Lan tỏa phong trào hiến máu cứu người trong Công an Lâm Đồng

Thứ Bảy, 28/09/2019, 23:10
Có những cán bộ, chiến sĩ Công an sở hữu nhóm máu đặc biệt quý hiếm, luôn sẵn sàng hiến máu trong trường hợp khẩn cấp mỗi khi có bệnh nhân cần gấp để phẫu thuật cứu giữ mạng sống trong lúc nguy kịch. Hiến máu cứu người, một nghĩa cử cao đẹp đang lan tỏa mạnh trong Công an Lâm Đồng.

Mới đây, nếu không được 3 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an hiến máu B Rh(-), nhóm máu đặc biệt quý hiếm truyền tiếp máu để các bác sĩ phẫu thuật kịp thời thì mạng sống của anh Nguyễn Hữu Thọ (SN 1999, ngụ huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) khó có thể giữ được. 

Anh Thọ bị vật cứng đâm trúng động mạch chủ ở đùi, mất máu nhiều khiến nạn nhân khi nhập viện gần như đã kiệt sức. Với thể trạng quá yếu do bị mất máu trong khi Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng không còn nhóm máu B Rh(-) để truyền tiếp máu cho nạn nhân. 

Phong trào hiến máu cứu người trong Công an Lâm Đồng ngày càng lan tỏa.

Hay tin có người đang cần gấp nhóm máu B Rh(-), 3 CBCS Công an là Đại úy Tống Công Toản, hiện công tác tại Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Lâm Đồng; Thượng úy Nguyễn Văn Thăng, cán bộ Công an phường 2, TP Đà Lạt và Trung sĩ Lưu Văn Duy, chiến sĩ Trung đội Cảnh sát đặc nhiệm Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Lâm Đồng, đã tức tốc tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng hiến máu cứu người. Ca phẫu thuật cho anh Nguyễn Hữu Thọ thành công trong sự xúc động của người nhà bệnh nhân trước nghĩa cử cao đẹp của 3 CBCS Công an. 

Chị Tâm, mẹ của anh Thọ cho biết: “Nhận được tin con bị đâm đứt động mạch chủ, bệnh viện và người nhà lại không ai có nhóm máu B Rh(-), gia đình tôi vô cùng hoang mang, không biết nương cậy vào đâu trong khi sức khỏe con tôi được thông báo là rất nguy kịch, nếu không được truyền tiếp máu để phẫu thuật kịp thời thì rất khó giữ được tính mạng. Đúng lúc này, ba cán bộ Công an xuất hiện, hiến máu cho con tôi. Gia đình tôi vô cùng biết ơn! Các anh ấy thực sự là ân nhân của con tôi!...”, chị Tâm cảm kích nói.

Đó chỉ là một trong rất nhiều lần các CBCS Công an Lâm Đồng “ra tay” hiến máu quý cứu người trong trường hợp khẩn cấp. Đại úy Tống Công Toản cho biết, anh đã nhiều lần tham gia hiến máu tình nguyện. Khi phát hiện ra anh có nhóm máu đặc biệt quý hiếm, Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã nhanh chóng “lập hồ sơ” về anh. Mỗi khi bệnh viện cần gấp nhóm máu B Rh(-) mà trong nguồn máu dự trữ của bệnh viện không còn, anh lại nhận được những cuộc điện thoại khẩn cấp của bệnh viện. 

“Trong những lần như thế, biết là bệnh viện đang cần gấp máu để cứu người, dù có bận việc tới đâu tôi cùng phải tạm gác lại, chạy nhanh tới bệnh viện để hiến máu!..”, Đại úy Toản cho biết. 

Từ đầu năm 2019 tới nay, Đại úy Tống Công Toản đã hai lần hiến máu quý cứu người bệnh. Đặc biệt, trong đó có lần anh Toản “lập kỷ lục” khi một lần hiến liên tiếp hai đơn vị máu để cứu người trong trường hợp khẩn cấp mà bệnh viện không còn nhóm máu B Rh(-) để truyền tiếp, phẫu thuật gấp cho bênh nhân. “Sau khi kiểm tra, thấy tôi có đủ sức khỏe nên các bác sĩ chấp nhận cho tôi hiến hai đơn vị máu một lần. Dịp đó, bệnh viện cũng đang rất cần nhóm B Rh(-) để phẫu thuật cứu người!...”, anh Toản chia sẻ.

