Nguy cơ cháy tại cơ sở bông vải sợi, dệt may

Thứ Năm, 27/08/2015, 08:24
Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện có 301 cơ sở kinh doanh bông vải sợi, dệt may. Trong đó, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) quản lý 82 cơ sở; Công an các huyện, thành phố quản lý 219 cơ sở.
Các cơ sở này luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao do nguyên liệu và sản phẩm đều là chất dễ cháy, số lượng công nhân làm việc đông. Hàng hóa, vật tư, nguyên liệu sắp xếp, bảo quản chưa phân loại theo tính chất nguy hiểm cháy, nổ, hoặc sắp xếp không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, ngăn cháy lan...

Qua kiểm tra công tác PCCC&CNCH tại 266 cơ sở kinh doanh bông vải sợi, dệt may, Cảnh sát PCCC phát hiện nhiều tồn tại, thiếu sót. Một số cơ sở chưa chỉnh lý, bổ sung phương án chữa cháy theo quy định. Một số cơ sở mới thành lập chưa có quyết định thành lập đội chưa cháy cơ sở và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định.

Trang bị phương tiện PCCC thiếu so với quy định, phương tiện PCCC bị hỏng, không kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, nội quy PCCC, tiêu lệnh chữa cháy đã cũ, mờ, chưa được thay thế thuộc nhóm cơ sở loại 2 ở địa bàn cấp huyện. Một số cơ sở hệ thống điện không đảm bảo an toàn theo quy định nhưng chưa được cải tạo, thay thế, sắp xếp hàng hóa không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC và cản trở lối thoát nạn, tập trung ở các cơ sở đã xây dựng từ trước đây chưa được cải tạo, nâng cấp.

Nguồn nước dự trữ phục vụ công tác chữa cháy ở một số cơ sở không đảm bảo, cá biệt có cơ sở quy mô lớn, tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao như Công ty Dệt nhuộm xuất khẩu Thăng Long tại Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, TP Thái Bình, chưa lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy, nguồn nước chữa cháy (ao, bể). Những tồn tại, thiếu sót tại các cơ sở kinh doanh bông vải sợi, dệt may còn nhiều nhưng việc xử phạt vi phạm hành chính ở Công an các huyện, thành phố không có, mới chỉ có Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Thái Bình xử phạt.

Cảnh sát PCCC Thái Bình kiểm tra công tác PCCC và thiết bị PCCC tại cơ sở dệt may.

Phần lớn các doanh nghiệp dệt may thường tồn đọng xơ, bụi lớn trên trần chống nóng và trên các đường ống thông gió, trên các khe rãnh có đường dây điện đi qua. Chủ các doanh nghiệp thường có tâm lý chủ quan, không thực hiện các nội quy, quy định về công tác PCCC.

Chưa tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC, chưa duy trì việc tự kiểm tra an toàn PCCC kịp thời phát hiện những sơ hở thiếu sót có biện pháp khắc phục. Do điều kiện sản xuất, kinh doanh khó khăn, một số doanh nghiệp không có chi phí để đầu tư cho lĩnh vực an toàn PCCC, hoặc chỉ có một phần nhỏ để mua sắm phương tiện, duy trì việc bảo dưỡng nên không đảm bảo số lượng và chất lượng.

Theo ông Vũ Đức Mạnh, Phó giám đốc Công ty CP Thương mại XNK Đatex, KCN Nguyễn Đức Cảnh, TP Thái Bình, doanh nghiệp chuyên sản xuất sợi cotton, diện tích 26.000m3, công suất 4.800 tấn/năm, gần 300 công nhân. Tại phân xưởng sản xuất, công nhân vận hành dây chuyền sản xuất tự động. Trong quá trình sản xuất, một lượng lớn bụi bông bay lơ lửng trong không khí.

Trong khi đó, nhiệt độ tại khu vực sản xuất cao. Để tránh nguy cơ bông bốc cháy, công ty lắp đặt các máy công suất lớn để hút, thu gom bụi bông. Doanh nghiệp từng xảy ra cháy tại khu vực hút bụi bông do máy hút gặp sự cố. Qua kiểm tra, Cảnh sát PCCC phát hiện thiếu sót của doanh nghiệp, kiến nghị giúp công ty kịp thời bổ sung những thiếu sót. 

Đại tá Hoàng Đức Chiến, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, để hạn chế thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra, đơn vị tổ chức tuyên truyền các quy định, văn bản pháp luật liên quan đến công tác PCCC. Đồng thời, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, thực tập phương án chữa cháy tại chỗ cho cán bộ, công nhân viên các công ty. Hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục nhiều sơ hở, tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng là ý thức của mọi người, doanh nghiệp trong công tác PCCC. Các chủ cơ sở bông vải sợi, dệt may cần chủ động phòng cháy hơn chữa cháy, kiểm tra, giám sát về an toàn PCCC. Bên cạnh đó, có chế xử lý đối với các hành vi không chấp hành quy định PCCC, nguy cơ mất an toàn đối với xã hội và cộng đồng dân cư…

Các doanh nghiệp cần đầu tư trang thiết bị cho công tác PCCC, khắc phục những tồn tại, vi phạm trong công tác PCCC.

Đăng Hùng
.
.