Người thương binh Công an làm kinh tế giỏi

Chủ Nhật, 09/08/2009, 10:24
Vào mùa đông cách đây 17 năm, đang lúc trườn mình trong dòng nước dữ, bắt con tôm, con cá mưu sinh, người thương binh 4/4 Phan Văn Danh đã phát hiện ra cá chình con với mật độ dày đặc ở đầu nguồn sông Thạch Hãn (thôn Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị). Trong đầu anh chợt lóe lên ý nghĩ: Tại sao không bắt cá chình con rồi nuôi chúng ở khúc sông này?!

Thôn Tân Xuân nằm về phía thượng nguồn sông Thạch Hãn. Ở đây, mỗi gia đình chỉ có vài sào đất sản xuất; việc mưu sinh chủ yếu dựa vào sông nước, trong khi mùa hạn hán, cá tôm di trú về phía hạ nguồn; mùa mưa bão, nước từ thượng nguồn đổ về rất dữ. Sau khi phát hiện ra cá chình con, anh Danh bắt tay ngay vào việc thực hiện ý tưởng của mình.

Anh đóng một cái lồng nhỏ hình vuông bằng các thanh nhôm, trên đó đục lỗ nhỏ li ti, rồi bỏ cá chình con vào đó, nuôi tự nhiên trên sông Thạch Hãn, đoạn eo sông nằm sát thôn Tân Xuân. Anh Danh cho biết, việc chọn vị trí đặt lồng nuôi phải tìm hiểu rất công phu, sao cho thích hợp với môi trường sinh sống của loài cá chình. Sở dĩ chọn vị trí trên là do con nước ở đó khá ổn định về cả 2 mùa; mùa lũ lụt, nước có độ vịn (nước không chảy xiết); còn mùa khô, nước thông thoáng, sạch sẽ.

Ban đầu, anh vằm nhỏ số tôm, tép đánh bắt được trên sông Thạch Hãn cho chình con ăn; về sau chình lớn thì không cần vằm nữa. Năm đầu, gia đình anh bán chình, lãi ròng 10 triệu đồng. Số tiền này đối với gia đình anh lúc bấy giờ là lớn đến bất ngờ. Người thương binh Phan Văn Danh nuôi khát vọng làm giàu cùng bà con quê anh từ đó. Anh đến từng nhà, phổ biến, hướng dẫn cặn kẽ cách nuôi chình của mình cho bà con. Mùa đông năm sau, ở thượng nguồn Thạch Hãn, chỗ đập tràn ngang qua con sông, người dân Tân Xuân đơm lừ, nò, lưới bắt chình con đông như hội.

Công an viên Phạm Văn Danh đã góp phần mang lại cuộc sống đủ đầy, bình yên cho người dân Tân Xuân.

"Mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về rất mạnh; không hiểu sao chình con lại lên từ phía hạ nguồn; chúng bơi đến đoạn đập tràn thì vịn lại, người dân nhờ đó dễ dàng bắt được. Những năm đầu, bà con chỉ bắt chình con để nuôi tự nhiên trên sông, về sau người dân các tỉnh biết được, đến hỏi mua, nên bà con bắt số lượng lớn để bán. Bình quân mỗi mùa mưa lũ, từ tháng 8 đến tháng 10, bà con bắt, bán tới 5-7 tạ cá giống này. Giá giống chình cao, như năm 2008 dao động từ 540.000-560.000 đồng/kg, nên thu nhập của bà con khá lớn", anh Danh cho biết.

"Ngay sau khi nuôi cá chình thành công, anh Danh đã không hề giấu giếm bí quyết của mình, trái lại rất nhiệt tình phổ biến, hướng dẫn cho bà con làm theo. Nhờ công sức và tấm lòng chân thành của anh mà người dân quê tui vốn quanh năm dãi dầu trên sông nước đã thoát được khó nghèo", anh Trương Công Minh, một người dân thôn Tân Xuân tâm sự.

Lãnh đạo UBND xã Triệu Thượng phấn khởi cho biết: "Từ việc phát hiện cá chình con đến việc nuôi loại cá này thành công trên sông Thạch Hãn, đến nay anh Danh đã hướng dẫn, giúp đỡ và nhân rộng mô hình cho người dân thôn Tân Xuân tới 22 hộ nuôi với 43 lồng cá chình; thu lãi ròng sau 15-17 tháng nuôi là trên 40 triệu đồng/hộ nuôi".

Theo tìm hiểu của Hội nông dân xã Triệu Thượng: "Cá chình (tên khoa học: Anguilliformes) là một bộ cá, bao gồm 4 phân bộ, 19-20 họ, 110 chi và khoảng 600 loài. Phần lớn các loài cá chình là động vật săn mồi, thích sinh sống trong các vùng nước nông hay ẩn mình dưới đáy biển, đôi khi trong các lỗ. Chỉ có họ Anguillidae là di chuyển vào vùng nước ngọt để sinh sống nhưng không sinh sản tại đó. Cá chình trên sông Thạch Hãn thuộc vào họ này"

Phan Thanh Bình
.
.