Việt Nam - Trung Quốc phối hợp truy bắt đối tượng truy nã

Thứ Năm, 13/04/2017, 14:30
Sáng 13-4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Sơ kết 3 tháng thực hiện cao điểm truy nã tội phạm lần thứ 3 giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc.


Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm cho biết, ngày 25-9-2016, trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác phòng, chống tội phạm lần thứ 5 giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc, Cục Đối ngoại Bộ Công an Việt Nam và Cục hợp tác quốc tế Bộ Công an Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ về triển khai cao điểm truy nã tội phạm lần thứ 3 (thời gian thực hiện từ 1-1-2017 đến 30-6-2017). 

Các lực lượng thuộc Công an Việt Nam, Công an Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ trong công tác xác minh, truy bắt và bàn giao đối tượng truy nã lẩn trốn giữa hai nước. 

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát  phát biểu tại Hội nghị.

Đại tá Đoàn Văn Hoa, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm trình bày báo cáo tại Hội nghị, nêu rõ, sau 3 tháng thực hiện đợt cao điểm nêu trên, Công an Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng liên quan bắt giữ, vận động đầu thú 8 đối tượng truy nã của Việt Nam lẩn trốn sang Trung Quốc, sau đó quay trở lại Việt Nam; bắt 5 đối tượng truy nã người Trung Quốc lẩn trốn tại địa bàn Việt Nam. 

Công an Trung Quốc đã bắt và bàn giao cho Công an Việt Nam 6 đối tượng truy nã và một thi thể đối tượng truy nã. Kết quả bước đầu đó đã góp phần quan trọng trong hợp tác phòng, chống tội phạm giữa hai nước; góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc...

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phát biểu nhấn mạnh, Cục Cảnh sát TNTP với vai trò Thường trực Ban chỉ đạo 327/BCA tổng hợp các ý kiến đã nêu trong Hội nghị, báo cáo lãnh đạo Tổng cục để đề xuất với các cơ quan chức năng tháo gỡ một số vấn đề khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý, kinh phí, thông tin, quan hệ phối hợp... để đúng luật pháp quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam, trong truy bắt ĐTTN quốc tế nói chung, ĐTTN nói riêng. 

Trước mắt, cần rà soát, đôn đốc Công an các địa phương tập hợp, trao đổi thông tin về ĐTTN trốn sang Trung Quốc để phục vụ công tác truy bắt; xây dựng mối quan hệ cung cấp thông tin thường xuyên, lâu dài để truy bắt ĐTTN của hai nước lẩn trốn tại Việt Nam-Trung Quốc có hiệu quả...

Hiếu Quỳnh
.
.