Những chiến sĩ Công an trèo đồi, lội suối làm nhà giúp dân
- Đượm nghĩa tình chương trình của Bộ Công an hỗ trợ nhà ở cho đồng bào Mường Nhé
- Những ngôi nhà ấm áp tình quân dân ở Leng Su Sìn
Trên các ngả đường vào bản, trên quãng đường lầy lội đất bùn, các chiến sỹ vẫn kiên trì, nhẫn nại vận chuyển vật liệu xây dựng, xi măng, cát sỏi… đến các điểm nhà đã chọn trên các mỏm đồi cheo leo.
Đến nơi, CBCS nhanh chóng bắt tay vào việc xây nhà, công trường nhỏ này có sự góp công, góp sức của dân bản và chính quyền địa phương. Đây là những ngôi nhà nhân ái, đượm nghĩa tình từ chương trình của Bộ Công an hỗ trợ cho đồng bào nghèo Mường Nhé.
Những “phu hồ” mang sắc áo Công an
Trong quá trình ghi nhận việc xây dựng nhà tình nghĩa ở Mường Nhé, chúng tôi tiếp tục di chuyển từ xã biên giới Sín Thầu về xã Mường Toong. Suốt từ ngày 30/4 đến sáng 2/5, Mường Nhé ngày nào cũng mưa. Mà đã mưa thì con đường dẫn vào các bản đều trở thành những vũng sình, đất dẻo quánh, đi bộ cũng rất vất vả, chứ chưa nói đến việc chuyên chở nguyên vật liệu đến công trình.
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mường Nhé và học viên Học viện An ninh nhân dân giúp dân đào móng, san nền ở bản Huổi Cắn. |
May mắn thay, đến chiều trời đã tạnh mưa, sau khi di chuyển khoảng 10km đường tỉnh lộ, chúng tôi được ưu tiên lên xe máy của cán bộ Công an huyện vừa từ trong bản lộn ra đón. Trên đường chở tôi vào bản, Đại úy Chang A Dì không quên dặn dò: "Anh nhớ bám thật chắc nhé, đường đi khó lắm đấy".
Sau vài trăm mét đường khô, những đoạn đường cua tay áo kèm đất ướt nhoét, trơn như mỡ hiện ra. Chiếc xe cứ hết vật sang trái lại ngả sang bên phải, có chỗ bánh xe quay tít thò lò làm chúng tôi phải xuống xe để đủn, còn Dì dùng chân đẩy mạnh để xe vọt khỏi chỗ sình lầy. Cung đường chỉ khoảng 3km mà phải mất 30 phút trầy trật chúng tôi mới vào đến chân công trình, quần áo bê bết bùn đất.
Tại công trường nhỏ này, chúng tôi gặp Thiếu tá Giàng A Minh, Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé đã "nằm" tại bản nhiều ngày. Khuôn mặt anh đỏ như gấc chín, lưng vai áo ướt đầm đìa. Nhấp ngụm nước lạnh, Thiếu tá Minh tâm sự, đây là công trình do UBND xã làm chủ đầu tư, tuy nhiên do những điều kiện khách quan mà chưa thể triển khai xong nên Công an huyện đã nhận giúp đỡ một số khâu như: Vận chuyển nguyên vật liệu, đào móng, dựng cột...
"Trong các khâu này thì việc vận chuyển nguyên vật liệu là khó nhất. Anh em phải tranh thủ ngày nắng ráo để mang được hết. Song cũng có hôm đang làm thì trời mưa, đường nát nhoét không thể dùng ôtô, xe máy vận chuyển. Các CBCS đành phải cho vật liệu, cát, gạch vào bao, vác trên vai đi bộ vào, trông không khác gì một đàn... trâu đầm"- anh hóm hỉnh ví von.
Đường vào Huổi Cắn đã khó khăn như thế, song vẫn... chưa là gì so với bản Huổi Cấu (xã Nậm Vì, Mường Nhé). Xã này cách huyện khoảng 30km, quãng đường đất chỉ có thể đi xe máy vào dài cả chục km. Lần đầu do thiếu kinh nghiệm, có chiến sỹ "tham" chở nặng. Đến đoạn đường quá trơn, lại chở nặng chiếc xe bị "bốc đầu" người và xe chổng ngược ra đằng sau. Rất may chiến sỹ này không bị thương.
Khi nguyên vật liệu đã vào đến chân công trình, Thiếu tá Minh cùng CBCS Công an huyện và học viên của trường Học viện An ninh nhân dân lại tiếp tục tổ chức đào móng, san nền cho căn nhà. Vốn từ bé quen làm việc tay chân nên Thiếu tá Minh nhanh chóng xoay trần cùng với nam, nữ học viên để đào móng. Từng nhát cuốc, thuổng bổ xuống... mồ hôi anh em vã ra như tắm. Móng công trình đã dần được hình thành, rồi việc đào lỗ chôn cọc cũng hết sức vất vả...
