Những cách làm sáng tạo trong chiến dịch cấp căn cước công dân

Thứ Ba, 27/04/2021, 18:21
Tính đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh đã thu nhận được hơn 800 nghìn trong tổng số hơn 950 nghìn hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, đạt đến 85% yêu cầu đã đề ra...


Đáng chú có nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa như huyện Bình Liêu, Tiên Yên hay vùng biên giới hải đảo Móng Cái đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra nhờ sự nỗ lực cùng với những sáng kiến, cách làm hay của lực lượng Công an.

Là huyện miền núi, với 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng ngay từ đầu chiến dịch 70 ngày đêm cấp CCCD có gắn chíp điện tử, Công an huyện Bình Liêu đã triển khai nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo nhằm đẩy nhanh tiến độ công việc. Cụ thể là ngoài việc cấp cố định tại trụ sở, lực lượng Công an còn bố trí phương tiện đến những nơi địa hình phức tạp đưa đón người dân, nhất là các trường hợp cao tuổi, tàn tật về các điểm cấp lưu động.

Cấp CCCD bằng xe ô tô lưu động là cách làm sáng tạo của Công an huyện Ba Chẽ.

Không khỏi giấu được sự xúc động khi được cán bộ Công an đã cho xe đến tận nơi đón, bà Hà Thị Nhọt, 84 tuổi, trú tại thôn Đồng Thắng, xã Đồng Văn cho biết, đường từ nhà mình đến trụ sở UBND xã quá xa, trong khi con cháu có xe máy nhưng do tuổi già rồi không ngồi được. Nếu đi bộ thì phải mất nửa ngày mới đến nơi nên may mà có ô tô đến đón chứ không thì chưa chắc đã đi làm được. Cũng giống như bà Nhọt, Lỷ Tắc Sềnh, trú tại thôn Cầm Hắc, cùng xã Đồng Văn năm nay đã ngoài 80 tuổi đi lại vô cùng khó khăn. “Nhà ở xa lắm cảm ơn các cháu Công an đi đón, phấn khởi lắm, không biết nói gì hơn” – ông Sềnh nói.

Cùng với việc bố trí phương tiện đưa đón các cụ cao tuổi, Công an huyện Bình Liêu còn tiến hành rà soát những trường hợp tàn tật trên địa bàn để chủ động phân công cán bộ đến tận nơi hỗ trợ gia đình trong quá trình làm thủ tục cấp CCCD.

 Điển hình là trường hợp của anh Vi Thanh Xuân, trú tại thôn Phiêng Tắm, xã Đồng Tâm không may bị ngã và phải gắn bó với chiếc xe lăn. Từ một người đang khỏe mạnh, bỗng chốc thành tàn tật khiến cho tinh thần anh rất bi quan, chán nản. Tuy nhiên, khi được cán bộ Công an đến động viên, hỗ trợ đưa đi làm CCCD, anh Xuân đã rất cảm động và biết ơn sự tận tình của chiến sĩ Công an.

Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng Công an huyện Bình Liêu chia sẻ: “Là địa bàn có người dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ cao, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nhiều nơi, nhất là vùng sâu vùng xa, dân cư sống thưa thớt, đường sá đi lại cách trở, đó là chưa kể bà con vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc làm CCCD có gắn chíp. 

Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động sản xuất nông nghiệp lâu năm đã khiến các ngón tay bị cứng, chai sạn, đường vân tay bị mờ nên công đoạn lấy vân tay chiếm rất nhiều thời gian. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ cấp CCCD”. 
Công an Quảng Ninh hỗ trợ người khuyết tật, người già đi làm CCCD.

Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm, đơn vị tập trung lực lượng tuyên truyền đến từng thôn bản, đặc biệt tại các buổi tuyên tuyền có sự tham gia của chính quyền địa phương, Công an xã, cán bộ tư pháp. Không những thế, lãnh đạo Công an huyện cũng trực tiếp có mặt để tuyên truyền và từ cơ sở đến các cấp, các ngành cùng vào cuộc đã góp phần hoàn thành tiến độ sớm hơn so với kế hoạch. 

Ngoài việc triển khai linh hoạt các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD, Công an huyện Bình Liêu cũng phân công lực lượng chia làm 3 ca liên tục, từ 7h sáng cho đến khi hết công dân, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ. 

Kết quả đến nay toàn bộ công dân trong độ tuổi trên địa bàn huyện Bình Liêu đã hoàn thiện hồ sơ cấp CCCD và là địa phương đầu tiên hoàn thành sớm chỉ tiêu trong chiến dịch 70 ngày đêm mà Công an tỉnh Quảng Ninh phát động.

