Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu:

Góp phần quan trọng ổn định và phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Sáu, 10/06/2005, 06:35
Ngày 8/6, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 15/CT-TW của Bộ Chính trị (khóa VII) và Quyết định 114 -TTg của Thủ tướng Chính phủ (năm 1992) về đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Chi, Bí thư TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW; Vũ Quốc Hùng, Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo 6 (2) của TW; Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Nguyễn Văn Tính, Thứ trưởng Bộ Công an; Trần Đại Hưng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Nội chính TW; Vũ Phạm Quyết Thắng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Phan Thế Ruệ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành TW; lãnh đạo các Tổng cục, Vụ, Cục thuộc Bộ và Công an các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Nỗ lực to lớn

Trong 13 năm qua, lực lượng CAND đã tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước về ANTT, đổi mới các mặt công tác nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền các cấp làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu. Qua đó đã góp phần kiềm chế sự gia tăng các loại tội phạm, bình ổn xã hội, giữ vững an ninh trật tự.

Từ năm 1993 đến nay, lực lượng Công an đã phát hiện 9.960 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, gây thiệt hại 7.558 tỷ đồng. Năm 2004 phát hiện 506 vụ tham nhũng (thiệt hại 712 tỷ đồng). Có những vụ tham nhũng hàng triệu USD như trong lĩnh vực dầu khí, xăng dầu, ngân hàng...

Qua các vụ án đã điều tra cho thấy tỷ lệ thất thoát trong đầu tư xây dựng trung bình từ 10 đến 20%, cá biệt có công trình lên tới 30%. Trong đó, đáng lo ngại là xảy ra tham nhũng tại các công trình trọng điểm của Nhà nước, như đường liên cảng A5 (TP Hồ Chí Minh), một số công trình phục vụ SEA Games 22...

Trong lĩnh vực ngân hàng, tình trạng tham ô, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm, lừa đảo, nhận hối lộ, cho vay sai nguyên tắc xảy ra ở nhiều ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Đã có hàng trăm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và giám đốc các doanh nghiệp bị truy tố. Tình trạng lãng phí trong chi phí cho hội nghị, tiếp khách, tặng quà diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, các hành vi mua bán và sử dụng trái phép hoá đơn GTGT nhằm mục đích lừa đảo và tham ô chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT xảy ra ở nhiều nơi. Trong 4 năm thực hiện Luật thuế GTGT, lực lượng Công an đã phát hiện 140 vụ vi phạm với số tiền 400,4 tỷ đồng, trong đó đã khởi tố 116 vụ...

Trong đấu tranh chống buôn lậu, từ năm 1993 đến nay, lực lượng CAND đã phát hiện và xử lý 162.785 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm và tội phạm kinh tế khác. Qua đó đã thu giữ hàng hoá trị giá 4.051 tỷ đồng; truy thu thuế, phạt tiền 966 tỷ đồng.

Tìm những giải pháp hữu hiệu

Theo đánh giá của Bộ Công an thì việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 15 và Quyết định 114 ở các cấp, các ngành chưa đồng đều và thường xuyên liên tục. Hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng của Công an cấp quận, huyện còn hạn chế, tỷ lệ khám phá án tham nhũng chưa cao.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu trong thời gian tới, Bộ Công an đã đề ra 6 giải pháp, biện pháp chủ yếu. Tại Hội nghị, nhiều đại biểu các bộ, ban, ngành và lực lượng Công an đã phát biểu ý kiến, bày tỏ nỗi trăn trở về cuộc đấu tranh đầy gian khó, quyết liệt này. Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Bí thư TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW hoan nghênh chủ trương Bộ Công an tổng kết cuộc đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu của toàn lực lượng. Đồng chí cũng bày tỏ nỗi băn khoăn, hiện tại các cơ quan chống tham nhũng chưa đủ mạnh, chưa đủ quyền để thực thi nhiệm vụ. Để phòng ngừa tham nhũng, thì một trong những biện pháp quan trọng là xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là cần đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Công an một số đơn vị, địa phương cho rằng đây là một bài toán khó bởi yêu cầu đặt ra là tích cực đấu tranh nhưng phải bảo đảm yêu cầu không làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và không ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị của đất nước. Hiện nay, chính sách và hệ thống pháp luật của nước ta vẫn còn nhiều sơ hở, đây là điều kiện phát sinh tội phạm.

Tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Lê Thế Tiệm đã khẳng định những thành tích to lớn của lực lượng CAND và nêu rõ, về nhận thức cần thấy rằng công tác đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn và lâu dài. Cuộc đấu tranh này gắn liền với việc bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tăng cường đoàn kết nội bộ, không để kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng chống lại sự lãnh đạo của Đảng, phá hoại công cuộc đổi mới.

Để đấu tranh có hiệu quả hơn nữa, các đơn vị nghiệp vụ ở Bộ và Công an các địa phương phải chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác nghiệp vụ; phối hợp chặt chẽ đồng bộ giữa các lực lượng, các ngành, các cấp; coi trọng công tác xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh. Sắp tới, Bộ Công an sẽ ra Chỉ thị về tăng cường công tác đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu trong tình hình mới. Tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Luật Chống tham nhũng, đây là một văn bản pháp quy quan trọng để các lực lượng có điều kiện hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn

P.V.
.
.