Mô hình “3 + 1” – cơ hội nữ tù tha tái hòa nhập cộng đồng

Thứ Ba, 17/10/2017, 08:21
“3 + 1” là mô hình giúp phụ nữ tù tha khi về địa phương tái hòa nhập cộng đồng do Hội Phụ nữ Công an tỉnh Hà Nam triển khai. Hàng loạt việc làm giúp dân của nữ CBCS Công an tỉnh Hà Nam thời gian qua đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhân dân.

Giọt nước mắt xúc động của chị rơi mãi không ngừng, cuộc sống tăm tối trước kia tuy đã không còn nhưng để có được ngày hôm nay, chị luôn biết ơn những cán bộ nữ Công an đã đồng hành cùng mình trên con đường tái hòa nhập cộng đồng. 

“3 + 1” là mô hình giúp phụ nữ tù tha khi về địa phương nâng cao nhận thức, hiểu biết xã hội, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, lấy lại tự tin, tái hòa nhập cộng đồng do Hội Phụ nữ Công an tỉnh Hà Nam triển khai. Hàng loạt việc làm giúp dân của nữ CBCS Công an tỉnh Hà Nam thời gian qua đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhân dân.

Mô hình giàu tính nhân văn

Chưa khi nào ngôi nhà của chị Tạ Thị Thiết, ở xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam lại vui đến vậy. Nhớ lại quãng thời gian tăm tối trước đây, chị Thiết lại chạnh lòng. Vốn chị cũng có một gia đình hạnh phúc như bao người phụ nữ khác nhưng chỉ vì không vượt qua được cám dỗ vật chất, chị đã bước vào con đường buôn “cái chết trắng”.

Bị bắt và phải chấp hành án phạt 12 năm tù tại Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình), chị được ra tù trước thời hạn. 7 năm cách li khỏi đời sống xã hội, ngày trở về chị phải đối mặt với bao khó khăn, đặc biệt là sự lạnh nhạt của người thân khiến mặc cảm và tự ti cứ thế lớn dần lên. Ngay cả khi có nữ cán bộ Công an đến nhà trò chuyện, thăm hỏi, tặng quà chị cũng không muốn tiếp xúc.

Nhưng mưa dầm thấm lâu, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhất là Đại úy Trần Thu Hương, cán bộ Ban chấp hành Hội phụ nữ Công an tỉnh Hà Nam; chị Lê, cán bộ Hội phụ nữ xã Hoàng Đông và Thiếu tá Đào Hồng Nga, cán bộ Hội phụ nữ Công an huyện Duy Tiên đã kiên trì, luôn bên cạnh, động viên, giúp đỡ, dần dần chị đã có thêm niềm tin và động lực để làm lại cuộc đời.

Đại úy Hương đã tư vấn giúp chị làm sổ hộ khẩu, căn cước công dân; hướng dẫn chị làm hồ sơ, thủ tục xóa án tích… đồng thời thường xuyên đến thăm hỏi chị lúc ốm đau, gia đình chị có niềm vui nỗi buồn đều được các đồng chí động viên, chia sẻ kịp thời. “Giờ tôi đã hoàn toàn thấy mình trở thành người bình thường, đã tự tin đi làm rồi” - nở nụ cười, chị Thiết xúc động cho biết.

Sau khi chấp hành án phạt tù về tội đánh bạc trở về địa phương, chị Dương Kiều Nhung, ở thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên mang trong mình đầy mặc cảm. Cuộc sống của chị sau khi ra tù vô cùng khó khăn. Ngay đến người con cả của chị đã có gia đình nhưng cũng không có việc làm, tất cả cuộc sống đều phụ thuộc vào đồng tiền ít ỏi chị kiếm được từ việc bán hàng nước ở khu công nghiệp Đồng Văn.

Khi được Hội Phụ nữ Công an tỉnh phân công phối hợp với Hội phụ nữ cơ sở và Công an huyện Duy Tiên giúp đỡ chị Nhung tái hòa nhập cộng đồng, Đại úy Đỗ Thị Hương Loan đã đến nhà chị Nhung tìm hiểu kỹ hoàn cảnh và những khó khăn hiện tại của chị, hướng dẫn chị làm thủ tục công nhận hộ nghèo.

Đại úy Loan còn đến gặp chính quyền địa phương nơi chị Nhung cư trú để trao đổi thông tin, tham mưu đề xuất với các ban, ngành, đoàn thể và đứng ra bảo lãnh tạo điều kiện cho chị vay vốn để làm kinh tế. Ngoài ra, Đại úy Loan còn giúp chị làm thẻ căn cước công dân, tặng thẻ bảo hiểm y tế phòng khi ốm đau.

Hội Phụ nữ Công an tỉnh Hà Nam thăm hỏi, động viên, giúp nữ tù tha về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.

Nhiều việc làm giúp dân

Chia sẻ với chúng tôi về mô hình nhân văn “3+1”, Trung tá Nguyễn Thị Thứ, Phó trưởng Phòng Công tác Đảng, công tác quần chúng, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Hà Nam cho biết: “Mô hình 3+1 được thành lập từ tháng 5-2017 dưới hình thức: 1 cán bộ Hội phụ nữ Công an tỉnh phối hợp với 1 hội viên phụ nữ Công an huyện, thành phố và 1 hội viên phụ nữ ở cơ sở giúp đỡ 1 nữ tù tha về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.

Đây là một việc làm nhân văn, giàu ý nghĩa, góp phần mở rộng đường về cho những người phụ nữ đã một thời lầm lỗi hoàn lương trở thành người có ích cho gia đình, cộng đồng xã hội.

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 89 nữ tù tha về địa phương đang được Hội phụ nữ Công an tỉnh Hà Nam giúp đỡ bằng những hành động thiết thực nhằm xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử, tạo điều kiện để họ có cơ hội ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. 

Mỗi khi nghĩ lại, bác Hà Thị Thơm, ở xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên vẫn luôn cảm ơn Hội Phụ nữ Công an tỉnh Hà Nam đã giúp bác vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời. Bác Thơm năm nay đã 60 tuổi, vừa mãn hạn tù về tội “đánh bạc” trở về, tuy có 4 người con nhưng ra tù bác phải sống với người con gái buôn đồng nát và nuôi 2 cháu nội do bố các cháu đi tù, mẹ bỏ đi nơi khác. 

“Lúc đầu bác Thơm không tâm sự, không bộc bạch đâu. Chúng tôi coi bác như mẹ, tâm sự, trò chuyện, động viên để bác bộc bạch hết những khó khăn, khổ sở trong cuộc sống. Khi tiếp nhận sự giúp đỡ bác đã khóc vì xúc động”- Trung tá Nguyễn Thị Thứ cho biết.

Không chỉ độc đáo với mô hình “3+1” mà Hội Phụ nữ Công an tỉnh Hà Nam đã phát động thực hiện nhiều mô hình và phong trào nhân văn với nhiều việc làm thiết thực, mang ý nghĩa xã hội cao. 

Người dân ở xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng không thể quên hình ảnh những cán bộ nữ mặc trang phục cảnh sát giúp dân gặt lúa; hay duy trì nồi cháo nghĩa tình một tháng 4 lần phát cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa Hà Nam; đóng góp tiền, ngày công làm đường giao thông nông thôn; tặng quà, sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách…

Các chị không chỉ thực hiện chức trách, hoàn thành xuất sắc công việc được giao mà còn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của nhân dân trong cuộc sống hàng ngày.

Trần Hằng – Xuân Mai
.
.