Cũng là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Ninh, bước vào giai đoạn cuối của “chiến dịch”, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Ba Chẽ càng nâng cao quyết tâm hoàn thành mục tiêu đã đề ra, cấp CCCD cho hơn 16 nghìn công dân đủ điều kiện trên địa bàn huyện. Ngoài việc tăng ca, làm xuyên đêm, tăng cường cán bộ các đội nghiệp vụ, công an các xã, thị trấn, từ giữa tháng 4 vừa qua, Công an huyện Ba Chẽ đã triển khai thực hiện mô hình xe cấp CCCD lưu động đến từng thôn, xã.

Theo đó chiếc xe ô tô Ford Transit với một chút thay đổi nhỏ đã trở thành phương tiện kết nối đặc biệt giữa người dân các xã vùng sâu với chiếc CCCD có gắn chip điện tử hiện đại. Không chỉ chuyên chở máy tính, máy ảnh, máy lấy vân tay và các loại hồ sơ từ Trung tâm hành chính công của huyện đến các xã, thị trấn, chiếc xe còn trực tiếp trở thành địa điểm để các cán bộ chụp ảnh, lấy vân tay của công dân. 

Hướng dẫn tận tình cho người cao tuổi làm CCCD.

Thượng tá Hà Giang, Trưởng Công an huyện Ba Chẽ cho biết, việc thực hiện cấp CCCD lưu động trên xe nhằm tận dụng tối đa thời gian, thay vì phải tháo lắp máy tại mỗi điểm lưu động, cán bộ dành thời gian đó để cấp CCCD được cho nhiều bà con hơn. Vì các xã ở cách xa nhau, thời gian di chuyển lâu, lại đến nhiều điểm trong thời gian ngắn nên việc thực hiện cấp CCCD ngay trên xe tiết kiệm được rất nhiều thời gian, đồng nghĩa với việc nhiều bà con sẽ được tiếp cận với những lợi ích vượt trội của thẻ CCCD có gắn chip điện tử.

Là địa bàn biên giới cửa khẩu với địa bàn gồm cả vùng núi cao, hải đảo và vùng nông thôn, thành phần dân cư đa dạng, để tổ chức thực hiện và hoàn thành 64 ngàn CCCD trong 1 thời gian ngắn, Công an TP Móng Cái đã huy động 40 cán bộ chiến sĩ, chia làm 3 ca từ 7h sáng đến 23h, thậm chí có những nơi đến nửa đêm vẫn còn công dân có nhu cầu thì vẫn làm cho đến 1 – 2h sáng hôm sau.

Với 2 xã đảo Vĩnh Thực, Vĩnh Trung của TP Móng Cái nằm ở cách xa đất liền, trước đây, nếu có nhu cầu cấp đổi chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân hay thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan, người dân phải di chuyển quãng đường bộ, đường biển với nhiều sóng gió vất vả. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, Công an TP Móng Cái trí lực lượng, tới tận trụ sở UBND xã phục vụ bà con cấp CCCD gắn chip điện tử. 

Ông Phạm Đình Chiến, xã Vĩnh Trung phấn khởi cho biết, thủ tục cấp CCCD rất thuận tiện, mọi người xếp hàng theo thứ tự, trong quá trình làm thủ tục nhân dân  được cán bộ Công an hướng dẫn, giải thích một cách tận tình. Cùng chung suy nghĩ đó, em Lê Thị Mai Anh, xã Vĩnh Trung cho biết, Công an TP Móng Cái đến tận đây cấp CCCD rất thuận tiện cho mọi người, không phải tốn thời gian đi vào trung tâm thành phố.

Bước vào giai đoạn sau của chiến dịch 70 ngày đêm cấp CCCD gắn chip, mặc dù vẫn còn đó những khó khăn, phải thức khuya, dậy sớm, di chuyển đường xa, ăn ở, sinh hoạt ngay tại các thôn vùng sâu trong điều kiện thiếu thốn. Song, “chiến dịch” còn chưa kết thúc, với tinh thần “tất cả vì lợi ích của người dân”, thì vẫn còn những chuyến xe lên vùng núi cao, chuyến tàu ra đảo xa. 

Nguồn động viên, an ủi lớn nhất dành cho cán bộ chiến sỹ Công an Quảng Ninh chính là niềm hạnh phúc rạng ngời trên khuôn mặt của người dân khi được cầm trên tay tấm thẻ CCCD thông minh, hiện đại...

V. Huy – Huyền Minh
.
.