Tổ cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Điện Biên xây nhà cho người dân tại bản Nà Pán 2. |
Trung tá Pờ Pờ Sơn, Phó trưởng Công an huyện phụ trách Công an huyện Mường Nhé nhớ lại. Khi anh cùng đồng đội chở vật liệu vào bản, do trời mưa đường trơn nên đã bị ngã. Bàn tay anh chống xuống đường đã bị thương, máu chảy rất nhiều. Thế nhưng, không để bà con dân bản đợi, anh lại gắng gượng đứng dậy đi tiếp tới bản, đến nơi là bắt tay ngay vào việc dựng nhà, mải làm quên cả mệt, cả đau.
Cũng tại bản Huổi Cắn, chúng tôi gặp nữ học viên Mã Thị Thanh Hằng, học viên năm thứ 4 Học viện An ninh nhân dân. Hằng có mặt tại Mường Nhé từ tháng 2-2020, theo kế hoạch thì Hằng không thuộc đối tượng tham gia dựng nhà. Tuy nhiên, khi thấy các bạn học viên nam và cán bộ chiến sỹ Công an huyện tổ chức xây nhà giúp dân, Hằng nằng nặc đòi tham gia.
"Em quê ở Cao Bằng, hồi học sinh phổ thông em vẫn thường giúp gia đình cuốc đất trồng cây nên đã quen với công việc tay chân. Hơn nữa, được tham gia giúp cho nhân dân em rất vui, quên hết cả mệt mỏi"- Hằng nói.
Khi Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy là... thợ xây
Nếu như nhiều cơ quan, ban, ngành khi được giao nhiệm vụ xây nhà cho bà con nghèo thường chỉ làm một vài công đoạn, hoặc thuê doanh nghiệp xây cho thì Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCCvà CNCH) Công an tỉnh Điện Biên là một trong số ít những đơn vị hoàn thiện công trình từ A đến Z. Tất cả các công đoạn cho việc dựng một căn nhà, từ việc cắt ống thép, hàn khung... cho đến làm móng, đổ bê tông, lên tường, dựng mái... đều do CBCS của Phòng đảm trách.
Trong những ngày ở Mường Nhé, tìm hiểu câu chuyện của những người lính được tăng cường vào bản dựng nhà mới, sửa nhà giúp các hộ nghèo, chúng tôi chứng kiến những câu chuyện rất đời thường, những công việc thầm lặng của CBCS Công an tỉnh Điện Biên.
Đó là câu chuyện tối muộn, sau chuyến đi bản về, anh em chúng tôi có hẹn nhau cùng ăn bữa cơm tối. Thế nhưng chờ mãi đến 20h chúng tôi vẫn không thấy đoàn của đơn vị Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đâu.
Quá bữa, chúng tôi đành ngồi vào mâm ở bếp ăn tập thể ăn trước khi cơm canh đã nguội ngắt. Vậy mà đến lúc ăn xong mới thấy đồng chí Trưởng Phòng cùng khoảng 20 CBCS, người ai nấy đều lấm lem bùn đất từ bản trở về. Anh cho biết, hôm nay trời nắng, chúng tôi động viên anh em cố gắng vận chuyển vật liệu tập kết lên bản để ngày mai còn dựng nhà tại bản Nà Pán2, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé.
Thượng tá Thiều Xuân Vương cho chúng tôi biết thêm, đơn vị được giao làm 12 căn nhà cho nhân dân Mường Nhé. Do đã được tính toán từ trước, các vật liệu như ống thép trụ thép đã được tập trung tại một địa điểm. Thượng tá Vương dùng bản vẽ để hướng dẫn cho cán bộ cắt, hàn thành khung cho các căn nhà sao cho vừa bảo đảm kỹ thuật, bền đẹp.
Không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp đều rất ngạc nhiên khi chứng kiến các chiến sỹ Công an sử dụng hàn điện, máy cắt, máy bắn tôn... thành thục như công nhân xây dựng chính hiệu. Sau khi phần khung đã hoàn thành và được chở đến chân công trình, cũng chính CBCS Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH lại trở thành những nhân công đổ bê tông móng nhà, rồi hàn xì các khung thép lại với nhau, lên mái, dựng tường và lắp cửa. Cho đến sáng 2/5/2020 đã có 5/12 căn nhà được dựng xong. "Phấn đấu từ nay đến 7-5, chúng tôi sẽ cơ bản hoàn thành đủ chỉ tiêu mà Giám đốc Công an tỉnh giao" - Thượng tá Vương chia sẻ.
Cho tới thời điểm này, hơn 1.000 căn nhà cho nhân dân Mường Nhé đã cơ bản được hoàn thành. Dự kiến, trước ngày 7/5, 1.149 ngôi nhà sẽ được xây mới, sửa chữa ở 11/11 xã của Mường Nhé. Từ chủ trương của Bộ Công an, có sự phối hợp tích cực, hiệu quả của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé, cùng sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn, những ngôi nhà nhân ái đã được dựng lên ở một địa bàn khó khăn vào diện bậc nhất của cả nước. Đây vừa là niềm vinh dự, nhưng cũng thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của lực lượng CAND nói chung, những CBCS Công an tỉnh Điện Biên nói riêng. Việc làm này đã và đang góp phần giải quyết vấn đề xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, góp phần để dân bám đất, bám bản, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và thêm tin yêu lực lượng CAND gần dân, trọng dân, vì nhân dân phục vụ. |