Huy động lực lượng tối đa giúp dân đối phó với lũ lụt

Thứ Sáu, 16/12/2016, 10:28
Ngày 15-12, nhiều vùng trũng thấp các tỉnh miền Trung, vẫn còn bị ngập sâu trong lũ lụt. Lực lượng Công an được huy động tối đa, phối hợp cùng chính quyền các địa phương tổ chức di dời dân, vận chuyển mì tôm, nước uống đến các gia đình bị nước lũ ngập sâu, chia cắt, cô lập; đồng thời chốt chặn những khu vực bị nước lũ ngập sâu, nguy cơ sạt lở núi, để cảnh báo, đảm bảo tính mạng cho người dân trong đi lại…

Trước tình hình mưa lũ diễn biến bất thường, ngày 15-12, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chỉ đạo các đơn vị, Công an địa phương triển khai công tác ứng phó. 

Theo đó, Công an các huyện, thị xã vùng thấp trũng như Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc, Phú Vang tổ chức trực ban 24/24 để theo dõi diễn biến mưa lũ, có kế hoạch, phương án di dời dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở ở miền núi, vùng ven sông, suối, bờ biển do mưa lũ gây ra đến nơi an toàn. 

Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh phối hợp với Công an các địa phương cắt cử lực lượng ứng trực, tổ chức điều tiết giao thông tại những tuyến đường, ngầm tràn bị ngập lũ. CSGT đường thủy hướng dẫn các thuyền vào nơi neo đậu an toàn trên sông Hương; sông Bồ để tránh bị lũ cuốn trôi. 

Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế điều tiết giao thông tại đoạn ngập lụt trên tuyến quốc lộ 1A.

Đại úy Phan Bảo Trung, Trạm trưởng Trạm CSGT Phú Lộc cho biết, do mưa lớn nên những ngày qua, tuyến quốc lộ 1A từ Km 866+200 đến Km 867 đoạn qua xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) bị ngập sâu 0,3-0,5m. Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện khi lưu thông qua đây, đơn vị đã cắt cử cán bộ chiến sĩ túc trực nhằm điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân lẫn phương tiện khi lưu thông qua tuyến đường này.

Tại tỉnh Quảng Nam, nước lũ trên sông Vu Gia – Thu Bồn tiếp tục dâng cao, cùng với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi xả lũ khiến ngập lụt trên diện rộng vùng hạ du. Hàng trăm nghìn ngôi nhà, công trình bị ngập sâu trong nước lũ. 

Tại Hội An, nước lũ sông Thu Bồn tràn vào ngập sâu khu vực phố cổ, tình trạng mất điện xảy ra trên diện rộng vào ngày 15-12; các trường học trên địa bàn cũng chìm trong nước lũ nên học sinh tiếp tục nghỉ học chờ lũ rút. 

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết, đến chiều 15-12, nước lũ dâng cao lên mức 2,2m, trên báo động 3. Chính quyền thành phố đã chỉ đạo hệ thống truyền thanh; đồng thời sử dụng xe lưu động của Trung tâm VHTT thành phố để thông tin đến các địa phương, người dân kịp thời phòng tránh lũ lụt theo phương án “4 tại chỗ”. 

Lực lượng chức năng tiến hành cứu trợ người dân bị lũ lụt tại phố cổ Hội An. Ảnh: Hà Ngọc

Lực lượng Công an thành phố và các đội xung kích trực sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. UBND TP Hội An cũng phát thông báo cấm các phương tiện qua lại nơi trũng, nước lũ chảy xiết và nghiêm cấm người dân dùng ghe thuyền chở khách đi trong lũ lụt, vớt củi trên sông.

Tại huyện Đại Lộc, ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch huyện, cho biết từ chiều 15-12, các thủy điện ở thượng nguồn hệ thống Vu Gia - Thu Bồn tiến hành xả lũ và huyện đã thông tin cho địa phương, người dân biết để phòng tránh.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, đến chiều tối 15-12, theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, sáng 15-12, trên địa bàn có thêm 1 người chết vì mưa lũ. Như vậy, tính từ ngày 29-11 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã có 15 người chết và mất tích vì các đợt mưa lũ kéo dài, dồn dập. Nạn nhân mới nhất là ông Nguyễn Giằng (SN 1959, ở thôn Tân Bình, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ), vào lúc 17h ngày 14-12, ông Giằng đang đi trên đường thì bị gió mạnh đẩy rơi xuống kênh tử vong. Nhận tin báo, lực lượng chức năng và người dân tổ chức tìm kiếm vớt được thi thể ông Giằng… Tại các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi mưa lũ đã khiến một số tuyến đường giao thông bị ngập lụt, gây khó khăn trong việc lưu thông. Riêng tại TP Quảng Ngãi, các tuyến giao thông nội thành bị ngập sâu từ 0,5- 0,8m.

 Trưa 15-12, thủy điện Đắkdrinh đã tăng lượng nước xả điều tiết về hạ du lên xấp xỉ 1.000m3/s; gấp nhiều lần lưu lượng nước xả những ngày trước đó. Các huyện, thành phố trên địa bàn Quảng Ngãi đang rà soát các khu vực có nguy cơ bị ngập, sạt lở đất và sẵn sàng di dời, sơ tán nhân dân. Ban Chỉ huy PCTT&TKCC tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến nhân dân về diễn biến mưa, lũ để chủ động phòng, tránh. Đồng thời. lực lượng Công an cũng đã được huy động tổ chức chốt chặn các tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm tràn để hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại những nơi sạt lở đất, khu vực bị ngập sâu do khai thác vật liệu để cảnh báo nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:  Chủ động ứng phó mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người dân

Chiều ngày 15-12, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn về chủ động ứng phó, khắc phục mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. Công điện nêu rõ, từ ngày 11-12 đến nay, tại các tỉnh miền Trung tiếp tục xảy ra các đợt mưa lớn, nhiều hồ chứa nước phải vận hành xả lũ đã gây ngập lụt tại vùng thấp trũng, ven sông suối thuộc các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, thiệt hại người, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, TP theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” và cấp báo động; chủ động xử lý các tình huống, sự cố phát sinh trong và sau mưa lũ, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, tổ chức dự báo, cung cấp thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ. 

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với các chủ hồ kiểm tra, chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ bị thiệt hại về người, mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, không để người dân bị đói, khát.                     

 Ngọc Yến

Theo Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong chiều tối 15-12, lũ trên các sông ở Quảng Trị, Bình Định, hạ lưu sông Vụ Gia - Thu Bồn tiếp tục lên; các sông ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi có khả năng lên lại, các sông ở Phú Yên xuống chậm. Cảnh báo lũ lớn, kéo dài, ngập lụt sâu, diện rộng có khả năng xảy ra trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông và mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên… 

A. Khoa - N.Thi- A. Thư - H. Ngọc
.
.