ở rừng núi căn cứ Việt Bắc năm xưa. Ở đây chỉ có khác là lắm đá tai mèo, nguy hiểm lắm.

Vợ chồng ông Phạm Bạn thăm lại chiến khu xưa.

Đến R, nghe tình hình chiến sự và đặc điểm từng cứ xong, nhà thơ Tố Hữu  bảo chiến sĩ cận vệ yêu cầu giao liên đến dẫn ông đi “vãn cảnh” tất cả các “nhà” nơi ở và làm việc của các Ủy viên Trung ương Cục như: ông Hai Già, ông Ba Bường, ông Mai Chí Thọ… và cuối cùng là đến thăm “nhà” ông Hai Hùng. Được tin báo trước, ông Hai Hùng dặn chiến sĩ cận vệ chuẩn bị đón tiếp cho chu đáo, ra tận phía ngoài để đón khách quý mang hồn thơ từ hậu phương lớn đến thăm. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, hai ông ôm nhau thắm thiết.

Ở vùng R này chúng tôi thường gọi nơi ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Trung ương Cục là “nhà”nhưng thực ra nó là cái lán làm dưới những bóng cây cổ thụ có tán cành xum xuê để đảm bảo bí mật. Mái được lợp bằng lá trung quân. Lá cây này chỉ to bằng bàn tay, dẻo dai khó rách, đốt cũng không thể cháy. Vì vậy, các chiến sĩ An ninh bảo vệ R ở miền Đông Nam bộ đã dùng nó để lợp “nhà” cho các đồng chí lãnh đạo ở. Chỉ có loại lá này mới chịu nổi những trận giặc Mỹ ném bom nhằm thui trụi miền rừng Đông Nam bộ.

Những chiếc lán, nhất là các kho làm trong các vách núi, dưới gốc cây cổ thụ ở miền rừng này khi bị bom Mỹ xả bừa bãi, cây xanh đều bị cháy nhưng những mái lán lợp bằng loại lá trung quân này vẫn trơ ra. Cũng đã nhiều lần máy bay C130 ném bom, các cành lá xanh tươi trên cây cũng bị cháy, vậy mà dưới gốc mái lá trung quân vẫn không bị bén lửa.

Rừng miền Đông Nam bộ bao la và rậm rạp, nếu khách lạ muốn đến thăm các đồng chí Ủy viên Trung ương Cục, phải có giao liên dẫn đường, nếu không sẽ lạc như đi vào mê cung không biết lối ra. Lán rộng và kín, không được gần nhau, các chiến sĩ an ninh làm nhiệm vụ cận vệ các đồng chí Trung ương Cục thường xuyên phải thay đổi đường đi và hình thức đi để gây yếu tố bất ngờ. Nhìn đường mà liệu cách đi sao cho vừa an toàn vừa đỡ tốn sức và kịp thời gian.

Mỗi người mỗi nơi, nên cách đi đến nơi hội họp hoặc khi đi công tác, phương tiện mỗi khác. Mỹ-ngụy kìm kẹp dò la là thế, nhưng ở R trời của ta và đất vẫn của ta. Các chiến sĩ an ninh cận vệ một Ủy viên Trung ương Cục, tiêu chuẩn tối thiểu cũng phải là xạ thủ có cỡ và là một tay lái lụa. Ngoài ra mới tính đến các tiêu chuẩn kinh nghiệm đi rừng, sức khỏe, tâm lý và nhanh nhạy khi đối phó với những tình huống đột xuất.

Có chiến sĩ cận vệ đã qua hàng trăm chuyến công tác, vượt hàng chục vạn cây số đường rừng mà không để xảy ra tai nạn nào đáng tiếc. Phải nói rằng, đó là những tay lái tài hoa vùng rừng, nơi mà từng giờ, từng ngày lúc nào cũng phải sẵn sàng đối mặt với kẻ thù, kể cả trên trời và dưới đất. Cuộc sống người chiến sĩ an ninh bảo vệ R miền Đông Nam bộ trong gian khổ, khó khăn, thiếu thốn và nguy hiểm là vậy. Họ vẫn trụ vững và chiến đấu kiên cường.

Đó là những chiến sĩ an ninh một thời trung dũng kiên cường trước bom đạn giặc để bảo vệ an toàn các đồng chí Ủy viên Trung ương Cục trong mọi tình huống. Các anh cũng như những “lá trung quân” của thời đại Hồ Chí Minh, những chiến sĩ chỉ biết còn Đảng thì còn mình…

Kim Quý
.
.