Văn bản, chính sách mới:

Những điểm mới về tố cáo và giải quyết tố cáo trong CAND

Thứ Bảy, 06/04/2019, 08:37
Đây là một số nội dung mới của Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25-2-2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong CAND.


2. Thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự

Ngoài việc quy định Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an các cấp có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự thuộc phạm vi quản lý được giao, Nghị định sửa đổi, bổ sung thẩm quyền giải quyết tố cáo cho cán bộ, chiến sĩ Công an không giữ chức vụ nhưng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể như sau:

Khoản 2 Điều 10 Nghị định quy định: “Cán bộ, chiến sĩ Công an không giữ chức vụ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ có thẩm quyền giải quyết đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự mà nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thuộc phạm vi quản lý được giao”.

Trước đây, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 91/2013/NĐ-CP ngày 12-8-2013 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định: “Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong CAND có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự thuộc phạm vi quản lý được giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Quy định như vậy dẫn đến chống chéo thẩm quyền giải quyết tố cáo vì theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt hành chính bao gồm từ cán bộ, chiến sĩ không giữ chức vụ khi thi hành công vụ đến Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.

Do vậy, Nghị định số 22/2019/NĐ-CP chỉ quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong trường hợp nội dung tố cáo rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay.

3. Sửa đổi việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo

Trước đây, Nghị định số 91/2013/NĐ-CP ngày 12-8-2013 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc công khai kết luận nội dung tố cáo trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ chỉ bằng hình thức công bố tại cuộc họp cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, chiến sỹ đó công tác. Nghị định số 22/2019/NĐ-CP quy định đa dạng hơn về hình thức công khai, thể hiện sự minh bạch trong giải quyết tố cáo. Cụ thể: Điều 13 Nghị định quy định như sau:

“...Căn cứ tình hình thực tế, tính chất vụ việc, yêu cầu của việc giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính quyết định việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo bằng một hoặc một số hình thức được quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Tố cáo và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo. Việc công khai phải đảm bảo bí mật về thông tin người tố cáo và những nội dung thuộc bí mật nhà nước”.

Khoản 2 Điều 40 Luật Tố cáo năm 2018 quy định các hình thức công khai như sau:

Việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức sau đây:

- Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo công tác;

- Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của người đã giải quyết tố cáo, người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo;

- Đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc mạng thông tin nội bộ của người đã giải quyết tố cáo, người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo;

- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trên đây là một số nội dung mới của Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25-2-2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong CAND. Để việc triển khai thực hiện được nghiêm chỉnh và đạt hiệu quả trong lực lượng CAND, cần tập trung, tăng cường phổ biến, quán triệt các quy định của Nghị định đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ CAND đặc biệt là lực lượng Thanh tra CAND các cấp.

Nguyễn Văn Cường (Thanh tra Bộ Công an)
.
.