Đại úy Tống Công Toản cho biết, đến nay anh đã có 13 lần hiến máu, trong đó có nhiều lần hiến trong trường hợp cấp tại bệnh viện. “Thuận lợi cho tôi cũng như các CBCS Công an là được kiểm tra sức khỏe định kỳ, có xét nghiệm đầy đủ, đảm bảo cung cấp nguồn máu an toàn cho người bệnh. Những lần tham gia hiến máu khẩn cấp, đi thẳng lên bệnh viện hiến cho người bệnh cần truyền máu ngay, là lúc tôi cảm thấy vui lòng, sẵn sàng cho đi giọt máu hiếm của mình để cứu người kịp thời!...”, Đại úy Tống Công Toản chia sẻ.

Xác định hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, đậm tính nhân văn, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra chủ đề “Tuổi trẻ Công an Lâm Đồng tích cực hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện - Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. 

Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Lâm Đồng luôn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên bằng nhiều hình thức đa dạng. Từ đó, mỗi CBCS hiểu được giá trị nhân văn của phong trào cũng như những lợi ích khi tham gia hiến máu tình nguyện, chia sẻ những giọt máu hồng, đem lại nguồn sống, niềm vui cho nhiều bệnh nhân cần máu cấp cứu, điều trị kịp thời. 

Hiện Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Lâm Đồng có 25 chi đoàn và đoàn cơ sở trực thuộc với tổng số hơn 900 đoàn viên. Hằng năm Đoàn Thanh niên Công an tỉnh duy trì tổ chức từ 2 - 3 đợt hiến máu tình nguyện vào khoảng tháng 4, tháng 8 và tháng 12, thu hút đông đảo CBCS tích cực tham gia.

Đại tá Trần Xuân Việt, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, không chỉ là lực lượng phản ứng nhanh, xung kích trong việc giữ vững ANTT tại các địa bàn xung yếu, trọng đ iểm, Phòng Cảnh sát cơ động còn thường xuyên phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Hội Chữ thập đỏ phát động các đợt hiến máu tình nguyện. 

“Chỉ riêng Chi đoàn Cảnh sát cơ động có khoảng 300 CBCS sẵn sàng tham gia hiến máu khẩn cấp bất cứ lúc nào!...”, Đại tá Việt cho biết. 

Mỗi năm, CBCS Công an Lâm Đồng đã hiến hàng nghìn đơn vị máu, trong đó có nhóm máu quý hiếm B Rh(-) để bệnh viện phẫu thuật, cứu người trong những trường hợp khẩn cấp. Mỗi giọt máu các anh cho đi, thêm một người ở lại. Phong trào hiến máu tình nguyện cứu người trong Công an Lâm Đồng đang ngày càng lan tỏa.

Vì sao B Rh(-) được xem là nhóm máu hiếm?

Các nhà khoa học dựa vào sự hiện diện của 2 loại kháng nguyên A và B để phân máu người thành 4 nhóm chính: A, B, AB và O (còn gọi là hệ thống nhóm máu ABO). Người có nhóm máu A có kháng nguyên A và có kháng thể b (chống B) trong máu. Người có nhóm máu B có kháng nguyên B và có kháng thể a (chống A) trong máu. 

Người có nhóm máu AB có kháng nguyên A và B và không có kháng thểa và b trongmáu. Người có nhóm máu O không có kháng nguyên A và B nhưng trong máu có kháng thể a và b. 

Ngoài hai loại kháng nguyên A và B, các nhà khoa học còn phát hiện trong máu có những kháng nguyên khác, trong đó đáng chú ý là kháng nguyên Rhesus (ký hiệu Rh). Kháng nguyên hệ Rh phân bố thưa thớt trên bề mặt hồng cầu. Khi cơ thể có kháng nguyên Rh thì được gọi là Rh+ (dương tính). Còn nếu cơ thể không có kháng nguyên Rh thì được xem là Rh- (âm tính). 

Kháng nguyên hệ thống nhóm máu Rh là di truyền. Khi người có Rh- trong máu được truyền bằng máu có kháng nguyên Rh+ thì sẽ xuất hiện kháng thể chống Rh, gây ngưng kết hồng cầu, sinh ra tai biến. Nếu người cần được truyền máu là Rh+ thì truyền máu Rh+ hoặc Rh- đều được, nhưng nếu người cần được truyền máu là máu Rh- thì nhất thiết phải được truyền máu Rh-. Vì vậy, máu Rh-, là loại máu cực hiếm. (PV)


Khắc Lịch
.
.