Trật tự cơ sở sẽ tham gia phòng chống tội phạm

Thứ Hai, 29/06/2020, 19:02
Bộ Công an đang xây dựng Dự thảo (lần 2) báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”.

Theo dự thảo luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở phải nắm tình hình liên quan đến an ninh, trật tự trên địa bàn và kịp thời báo cáo với cơ quan Công an, UBND cấp xã trực tiếp quản lý có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý, phối hợp tham gia phổ biến, tuyên truyền nâng cao cảnh giác, ý thức phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trên địa bàn, tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

 “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở theo hướng dẫn của lực lượng Công an tham gia đôn đốc nhân dân trên địa bàn chấp hành quy định của pháp luật về quản lý cư trú, chấp hành quy định trong quản lý hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; vận động nhân dân tham gia cảm hoá giáo dục, giúp đỡ người đã chấp hành xong hình phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; vận động, thuyết phục người thân của các đối tượng đang bị truy nã, trốn thi hành án, đối tượng phạm tội đang lẩn trốn để tác động ra đầu thú; tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phối hợp với lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để bảo đảm an ninh, trật tự”, Dự thảo Luật nêu.

Cũng theo dự thảo Luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở phải bố trí lực lượng, quy định khung số lượng, thẩm quyền thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, huấn luyện lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở... 
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Hàng năm, Bộ Công an, UBND các cấp, Công an cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước có trách nhiệm lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách để tổ chức, bồi dưỡng, huấn luyện, hỗ trợ, bảo đảm điều kiện hoạt động và công tác quản lý đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

“Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được sử dụng con dấu riêng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an; được trang bị, sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận theo quy định của Chính phủ; được trang bị hồ sơ, sổ sách và trang thiết bị, phương tiện cần thiết khác và sử dụng công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ để thực hiện nhiệm vụ được giao. 

UBND cấp xã xã căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ”, Dự thảo Luật nêu.  

Theo dự thảo Luật, người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ hàng tháng, được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. 

Trường hợp nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc được nhận bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà bị ốm đau, bị tai nạn thì được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh. 

Trường hợp không tham gia bảo hiểm xã hội, nếu bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí. Trường hợp bị thương thì được xét hưởng chính sách như thương binh, nếu hy sinh thì được xét công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Hưng
.
.